Hưng Hà: Vùng đất văn hiến
Nằm ở phía Bắc tỉnh, tuy không có những bãi biển trong xanh với bờ cát trắng nhưng Hưng Hà lại sở hữu những công trình kiến trúc rất độc đáo và có giá trị lịch sử to lớn. Địa điểm nổi tiếng của Hưng Hà mà mọi du khách khi tới mảnh đất này đều muốn một lần ghé thăm đó là khu di tích quốc gia đặc biệt đền thờ và lăng mộ các vị vua triều Trần tại xã Tiến Đức. Đền tọa lạc tại thôn Tam Ðường, xã Tiến Ðức là nơi lưu giữ hài cốt của các bậc tổ vương triều Trần như Thủy tổ Trần Kinh, Thái tổ Trần Hấp, Nguyên tổ Trần Lý, Thái Thượng Hoàng Trần Thừa. Các hoàng đế như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông cùng các hoàng hậu sau khi qua đời đều được quy về hợp táng tại các lăng có tên như Thọ Lăng, Chiêu Lăng, Dụ Lăng, Quy Ðức Lăng. Lễ hội đền Trần Thái Bình cũng đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ hội diễn ra từ ngày 13 - 18 tháng Giêng hàng năm không chỉ thu hút các nhà nghiên cứu sử học mà còn là điểm du lịch văn hóa tâm linh có giá trị.
Qua đền Trần, du khách có thể đi tiếp đến đền Tiên La để nghe câu chuyện lịch sử bi hùng của Bát nạn tướng quân Vũ Thị Thục đánh giặc ngoại xâm. Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia thờ Bát nạn tướng quân Vũ Thị Thục tọa lạc trên diện tích gần 6.000m2, tại gò Kim Quy, xã Đoan Hùng. Đền có kiến trúc cổ “Tiền nhất” “Hậu đinh” từ cột, kèo đến đao mái uốn cong với kiểu dáng lưỡng long chầu nguyệt, mặt trước đền hướng ra sông Tiên Hưng, gần ngã ba đổ ra sông Luộc, bao quanh đền là những rặng cây xanh sum xuê, tỏa bóng mát. Đền Tiên La có các công trình chính như: tam quan ngoại, tam quan nội, tiền tế, trung tế và hậu cung. Hiện đền còn lưu giữ nhiều đồ tế khí, đồ thờ có niên hạn từ thời Trần, Lê; các sắc phong thần như: Ý Đức Đoan Trang Thục công chúa (đời vua Thánh Tông), Dực Bảo Trung Hưng linh phù chi thần (đời vua Minh Mạng … Hàng năm, từ ngày 10 - 17/3 âm lịch lễ hội Tiên La được tổ chức để nhân dân khắp nơi được chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc độc đáo cổ xưa của đền và thưởng thức các hoạt động văn hóa tâm linh, các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc.
Biểu diễn trống hội tại lễ hội đền Tiên La (xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà).
Ngoài được chiêm bái và tìm hiểu kiến trúc lịch sử các đền, chùa ở Hưng Hà, du khách đến đây còn có thể tham quan hành cung Lỗ Giang tại xã Hồng Minh. Dựa vào những ghi chép trong sử cũ, từ năm 2014 đến nay, các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Kinh thành đã lần tìm và phát hiện những dấu tích còn sót lại của một hành cung thời Trần mang tên Lỗ Giang tại vùng đất cổ xưa thuộc xã Thâm Động, phủ Long Hưng, nay là xã Hồng Minh (Hưng Hà). Qua kết quả điều tra, khai quật khảo cổ học, Viện Nghiên cứu Kinh thành đã phát hiện được rất nhiều di vật, vật liệu kiến trúc, các loại đồ dùng trong sinh hoạt, một số dấu tích có mối liên hệ mật thiết tới hành cung Lỗ Giang xưa. Đến với Hưng Hà du khách còn được tham quan khu lưu niệm nhà bác học Lê Quý Đôn tại xã Độc Lập đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng quốc gia từ năm 1987. Tại xã Hồng An còn có đền thờ Bác Hồ - đây là nơi Đảng bộ và nhân dân Hưng Hà tưởng nhớ, bày tỏ lòng thành kính và biết ơn vô hạn trước những công lao to lớn của Người trong sự nghiệp đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Được biết hiện nay, trên địa bàn huyện Hưng Hà còn lưu giữ, bảo tồn nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể vô cùng quý giá. Toàn huyện có gần 700 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 25 di tích lịch sử và 1 di sản văn hóa phi vật thể được xếp hạng cấp quốc gia, 77 di tích được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Hàng năm, ở Hưng Hà thường diễn ra 175 lễ hội lớn nhỏ, mang đậm bản sắc dân tộc, tiêu biểu là lễ hội đền Trần, lễ hội đền Tiên La, tục giao chạ giữa hai làng Tam Đường (xã Tiến Đức) và làng Vân Đài (xã Chí Hòa)... Các di tích lịch sử và lễ hội ở Hưng Hà chính là nhân chứng, vật chứng cho một vùng quê có bề dày lịch sử văn hóa lâu đời. Các di tích ở Hưng Hà nhiều về số lượng, đa dạng về chủng loại, có giá trị kiến trúc, nghệ thuật rất độc đáo được phân bố khắp các địa bàn trong huyện. Trong đó nhiều nhất là di chỉ mộ táng từ văn hóa Ðông Sơn đến các triều đại Lý, Trần thế kỷ 13. Có thể nói, các lễ hội, phong tục truyền thống của địa phương không những làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân mà còn khơi dậy thuần phong mỹ tục để thế hệ trẻ hôm nay và mai sau biết trân trọng, bảo vệ và phát huy nét đẹp văn hóa của quê hương. Về thăm đất cổ Hưng Hà, du khách sẽ có cơ hội thỏa sức vẫy vùng trong hương thơm của lúa mới hay tản bộ trong không gian thơm ngát và không khí yên bình đậm nét thôn quê với những trang trại trồng cây ăn quả, nuôi cá lồng ven sông. Đặc biệt, khách tham quan còn có thể đến thăm các làng nghề nổi tiếng của Hưng Hà như làng dệt Phương La, xã Thái Phương; làng nghề chiếu Hới, xã Tân Lễ; làng nghề làm mộc xã Tân Hòa…
Để thực hiện được mục tiêu vừa phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới vừa gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Hưng Hà đã chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân nhằm khơi dậy ý thức bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương. Các ban quản lý trong hệ thống di tích của toàn huyện đã từng bước tổ chức tu bổ, chống xuống cấp di tích, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, giữ gìn và khai thác giá trị của di tích. Công tác sưu tầm, nghiên cứu về truyền thống lịch sử văn hóa được coi trọng đúng mức và triển khai khá đồng bộ, hiệu quả. Cùng với sự quan tâm của tỉnh, huyện Hưng Hà đã chỉ đạo các địa phương chú trọng công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, thực hiện bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo, phục dựng các di sản văn hóa, hoàn thiện quy hoạch và tổ chức thực hiện các dự án văn hóa trọng điểm như: khu lưu niệm nhà bác học Lê Quý Đôn, đền Tiên La, di tích Thái phó Lưu Khánh Đàm; thường xuyên tu bổ, trùng tu, nâng cấp đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Hồng An, đền thờ và lăng mộ các vị vua triều Trần tại xã Tiến Đức… Những hoạt động thiết thực trong công tác bảo tồn các giá trị văn hóa đã nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của toàn thể cán bộ, nhân dân địa phương trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, góp phần gìn giữ tinh hoa văn hóa truyền thống của quê hương, nâng cao đời sống tinh thần, tạo đà để sự phát triển của vùng đất cổ Hưng Hà với bề dày truyền thống văn hóa, văn hiến ngày một vững mạnh.
Mai Thư
Tin cùng chuyên mục
- Khánh thành trùng tu đền thờ Linh Từ Quốc Mẫu 16.11.2024 | 16:47 PM
- Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình kỷ niệm 65 năm thành lập 16.11.2024 | 16:48 PM
- Tin gió mùa Đông Bắc 16.11.2024 | 16:48 PM
- Trường Đại học Thái Bình khai giảng năm học 2024 - 2025 16.11.2024 | 16:49 PM
- Cháo sườn Hà Nội 16.11.2024 | 16:49 PM
- Ba lợi thế khi đi du lịch mùa thấp điểm 16.11.2024 | 16:50 PM
- Trao Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" năm 2024 16.11.2024 | 16:50 PM
- Nhiều bệnh viện nuôi dưỡng thành công trẻ sinh non nhẹ cân dưới 500gr 16.11.2024 | 16:50 PM
- Đưa việc học và làm theo Bác Hồ trở thành nhu cầu văn hoá tự thân của mỗi người 16.11.2024 | 14:28 PM
- Công bố quyết định của Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, nhiệm kỳ 2020-2025 16.11.2024 | 14:29 PM
Xem tin theo ngày
- Kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để giải quyết công việc phát sinh đột xuất
- Họp Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh
- Khai mạc hội diễn nghệ thuật quần chúng Hội tụ sông Hồng
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Trung, xã Đông Phương
- Kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2024
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025
- Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật đất đai