Thứ 7, 16/11/2024, 05:53[GMT+7]

Trần Duy Cung - Bức ảnh đi vào lịch sử

Thứ 2, 14/10/2019 | 10:29:46
32,838 lượt xem
Anh bộ đội gầy gò vác khẩu súng B41 kê lên cột cây số 0 Lạng Sơn - đó là nội dung bức ảnh “biểu tượng nhất” trong chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 - 1989. Nhân vật trong bức ảnh là ông Trần Duy Cung (tên thường gọi là Trần Huy Cung) quê ở huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.

30 năm cuộc chiến đã lùi xa nhưng câu chuyện về người lính Trần Huy Cung dũng cảm một thời “vào sinh ra tử” trên các chiến trường từ Quảng Trị đến Lạng Sơn vẫn còn nguyên vẹn, xúc động qua lời kể của vợ và con ông ở một vùng đất mới - thị xã. Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Như ngày hôm qua

Ngôi nhà cấp 4 của gia đình ông Trần Huy Cung nằm trong một con hẻm nhỏ phía sau nhà thờ Phước Lộc (phường Tân Phước, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Trên bàn thờ ông Cung ngoài bức hình chân dung thờ ông còn có bức ảnh người chiến sĩ kê súng trên cột mốc cây số 0 mà nhân vật trong bức ảnh chính là ông Trần Huy Cung.

Tiếp chuyện tôi bên bộ bàn ghế cũ trong phòng khách, bà Tô Thị Huê nước mắt ngấn dài, giọng nghẹn ngào mỗi khi nhắc đến chồng - chiến sĩ Trần Huy Cung. Với gia đình bà Huê, ký ức về người chồng, người cha dũng cảm chiến đấu từ miền Trung đến miền Bắc, sẵn sàng “gạt tình riêng ra đi vì nghĩa lớn” vẫn còn vẹn nguyên như mới ngày hôm qua. Theo lời bà Huê, ông Trần Huy Cung là tên thường gọi của chiến sĩ Trần Duy Cung (sinh năm 1946 tại xã Tây Giang, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình).  Năm 1967, ông Cung nhập ngũ, tham gia chiến trường Vĩnh Linh - Quảng Trị. Sau 2 năm chiến đấu, năm 1969, ông Cung xuất ngũ về làm công nhân cho Nhà máy xay Phúc Khánh thuộc Ty Lương thực tỉnh Thái Bình. Tháng 12/1978, ông Cung tái ngũ và tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. 

“Trước lúc lên đường nhập ngũ, ông ấy nói với tôi: Đất nước đang lâm nguy, anh phải ra chiến trường lần nữa. Em ở nhà chịu khó nuôi con một mình. Lúc đó con trai tôi đứa lên 6 (Trần Văn Dũng), đứa lên 3 (Trần Văn Dinh). Nhưng vì việc nước, tôi đành gạt nước mắt để ông ra chiến trận” - bà Huê vừa kể vừa khóc, có những lúc giọng bà run lên, nghẹn đắng. 

 Bà Tô Thị Huê xúc động khi kể về chồng mình - chiến sỹ Trần Huy Cung

Bàn tay nhăn nheo, bà Huê mân mê tấm ảnh trên tay rồi kể tiếp: 41 năm trôi qua nhưng tôi vẫn còn nhớ như in cái ngày ông ấy ra chiến trường. Hôm đó, tôi đèo thằng Dinh trên chiếc xe đạp chạy ra tiễn chồng nhưng lên đến nơi thì người ta bảo chồng tôi cùng đồng đội đi từ 4 giờ sáng rồi. Thời ấy, chiến tranh ác liệt lắm, ai cũng biết gia đình có người thân ra trận là coi như đeo tang từ đó.

Nhìn lên trên, tấm Huân chương Kháng chiến hạng Ba đã cũ của ông Trần Duy Cung (Chủ tịch nước ký tặng năm 1996) được gia đình lồng vào khung kính, treo trang trọng trong nhà. Bên cạnh là Huy chương Kháng chiến hạng Nhì của bà Tô Thị Huê (Chủ tịch nước ký tặng năm 2005). Anh Trần Văn Dinh (sinh năm 1975) con trai út của ông Cung - bà Huê hiện đang công tác tại UBND phường Phước Hòa (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết: Khi còn sống, bố tôi thường kể rằng ông là một trong những người có mặt trong trận đánh đầu tiên ở Lạng Sơn. 

Theo giấy chứng minh được gia đình ông Cung còn lưu giữ, chiến sĩ Trần Duy Cung (tên thường gọi là Trần Huy Cung) thuộc biên chế của Trung đoàn 540, Quân đoàn 14. Ngày 18/2/1979, Trung đoàn 540 thuộc Sư đoàn Bộ binh 327 được Quân khu 3 điều từ Quảng Ninh tăng cường cho Quân khu 1 bảo vệ Lạng Sơn.

Sau 4 năm chiến đấu căng mình ở chiến trường biên giới phía Bắc, năm 1982, ông Cung xuất ngũ và về làm việc tại Nhà máy xay lương thực Thái Bình. Đến năm 1988 ông chuyển về Nhà máy xay Tiền Hải công tác tại đó cho đến lúc về hưu. Tháng 8/1992 ông Cung dẫn cậu con trai đầu là Trần Văn Dũng (sinh năm 1971) vào đầu quân cho Trung đoàn 88, Sư 302 đóng quân tại Bà Rịa. Kể từ đó, gia đình ông Cung - bà Huê và các con chuyển từ Thái Bình vào Bà Rịa - Vũng Tàu sinh sống và lập nghiệp. Sau những trận ốm nặng, tháng 5/2015 ông Cung qua đời tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Bức ảnh nổi tiếng

“Một năm sau khi bố tôi mất trong một lần về quê, tôi được một người chú ở Thái Bình trao tặng bức ảnh “Người chiến sĩ cầm súng B41 bên cột mốc biên giới số 0 Lạng Sơn”. Tôi nhận ra ngay nhân vật trong bức ảnh chính là bố tôi. Tôi mang tấm ảnh vào Bà Rịa - Vũng Tàu phóng to để đặt trang nghiêm lên bàn thờ bố cho đến hôm nay” - anh Trần Văn Dinh kể tiếp.

Bà Tô Thị Huê và con trai Trần Văn Dinh bên bức ảnh  "Người chiến sỹ cầm súng B41 bên cột mốc biên giới số 0 Lạng Sơn"

Thoạt nhìn, bức ảnh “Người chiến sĩ cầm súng B41 bên cột mốc biên giới số 0 Lạng Sơn” đã thấy rất quen thuộc. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, đây là bức ảnh xuất hiện trên trang bìa của cuốn sách “Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc 1979 - 1989: Góc nhìn báo chí” (do Nhà Xuất bản Thông tin - Truyền thông phát hành) và được rất nhiều tờ báo như Thông tấn xã Việt Nam, Báo mới, VietNamNet, VTC news, Soha.vn... đăng tải trên trang thông tin của họ để minh họa cho các bài viết liên quan đến cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc. Giới chuyên môn, các nhà nghiên cứu lịch sử và một số nhà báo nhận định bức ảnh “Người chiến sĩ cầm súng B41 bên cột mốc biên giới số 0 Lạng Sơn” là bức ảnh “biểu tượng nhất” trong chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 - 1989. Bức ảnh này ghi lại hình ảnh người chiến sĩ Trần Huy Cung (tên trên giấy chứng minh quân nhân là Trần Duy Cung) hiên ngang vác trên vai khẩu súng lớn, hướng về phía quân xâm lược, bên cạnh là cột mốc số 0 như một lời tuyên bố mạnh mẽ sẵn sàng đáp trả bất cứ đội quân nào xâm phạm đến lãnh thổ, biên giới nước ta.

Câu chuyện về bức ảnh nổi tiếng được anh Dinh kể tiếp rằng ngay sau khi nhận được bức ảnh của bố, anh Dinh đã đăng tải bức ảnh trên trang facebook cá nhân của anh và được thầy giáo Trần Trung Hiếu, giáo viên dạy Lịch sử Trường THPT Phan Bội Châu (thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An) - người tham gia biên soạn cuốn sách “Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (1979 - 1989): Góc nhìn báo chí” liên lạc và hứa cùng anh đi tìm tác giả của bức ảnh, những người có liên quan để khẳng định nhân vật trong bức ảnh chính là bố anh - ông Trần Huy Cung.

Tuy nhiên, theo lời kể của gia đình, sau khi chuyển về Nhà máy xay Tiền Hải, ông Cung nộp mọi giấy tờ liên quan vào đây. Cuối những năm 1980, nhà máy giải thể, mọi giấy tờ chứng minh ông Cung là người lính chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc thất lạc hết. Thứ duy nhất còn sót lại là giấy chứng minh quân nhân do Trung tá Ngô Công Nội ký ngày 30/8/1980, chứng nhận ông Cung thuộc biên chế Quân đoàn 14. Trung tá Ngô Công Nội, Trung đoàn trưởng 540 hiện đang sinh sống tại Thủ đô Hà Nội. Liên hệ với ông, chúng tôi có thêm lời khẳng định: “Trung đoàn 540 anh hùng có nhiệm vụ chính bảo vệ an toàn cho mỏ than Na Dương. Mỏ than này được sử dụng để phục vụ các nhiệm vụ kinh tế quốc phòng thời đó. Ngoài ra, Trung đoàn còn phải bảo vệ tuyệt đối an toàn cho đỉnh Mẫu Sơn vì nơi đây tập trung rất nhiều lực lượng chủ chốt quân đội Việt Nam. Chiến sĩ Trần Duy Cung - tên thường gọi là Trần Huy Cung là lính của tôi ở Tiểu đoàn 8 thời đó. Và nhân vật trong bức ảnh “Người chiến sĩ cầm súng B41 bên cột mốc biên giới số 0 Lạng Sơn” chính là chiến sĩ Trần Huy Cung.

Trong quá trình tìm hiểu để thực hiện bài viết này, điều khiến tôi băn khoăn nhất là hiện nay những đóng góp của chiến sĩ Trần Duy Cung (tên thường gọi Trần Huy Cung) vẫn chưa được ghi nhận xứng đáng. Và cho đến bây giờ, vẫn chưa ai biết tác giả chụp bức ảnh nổi tiếng “Người chiến sĩ cầm súng B41 bên cột mốc biên giới số 0 Lạng Sơn” là ai.


QUANG VŨ 

(Báo Bà Rịa - Vũng Tàu)


(Tác phẩm dự thi viết về đề tài người Thái Bình - đất Thái Bình)



  • Từ khóa

Vũ Hải - 4 năm trước

Bức ảnh tuyệt vời - chúng tôi đời đời nhớ ơn đến các anh

Tải thêm