Chủ nhật, 17/11/2024, 17:59[GMT+7]

Chương trình OCOP mở lối ra biển lớn (Kỳ 4)

Thứ 5, 17/10/2019 | 14:45:29
3,160 lượt xem
Mục tiêu của chương trình OCOP là tạo ra các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, tạo việc làm, phát triển kinh tế khu vực nông thôn, từng bước thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo bền vững... Thái Bình quyết tâm thực hiện chương trình với những sản phẩm đạt 4 sao, 5 sao cấp tỉnh, cấp quốc gia. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn chậm, còn lúng túng...

Cà chua của Công ty Cổ phần Thương mại tổng hợp Toan Vân (thành phố Thái Bình) được trồng trong nhà kính theo công nghệ hiện đại của Israel.

Kỳ 4: Cần tăng tốc, tạo bứt phá 

Bao giờ đạt 4 sao, 5 sao?

Sau Quảng Ninh, đến nay đã có nhiều tỉnh, thành phố phê duyệt đề án OCOP; hàng nghìn sản phẩm đã được chuẩn hóa, nhiều sản phẩm đạt 4 - 5 sao cấp tỉnh, cấp quốc gia. Tuy nhiên, Thái Bình vẫn còn đang loay hoay trong việc triển khai thực hiện, chưa phê duyệt đề án; chưa ban hành Bộ tiêu chí để làm căn cứ đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh vì vậy chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về các bước triển khai thực hiện chương trình OCOP; công tác tuyên truyền, tập huấn cho đội ngũ cán bộ phụ trách lĩnh vực OCOP từ huyện đến xã cũng như các chủ thể hưởng thụ từ chương trình chưa “đậm nét”... Vì vậy mà nhiều cán bộ từ huyện xuống xã còn chưa hiểu đúng về mục tiêu, cách thức triển khai OCOP; nhiều chủ thể mong muốn sớm được hướng dẫn các thủ tục, hồ sơ tham gia.

Với định hướng sản xuất các loại rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, từng bước sản xuất sản phẩm hữu cơ - organic trên cơ sở ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ mới, phấn đấu xây dựng thương hiệu rau an toàn, Công ty Cổ phần Thương mại tổng hợp Toan Vân (thành phố Thái Bình) đã đầu tư xây dựng trung tâm công nghệ cao sản xuất, kinh doanh cây trồng an toàn theo chuỗi với quy mô 20ha. Các sản phẩm chính của Công ty là ớt cay, cà chua, dưa các loại và một số loại rau ăn lá. 

Bà Tạ Thị Thanh Vân, Phó Tổng giám đốc Công ty cho biết: Thâm canh rau sạch trong nhà kính tiêu chuẩn VietGAP kết hợp truy xuất nguồn gốc giúp nông sản có nhiều cơ hội để vươn đến những thị trường rộng mở như siêu thị, xuất khẩu. Nhận thức được điều đó, trong quy trình sản xuất chúng tôi tuân thủ nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm sản xuất đạt các tiêu chuẩn quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, nitrat, kim loại nặng, vi khuẩn gây hại... được tiêu thụ tại hệ thống siêu thị Vinmart. Chúng tôi tự tin dành điểm số cao với các nông sản như ớt, cà chua khi tham gia chương trình OCOP. Vì vậy, dưới góc độ một doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, chúng tôi mong muốn tỉnh sớm ban hành và triển khai thực hiện đề án; tổ chức đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh; đồng thời thành lập hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm cấp huyện, tỉnh để sản phẩm của chúng tôi sớm được nhập cuộc trong “sân chơi” OCOP.

Kỳ vọng vào chương trình OCOP, ông Lê Ngọc Huê, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại XNK Thái Hưng (Quỳnh Phụ) cho biết: Chúng tôi đón nhận chương trình OCOP như một “làn gió mới” bởi đây sẽ là cơ hội, cơ sở pháp lý để Công ty tiếp tục mạnh dạn đầu tư, nhân rộng nhiều loại sản phẩm trà dược liệu sạch, an toàn, tốt cho sức khỏe. Thời gian qua, Công ty đã liên kết với các HTX trên địa bàn các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Bắc Cạn, Gia Lai... mở rộng vùng trồng cây dược liệu sạch và đang tiếp tục mở rộng ra các tỉnh trên toàn quốc. Hiện tại Công ty đã có đại lý phân phối trên hầu hết 63 tỉnh, thành phố trên cả nước và đã xuất khẩu sang thị trường một số nước Đông Nam Á, châu Âu, Nhật Bản. Tôi nghĩ, đây sẽ là nền tảng vững chắc cho Công ty triển khai thực hiện hiệu quả đề án OCOP. Chúng tôi tự tin sản phẩm của doanh nghiệp sẽ đạt hạng 4 - 5 sao cấp tỉnh và tham gia dự thi xếp hạng sao cấp quốc gia. Mong tỉnh sớm vào cuộc, hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện thủ tục tham gia chương trình OCOP.

Nghề dệt đũi xã Nam Cao đang mai một.

Đồng bộ các giải pháp

OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn, vì vậy để chương trình phát huy hiệu quả, cần triển khai một cách có hệ thống với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị mà không phải là một phong trào hay cuộc vận động, lại càng không phải chỉ là nhiệm vụ của ngành Nông nghiệp. Vì OCOP không đơn thuần là chương trình kinh tế mà còn tham gia thực hiện các vấn đề chính trị - xã hội ở vùng nông thôn; giải quyết hàng loạt vấn đề ở nông thôn, như hình thành và tái cấu trúc các HTX, doanh nghiệp ở vùng nông thôn, từ đó người dân thông qua góp vốn vào các HTX, doanh nghiệp trở thành chủ nhân của quá trình phát triển; phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế hợp tác.

Để thực hiện chương trình OCOP hiệu quả và thành công, trước hết tỉnh cần đưa chương trình OCOP thành một chương trình kinh tế trọng điểm với các nhóm sản phẩm lợi thế sẵn có trên địa bàn tỉnh, từ đó đầu tư tập trung từ khâu đầu của sản xuất cho đến khâu cuối là tiêu thụ. Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm thúc đẩy liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, HTX. Hơn nữa, phải nghiên cứu ban hành bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm để định hướng sản xuất cho người dân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong việc triển khai thực hiện chương trình OCOP cho cán bộ và nhân dân; đưa chương trình OCOP vào nghị quyết của cấp ủy các cấp; thành lập ban điều hành chương trình OCOP ở cấp tỉnh, cấp huyện để triển khai thực hiện gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Ngoài việc rà soát chính sách, tìm hiểu chính sách mới, tỉnh cần tập trung hỗ trợ xúc tiến thương mại, tổ chức sản xuất theo quy trình an toàn, chuỗi sản phẩm sạch và chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGA... Đồng thời, tạo điều kiện cho các HTX, doanh nghiệp, hộ sản xuất tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước. Tổ chức các lớp đào tạo; hỗ trợ xây dựng các điểm, trung tâm bán hàng kết nối nông sản với thị trường. Các địa phương cần điều tra, khảo sát đầy đủ và chính xác các sản phẩm thế mạnh; ưu tiên lựa chọn sản phẩm chủ lực gắn với doanh nghiệp, HTX để triển khai mô hình thí điểm; hướng dẫn các đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp, địa phương trong việc xác lập và thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Từ thành công của Quảng Ninh, một số tỉnh như Bắc Kạn, Lào Cai, Hà Tĩnh... cũng đã thực hiện chương trình OCOP đạt hiệu quả khá tích cực. Hy vọng, với tiềm năng và thế mạnh sẵn có, Thái Bình sẽ triển khai hiệu quả chương trình OCOP; góp phần quảng bá, phục hồi và phát triển một số sản phẩm truyền thống đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm, nhất là sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thực hiện hiệu quả, bền vững phong trào xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2020 của chương trình OCOP Thái Bình là:

  • Xây dựng hệ thống quản lý, điều hành chương trình OCOP đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã;
  • Nâng cấp ít nhất 15 - 20 sản phẩm chủ lực có thương hiệu và thị trường tiêu thụ, mỗi huyện từ 2 - 3 sản phẩm;
  • Phát triển mới ít nhất 8 sản phẩm, tập trung vào các nhóm sản phẩm nông, thủy sản chế biến và thủ công mỹ nghệ;
  • Củng cố ít nhất 15 tổ chức kinh tế sản xuất, kinh doanh sản phẩm thế mạnh hiện có của các địa phương;
  • Phát triển mới ít nhất 1 tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP;
  • Củng cố, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với HTX và doanh nghiệp;
  • Đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP.


Nhóm phóng viên 

  • Từ khóa