Thứ 7, 16/11/2024, 09:54[GMT+7]

Hiệu quả mô hình nuôi dê lấy sữa

Thứ 4, 23/10/2019 | 09:38:21
4,405 lượt xem
Mạnh dạn, sáng tạo trong khởi nghiệp và không lùi bước trước thất bại, anh Đào Nhân Nghĩa, thôn Ngoại Trình, xã Thụy Hà, huyện Thái Thụy đã từng bước thành công từ mô hình nuôi dê lấy sữa.

Anh Nghĩa thuê lại 2 mẫu ruộng bỏ hoang để trồng cỏ có hàm lượng dinh dưỡng cao cho dê ăn.

Từ bỏ công việc tại UBND huyện, năm 2017, anh Nghĩa đầu tư chuồng trại, mua 8 con dê lấy sữa về nuôi. Bà Vũ Thị Khấm, mẹ anh Nghĩa cho biết: Làm nông nghiệp đã vất vả, nhiều rủi ro, nuôi dê lấy sữa lại chưa có ai làm ở địa phương mình, vốn không có nữa. Lúc đầu tôi không đồng ý cho Nghĩa nuôi dê. Nhưng thấy con gặp thất bại mà vẫn quyết tâm theo đuổi đến cùng nên tôi ủng hộ và mong rằng con sẽ thành công khi theo đuổi ước mơ của mình.

Anh Nghĩa cho biết: Ngoài khó khăn về vốn, khi bắt đầu nuôi dê, có những khó khăn mà mình không lường trước được. Như cỏ trồng cho dê ăn, mình làm theo hướng dẫn, trồng ở vũng đất trũng, cỏ lúc đầu lên xanh tốt, mình cắt cỏ vào dịp có nước đổ ải thì cỏ chết dần. Thức ăn cho dê vì thế cũng không chủ động được. Cùng lúc đó 1 số con dê bị bệnh rồi chết, dê bị sảy thai... Thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Lúc con dê đầu tiên bị chết, Nghĩa bị sốc nặng, không ăn, không ngủ, rồi con thứ 2, thứ 3 chết, Nghĩa suy sụp, bởi càng hy vọng bao nhiêu thì càng thất vọng bấy nhiêu. Nhưng rồi Nghĩa lấy lại tinh thần, quyết tâm làm. Anh chị em ở Huyện đoàn và những người chăn nuôi cũng động viên càng tiếp thêm quyết tâm của Nghĩa. Anh cho rằng, mình vấp ngã ở đâu thì đứng lên ở chỗ đấy. Mình phải đứng lên mới có cơ hội. Làm gì cũng có khó khăn, nếu mình cứ gặp thất bại mà bỏ cuộc thì mãi mãi không thành công.

Anh Nghĩa giới thiệu các sản phẩm được chế biến từ sữa dê cho khách hàng.

Khi cỏ đã đủ cung cấp, khi dê cho sữa, Nghĩa lại gặp vướng mắc về chế biến, bảo quản nên sữa không đạt yêu cầu. Nghĩa trải lòng: Những khách hàng đầu tiên đều là những khách hàng tiềm năng, khi biết mình có sữa dê, sữa chua dê, họ tìm đến với mình trong khi đó, sản phẩm mình làm ra lại không đáp ứng được lòng mong đợi của họ. Có người tẩy chay, không dùng sản phẩm từ sữa dê của mình. Mình thuê chuyên gia về hướng dẫn, tư vấn và đã lấy lại hình ảnh, chất lượng sản phẩm bảo đảm, sau đó khách hàng quay lại với mình. Hiện tại, họ là khách hàng thường xuyên của mình.

Sau 1 năm, việc chăn nuôi dần ổn định, anh Nghĩa quyết định mở rộng quy mô. Hiện nay, đàn dê của gia đình anh có 60 con, trong đó có 20 con chuyên lấy sữa. Với đàn dê, anh đánh số từng con để tiện theo dõi, chăm sóc. Anh thuê lại 2 mẫu ruộng đã bỏ hoang để trồng các loại cỏ có hàm lượng dinh dưỡng cao làm thức ăn cho dê. Anh Nghĩa cũng tự mày mò, tìm hiểu cách phối trộn thức ăn từ những phụ phẩm nông nghiệp. Bằng cách này vừa giúp anh quản lý được chất lượng nguồn thức ăn, đồng thời giảm bớt đáng kể chi phí chăn nuôi. Mỗi ngày, gia đình lấy được 30 lít sữa tươi. Anh Nghĩa đã đầu tư hệ thống máy móc chế biến các sản phẩm từ sữa dê như sữa tươi thanh trùng, sữa chua dê, sữa chua nếp cẩm tại nhà để từng bước xây dựng thương hiệu sữa dê Thái Bình. Các sản phẩm của anh đã được Sở Công thương, Sở Y tế kiểm định bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm được tiêu thụ tại Thái Thụy, thành phố Thái Bình và Hà Nội. Bà Vũ Thị Nhâm, xóm 4, xã Thụy Hà cho biết: Nhà tôi thường xuyên mua sữa dê của nhà anh Nghĩa, các cháu nhỏ rất thích uống sữa, ăn sữa chua dê của nhà anh Nghĩa. Sữa ngon, hàm lượng dinh dưỡng cao, bảo đảm vệ sinh, tôi yên tâm khi cho trẻ nhỏ dùng.

Sau 2 năm kể từ khi chăn nuôi dê lấy sữa, việc kinh doanh đã thuận lợi và ổn định hơn. Mỗi tháng anh Nghĩa cũng thu về 30 triệu đồng, trừ các khoản chi phí còn lãi 15 triệu đồng. Ngoài ra, anh cũng có thêm thu nhập từ bán dê thịt. Thời gian tới anh dự định đầu tư xây thêm chuồng trại, mở rộng chăn nuôi với quyết tâm xây dựng thương hiệu sữa dê Thái Bình.

Xuân Phương

 

 


  • Từ khóa