Chủ nhật, 17/11/2024, 01:48[GMT+7]

Hạn chế dùng tiền mặt chi trả dịch vụ an sinh xã hội

Thứ 2, 28/10/2019 | 16:58:47
1,105 lượt xem
Nhằm đẩy mạnh việc chi trả dịch vụ an sinh xã hội qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua Thái Bình đã chủ động triển khai nhiều giải pháp thiết thực nâng cao tỷ lệ người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) qua tài khoản cá nhân (thẻ ATM).

Bảo hiểm xã hội tỉnh khuyến khích người hưởng lương hưu nhận tiền qua tài khoản ATM.

Ngày 3/9/2019, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 3672/UBND-VX về việc đẩy mạnh chi trả dịch vụ an sinh xã hội qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đó, Bảo hiểm xã hội tỉnh xây dựng lộ trình, kế hoạch thực hiện hàng năm và các giải pháp vận động, khuyến khích phát triển người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp (TCTN) qua các phương tiện không dùng tiền mặt với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 đạt 20% số tiền chi trả an sinh xã hội tại địa bàn thành phố được thực hiện qua ngân hàng và đến năm 2021 đạt 50% số người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH, mai táng phí, tử tuất,... sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực đô thị. Chuẩn hóa thông tin dữ liệu về người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH; ứng dụng công nghệ thông tin, giao dịch điện tử và sử dụng chữ ký số trong việc trao đổi, chia sẻ thông tin giữa cơ quan BHXH với ngân hàng, bưu điện. Phối hợp với các ngân hàng thương mại trên địa bàn, đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán công, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi, có cơ chế ưu đãi nhằm khuyến khích người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, TCTN nhận tiền qua tài khoản cá nhân.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người lao động ở khu vực thành phố, đô thị nhận TCTN qua tài khoản cá nhân. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Thái Bình định hướng các ngân hàng thương mại tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, sắp xếp hợp lý mạng lưới cây ATM tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận với dịch vụ thẻ ngân hàng, đặc biệt là khu vực nông thôn, các khu công nghiệp. Phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh, Bưu điện tỉnh, Trung tâm Dịch vụ việc làm hỗ trợ mở thẻ ATM cho người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, TCTN. Bưu điện tỉnh quản lý chặt chẽ người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH do cơ quan Bưu điện thực hiện dịch vụ chi trả; thông báo công khai, thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng về: lịch chi trả hàng tháng, mạng lưới cây ATM, cơ chế ưu đãi của các ngân hàng để người thụ hưởng lựa chọn phù hợp với nhu cầu cá nhân. Phối hợp với các ngân hàng thương mại trên địa bàn hướng dẫn người thụ hưởng đăng ký mở tài khoản và nhận thẻ ATM ngay tại điểm chi trả. Các sở, ban, ngành có liên quan, UBND huyện, thành phố tuyên truyền, vận động, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người thụ hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, TCTN ở khu vực đô thị nhận lương hưu, trợ cấp BHXH, TCTN qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Phối hợp với cơ quan BHXH thanh toán các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, BHXH một lần cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động qua thẻ ATM. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Thái Bình, Đài PTTH tỉnh phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh, Bưu điện tỉnh và các cơ quan liên quan xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa của việc chi trả dịch vụ an sinh xã hội qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở cùng với sự phối hợp tích cực của các sở, ngành trong tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh quyết tâm phấn đấu vận động, khuyến khích phát triển người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH, TCTN qua thẻ ATM đạt chỉ tiêu do Chính phủ và Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao.

Nhâm Thị Sen

(Bảo hiểm xã hội tỉnh)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày