Thứ 7, 23/11/2024, 17:27[GMT+7]

Thổi hồn cho cây cảnh

Thứ 4, 30/10/2019 | 08:42:48
5,062 lượt xem
Những cây sù sì thô ráp tưởng chừng vô tri, vô giác nhưng qua đôi bàn tay tài hoa, khéo léo của nghệ nhân sinh vật cảnh Hoàng Văn Thiều ở thôn Bách Tính, xã Bách Thuận (Vũ Thư) đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật sống động, chạm tới trái tim của bao người đam mê sinh vật cảnh. Các tác phẩm cây cảnh nghệ thuật của ông Thiều có mặt tại nhiều hội thi, triển lãm nghệ thuật cây cảnh trong tỉnh và khu vực đồng bằng Bắc Bộ.

Nhờ đôi tay tài hoa của ông Thiều, nhiều cây cảnh đã trở thành tác phẩm nghệ thuật.

Sinh ra và lớn lên ở làng vườn Bách Thuận, lòng đam mê, yêu thích cây cảnh “thấm vào máu” từ khi ông Thiều còn bé. Năm 1992, sau khi lập gia đình, được cha mẹ chia vườn đất riêng, chàng thanh niên 25 tuổi Hoàng Văn Thiều bắt đầu gắn bó với nghề trồng cây cảnh. Không có trường lớp đào tạo về chăm sóc, kỹ thuật cắt tỉa cây cảnh, ông Thiều chủ yếu tự tìm hiểu, nghiên cứu, tự sáng tạo ra các dáng, thế mà mình yêu thích; ngoài ra, ông thường xuyên giao lưu, học hỏi, tham khảo những nhà vườn nổi tiếng ở Nam Điền (Nam Định), ở sách, báo chuyên về cây cảnh để nâng cao kiến thức, tay nghề.

Ông Thiều thường chọn sanh hoặc tùng la hán để làm cây nghệ thuật vì các cây này có sức sống bền bỉ, lá nhỏ, tạo hình đẹp và dễ uốn cành. Để có một cây sanh, tùng đẹp, trở thành cây nghệ thuật, trước hết phải nhờ đôi mắt tinh tế của nghệ nhân, lựa chọn kỹ càng từ khi mua cây phôi, đó là cây phải có “bệ” đẹp, tức là phần rễ và củ rễ phải đẹp. Có nhiều dáng thế được mọi người ưa chuộng như dáng long, dáng trực, dáng lão, dáng hoành, dáng thác đổ... Để tạo thế, dáng đòi hỏi người chơi phải có sự sáng tạo, tinh tế và kỹ thuật tạo hình điêu luyện. Mỗi cây có thế, dáng khác nhau, lúc đầu chỉ là cây thô chưa rõ nét, ông Thiều tỉ mỉ quan sát các yếu tố về rễ, thân, cành, lá... uốn sửa, cắt tỉa, tạo hình để đưa vào một thế, dáng đẹp. Cây tự nhiên có đẹp đến mấy nhưng nếu không cắt tỉa, tạo dáng cân đối giữa chiều cao, chiều rộng thì sẽ không thể tôn thêm vẻ đẹp của cây, không thể trở thành một tác phẩm đẹp và quý. Thời gian tạo dáng, uốn sửa cây là cả quá trình lâu dài, đòi hỏi nghệ nhân phải có lòng đam mê và sự kiên trì. Đối với sanh, tùng la hán, cây có độ tuổi từ 5 - 7 năm vẫn được coi là cây non, cây phôi. Ông Thiều chia sẻ: Khi mới bắt cây vào thế là giai đoạn vất vả nhất, phải sử dụng dây nhôm uốn cành, vài tháng lại dỡ ra uốn lại, bàn tay thợ uốn cây cũng phải khỏe mới đủ sức uốn. Để thân, cành cây mềm dễ uốn, không bị giòn, gãy cành, ông Thiều uốn khi trời nắng nóng nên công việc này khá vất vả. Cây cảnh cũng tương tự như đồ cổ, cây càng cao tuổi, càng có giá trị cao. Có nhiều cây, vì đam mê không nỡ bán, ông Thiều đã gắn bó, chăm chút như những người bạn quý suốt hàng chục năm qua.

Gần 30 năm gắn bó với nghề, ông Thiều đã tạo ra hàng trăm cây cảnh cũng là hàng trăm tác phẩm nghệ thuật từ cây, theo người đam mê cây cảnh đi khắp miền đất nước. Khi hỏi giá cây cảnh nghệ thuật, ông Thiều chia sẻ: Cây cảnh không có giá cụ thể, có thể vài chục triệu đồng, vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Đối với những người am hiểu cây cảnh nghệ thuật và có điều kiện kinh tế, khi đã ưng thì giá nào cũng mua. Thậm chí có người mua nhưng không phải ai cũng nhận ra và hiểu hết giá trị của cây. Đối với ông Thiều, đó không còn là những cái cây mà chính là những tác phẩm nghệ thuật mà ông dồn cả tâm huyết để tạo ra. Hiện trong vườn nhà ông Thiều còn gần 100 cây sanh nghệ thuật, nhiều khách đã trả giá hàng trăm triệu đồng/cây hoặc nửa tỷ đồng/cặp cây sanh nhưng ông Thiều vẫn nặng lòng với cây, muốn giữ lại bên mình thêm nữa.
Ngoài cây cảnh nghệ thuật chơi theo đam mê, không quá trọng về nguồn thu, gia đình ông Thiều có gần 1ha vườn sản xuất cây cảnh các loại theo nhu cầu thị trường như tường vi, vạn tuế, hồng, mẫu đơn... Ngoài ra còn kinh doanh cây cảnh của địa phương xuất ra thị trường trong và ngoài nước mang lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng mỗi năm. Nguồn thu nhập này tạo điều kiện để ông Thiều nuôi dưỡng niềm đam mê cây cảnh nghệ thuật đồng thời cây cảnh nghệ thuật cũng góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình ông.

Năm 2015, ông Hoàng Văn Thiều được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào phát triển kinh tế sinh vật cảnh. Năm 2016, ông được Hội Sinh vật cảnh tỉnh tặng danh hiệu “Nghệ nhân sinh vật cảnh” và được Trung ương Hội Sinh vật cảnh Việt Nam vinh danh nghệ nhân, chủ nhà vườn tiêu biểu toàn quốc.

Quỳnh Lưu



  • Từ khóa