Thứ 7, 16/11/2024, 04:47[GMT+7]

Nam Hà duy trì phát triển nghề làm nón lá

Thứ 5, 31/10/2019 | 10:20:18
4,936 lượt xem
Xã Nam Hà (Tiền Hải) từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm nón truyền thống. Nón lá ngoài bảo tồn và gìn giữ nét văn hóa truyền thống của địa phương còn đem lại thu nhập ổn định về kinh tế cho hàng trăm hộ dân.

Đan nón lá tại xã Nam Hà (Tiền Hải).

Xác định nghề truyền thống luôn có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, UBND xã Nam Hà luôn chủ động tuyên truyền khuyến khích người dân duy trì ổn định nghề truyền thống. Hiện nay nghề làm nón của Nam Hà vẫn được duy trì và tạo được công ăn việc làm ổn định cho 730 hộ với 1.117 lao động. Hàng năm, người dân Nam Hà sản xuất hàng vạn chiếc nón bán ra thị trường. Nón lá Nam Hà được người tiêu dùng đánh giá cao về mẫu mã, chất lượng. Thị trường tiêu thụ nón lá rộng khắp trong, ngoài tỉnh và được xuất sang Trung Quốc. 

Về thôn Hướng Tân có số hộ làm nón lá nhiều nhất xã Nam Hà, đến thăm tổ hợp sản xuất nón lá của gia đình Trịnh Thị Mến, chúng tôi chứng kiến các chị em phụ nữ quây quần bên nhau ngồi khâu nón. Với đôi bàn tay khéo léo thoăn thoắt trong từng đường kim mũi chỉ để hoàn thiện nên những chiếc nón lá đã đi vào ca dao, tục ngữ lưu truyền qua nhiều thế hệ tại địa phương. Tổ hợp của gia đình chị Mến đã tạo việc làm cho hơn 20 lao động với thu nhập khoảng 1,5-2 triệu đồng/ người/tháng. Trung bình mỗi tháng bán ra thị trường 300 chiếc nón, giá mỗi chiếc từ 45-50 ngàn đồng. 

Chị Mến chia sẻ: Nghề làm nón lá ở Nam Hà chỉ biết có từ rất lâu, được các cụ truyền lại từ đời này qua đời khác. Nhìn những chiếc nón xinh xinh, chắc ít ai biết được rằng để làm nên nó, những người thợ đã phải bỏ ra khá nhiều công sức và thời gian. Để làm ra được chiếc nón, phải trải qua khá nhiều công đoạn như: xở lá, là lá, vào vành, lên nón, vào mo, lợp lá ngoài, xổ nhôi… Tất cả các công đoạn đều được các chị em phụ nữ nơi đây làm cẩn thận không bỏ qua bước nào. Nón lá thường có ba lớp: lớp ngoài bằng lá non, loại đẹp và trắng nhất, lớp ở giữa là lá già và lớp trong cũng bằng lá non nhưng đẹp không bằng lớp ngoài. 

Những người con gái Nam Hà khi lớn lên khoảng 12 tuổi đã được các mẹ, chị dạy cho từng đường kim, mũi chỉ phải mềm mại, thanh nhẹ, thẳng tăm tắp, tạo nên những nét khác biệt của nón lá Nam Hà với sản phẩm của một số địa phương khác. Chính vì vậy, nón lá Nam Hà đã và đang khẳng định thương hiệu tại thị trường trong và ngoài tỉnh. 

Là một trong những hộ chuyên cung cấp vật liệu làm nón lá anh Trịnh Văn Khiết cho biết: Để làm ra những chiếc nón đẹp thì yếu tố nguyên liệu rất quan trọng vì vậy gia đình anh Khiết đã lên các tỉnh miền núi, trung du lựa chọn kỹ tre làm vành nón, lá cọ, bẹ tre… mang về xử lý như: lá cọ phơi làm sao cho lá chuyển màu trắng bạc, mỏng nhưng vẫn bền, dai, phẳng mà không rách, tre dẻo, mềm, để cung ứng cho các hộ dân làm nón tại địa phương. Mỗi năm gia đình anh Khiết cung ứng khoảng 10 -20 tấn lá cọ, tre, nứa đem lại thu nhập 60-80 triệu đồng/năm.

Mạnh Thắng

  • Từ khóa