Thứ 4, 27/11/2024, 23:46[GMT+7]

Hiệu quả kinh tế của tôm thẻ chân trắng

Thứ 6, 01/11/2019 | 19:37:25
1,546 lượt xem
Phát huy thế mạnh của địa phương, bà con các xã ven biển huyện Tiền Hải không chỉ khai thác các loại hải sản tự nhiên mà nhiều hộ dân còn mạnh dạn đầu tư vốn để đào ao, đắp đầm nuôi thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao. Điển hình là gia đình ông Bùi Văn Vọng ở thôn Tân Hưng 1, xã Nam Thắng thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ nuôi tôm thẻ chân trắng.

Ông Bùi Văn Vọng là một trong những người đầu tiên ở xã Nam Thắng (Tiền Hải) đưa giống tôm thẻ chân trắng về nuôi.

Trước đây, cũng giống như nhiều hộ dân khác ở địa phương, kinh tế gia đình ông Vọng chỉ trông vào mấy sào ruộng nên hết sức khó khăn. Khi địa phương có chủ trương chuyển đổi diện tích canh tác kém hiệu quả sang nuôi thủy sản, ông Vọng đã tham gia và nuôi thả các loại cá truyền thống nhưng hiệu quả kinh tế chưa cao. Qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, thấy bà con nhiều nơi nuôi tôm thẻ chân trắng cho thu nhập cao, ông đã ấp ủ ước mơ làm giàu từ mô hình này. Năm 2012, ông mạnh dạn vay vốn cải tạo ao đầm và là một trong những người đầu tiên trong xã đưa giống tôm thẻ chân trắng về nuôi với phương thức bán thâm canh. Thời gian đầu do chưa có kinh nghiệm nuôi tôm nên đồng lãi thu về không đáng là bao so với công sức bỏ ra, thậm chí có vụ còn bị thua lỗ, mất trắng. Nhưng không vì thế mà ông nản chí, ông vẫn miệt mài học hỏi cách nuôi, cách chăm sóc, kinh nghiệm nuôi tôm an toàn, bền vững; tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, chuyển giao khoa học công nghệ, dạy nghề nuôi trồng thủy sản để tích lũy kiến thức. Đến năm 2016, ông đầu tư trang thiết bị hạ tầng chuyển sang hình thức nuôi công nghiệp. Để nuôi tôm thẻ chân trắng bền vững, hiệu quả, thay vì lựa chọn thức ăn công nghiệp và sử dụng dung dịch hóa chất, kháng sinh để xử lý môi trường, ông đã sử dụng các chế phẩm vi sinh để cho ăn và cải tạo môi trường nhằm bảo đảm chất lượng nước, tạo điều kiện thuận lợi cho con tôm phát triển ổn định, tăng sức đề kháng, giảm thiểu nguy cơ mắc dịch bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí trong chăn nuôi.

Với tinh thần dám nghĩ dám làm, vươn lên từ thất bại, ông Vọng đã được hưởng thành quả xứng đáng từ công sức mình bỏ ra. Ông cho biết: Hiện gia đình có 2 đầm nuôi tôm với diện tích 2.400m2, bình quân nuôi từ 2 - 3 vụ/năm. Để tôm phát triển khỏe mạnh và hạn chế dịch bệnh, mỗi khi bước vào vụ nuôi thả mới, tôi đặc biệt chú trọng việc cải tạo ao đầm, xử lý nguồn nước; chọn con giống ở các cơ sở có uy tín, nguồn gốc rõ ràng, đã được xét nghiệm các bệnh thường gặp, nuôi thả với mật độ phù hợp và đúng khung thời vụ; chăm sóc, quản lý sức khỏe tôm nuôi theo hướng dẫn của cán bộ thủy sản. Nhờ áp dụng chặt chẽ quy trình kỹ thuật nuôi thả mà từ năm 2017 đến nay, tôm nuôi các vụ đều phát triển tốt, không bị dịch bệnh, cho năng suất cao với nguồn thu 400 triệu đồng/vụ. Nhờ nuôi tôm mà cuộc sống gia đình tôi khấm khá, có điều kiện kiến thiết nhà cửa, chăm lo cho các con ăn học. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục vận động các gia đình có diện tích ao nhỏ xung quanh dồn đổi để cải tạo, mở rộng diện tích nuôi tôm. Tôi mong tỉnh, huyện và địa phương tiếp tục có cơ chế, chính sách phù hợp đồng hành cùng người nuôi trồng thủy sản như hỗ trợ vốn vay ưu đãi, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kiến thức, dạy nghề cho ngư dân, có kế hoạch duy tu, cải tạo, nạo vét hệ thống thủy lợi để chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất...


Thanh Huyền

  • Từ khóa