Chủ nhật, 17/11/2024, 17:27[GMT+7]

Phát triển hợp tác xã nông nghiệp hiệu quả, bền vững (Tiếp theo và hết)

Thứ 2, 11/11/2019 | 08:50:27
4,766 lượt xem
Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể năm 2020 của tỉnh đặt ra mục tiêu đến năm 2020 có 100% HTX nông nghiệp hoạt động có lãi, trong đó trên 80% HTX hoạt động hiệu quả; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ, bình quân mỗi HTX thực hiện 5 - 6 khâu dịch vụ.

Sản xuất giống su hào bằng khay giá thể trong nhà ươm của HTX SXKD DVNN xã Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ).

Kỳ 3: Phát triển hợp tác xã theo chiều sâu, bền vững

Từ kinh nghiệm thực tế hoạt động trong nhiều năm của HTX, ông Trần Minh Chiêu, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Điệp Nông (Hưng Hà) chia sẻ: Một nguyên tắc cơ bản để HTX tồn tại và phát triển là các thành viên HTX phải hoàn toàn tự nguyện, không bị gò ép. Ở HTX SXKD DVNN xã Điệp Nông, chúng tôi xác định mục tiêu hoạt động của HTX là thu nhập và sự hài lòng của thành viên khi sử dụng dịch vụ chứ không đề cao tiêu chí lợi nhuận cho HTX. Bởi thế, phương thức hoạt động của chúng tôi là lấy thành viên làm trọng tâm. Các hộ tự chịu trách nhiệm về kết quả sản xuất của mình, HTX chỉ làm những việc mà các cá nhân đơn lẻ không thể làm được hoặc làm không hiệu quả. Ngoài ra, yếu tố đánh giá hiệu quả của các HTX nông nghiệp còn là hiệu quả kinh tế nông sản. Do vậy, việc thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, tạo kết nối cung - cầu là yếu tố quan trọng để HTX hoạt động ổn định, người dân tin tưởng, tập trung sản xuất. Chính vì vậy, thời gian qua, HTX đã tích cực kết nối doanh nghiệp với thành viên trong sản xuất lúa, rau màu. Tích tụ đất đai, khắc phục phương thức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, hình thành các vùng chuyên canh lớn cũng là điều kiện thuận lợi để hướng các HTX sản xuất gắn với thị trường. Các địa phương cần linh hoạt trong việc áp dụng các chính sách trong hỗ trợ kinh tế tập thể, đặc biệt là vấn đề đất đai, xây dựng trụ sở, khu vực sản xuất, chế biến của các HTX.

Để phát triển theo chiều sâu, nội tại HTX cần nghiêm túc nhìn nhận yếu kém, chủ động xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh khoa học, tích cực huy động vốn từ thành viên, tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chủ động mở mang ngành nghề thích hợp để tăng nguồn thu. Tuy nhiên, để các HTX nông nghiệp có bước chuyển mình thực sự, cần sự đồng hành của các cơ quan quản lý nhà nước. 

Bà Lưu Thị Chỉ, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh cho biết: Với vai trò là “bà đỡ”, thời gian tới, Liên minh Hợp tác xã tỉnh tiếp tục thực hiện và hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012; tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác và HTX. Phối hợp với các sở, ban, ngành, các tổ chức tín dụng hướng dẫn liên hiệp HTX và tổ hợp tác vay vốn tín dụng, xúc tiến thương mại, công nghệ, tư vấn pháp lý, thông tin thị trường tập trung cho các HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị; phân bổ vốn tín dụng ưu đãi của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX trung ương cho các địa phương; tăng cường hợp tác, liên kết với Ngân hàng Hợp tác, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản, hàng hóa để hỗ trợ HTX tiếp cận vốn tín dụng, sản xuất gắn với chuỗi giá trị. Đẩy mạnh hỗ trợ liên hiệp HTX, HTX có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị; hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp cung ứng đầu vào và đầu ra cho HTX; đánh giá hiệu quả và nhân rộng mô hình HTX.

Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể năm 2020 của tỉnh chỉ rõ, để nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, HTX nói chung, HTX nông nghiệp nói riêng cần thường xuyên rà soát, đánh giá các HTX; tháo gỡ khó khăn, giải quyết dứt điểm nợ đọng kéo dài; giải thể những HTX hoạt động kém hiệu quả, hoạt động hình thức, không tổ chức đại hội thành viên 18 tháng liên tục và các trường hợp khác theo quy định; đẩy mạnh xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực, có quy mô lớn và sức lan tỏa. Tập trung chỉ đạo, khuyến khích tích tụ ruộng đất, tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn để phát triển các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, trong đó HTX là cầu nối giữa doanh nghiệp với người nông dân và xây dựng các mô hình điểm áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới về giống cây trồng, vật nuôi cho hiệu quả kinh tế cao để người dân học tập, nhân rộng. Tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX tham gia vào các chương trình, dự án sản xuất, kinh doanh và đầu tư bằng nhiều hình thức như xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phục vụ sản xuất, bảo vệ môi trường trong sản xuất nông, lâm, thủy sản... Thực hiện lồng ghép, kết hợp các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương nhằm thu hút các nguồn lực phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác, liên kết.

Có thể thấy, câu chuyện làm gì để phát triển HTX nông nghiệp kiểu mới vẫn đang là bài toán với nhiều lời giải, tùy vào điều kiện, đặc điểm của từng địa phương và sự đồng thuận của nhân dân để từng bước mở rộng quy mô, hình thành các HTX. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ pháp lý cũng cần quan tâm hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ cán bộ quản lý. Tập trung nguồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng nông thôn, hỗ trợ sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực, các sản phẩm tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”; mở rộng xúc tiến thương mại...


Ngân Huyền

  • Từ khóa

Trần Văn Bính - 4 năm trước

Kính thưa cấp trên và các cấp chính quyền : Tôi mua máy cấy cỡ lớn từ tháng 15/8/2020 mà chưa được hỗ trợ của các cấp chính quyền ở huyện kiến xương.

Tải thêm