Thứ 7, 16/11/2024, 07:27[GMT+7]

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Tổ chức Quốc hội

Thứ 3, 12/11/2019 | 17:29:11
1,278 lượt xem
Chiều ngày 12/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Đại biểu Phạm Văn Tuân phát biểu tại hội trường.

Tham gia thảo luận, đại biểu Phạm Văn Tuân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật còn hẹp, mới chỉ tập trung vào cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết số 18/NQ-TƯ mà chưa khắc phục được những hạn chế, vướng mắc trong việc tổ chức thực thi Luật trong thời gian qua như về tỷ lệ cơ cấu đại biểu Quốc hội chưa hợp lý; về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và điều kiện đảm bảo cho hoạt động của Đoàn đại biểu, đại biểu Quốc hội, của Trưởng Đoàn, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương; về mối quan hệ giữa Đoàn đại biểu Quốc hội với HĐND, UBND cùng cấp trong việc triển khai thực hiện nhiệm tại địa phương…;

Thứ hai, đề nghị giữ nguyên số lượng đại biểu Quốc hội là không quá 500 người như hiện nay. Về cơ cấu đề nghị tăng số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, giảm số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động kiêm nhiệm công tác ở các cơ quan hành pháp và tư pháp, tăng hợp lý đại biểu Quốc hội là đại diện của các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội. Đồng thời, tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 45% tổng số đại biểu Quốc hội. Chỉ có quy định như vậy sẽ sớm đạt được mục tiêu xây dựng Quốc hội theo hướng chuyên nghiệp. Tăng cường tổ chức các hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, có thể từ 3 đến 4 lần trong năm, thời gian từ 7 đến 10 ngày để chuyên thảo luận sâu hơn về nội dung của các dự án Luật trình Quốc hội.

Thứ ba, đề nghị bổ sung quy định cụ thể về địa vị pháp lý của Đoàn đại biểu Quốc hội, Trưởng Đoàn và Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội. Trong đó, cần quy định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các chức danh trong thực hiện nhiệm vụ của Đoàn đại biểu tại địa phương và các chức danh này đứng ở vị trí nào trong hệ thống chính trị tại địa phương cùng cấp. Hoạt động của đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương là nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri, phản ánh các vấn đề của địa phương đến Quốc hội; hoạt động giám sát của đại biểu Quốc hội hay Đoàn đại biểu Quốc hội là nhằm bảo đảm hiệu quả hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, phục vụ hoàn thiện thể chế, pháp luật. Do vậy, cần xác định Đoàn đại biểu Quốc hội là cơ quan, là "cánh tay nối dài" của Quốc hội tại địa phương; phải xác định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn đại biểu Quốc hội trong việc giám sát chính quyền địa phương việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh; về thực thi thực hiện chức năng, nhiệm vụ tại địa phương. Qui định việc Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ khi ban hành các Nghị định, thông tư, hướng dẫn,...để thi hành các quy định pháp luật phải cung cấp cho Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội để theo dõi, giám sát thực thi.

Cùng với đó cần bổ sung quy định về mối quan hệ phối hợp giữa Đoàn đại biểu Quốc hội với HĐND, UBND cùng cấp trong việc triển khai nhiệm vụ trên địa bàn để giúp cho việc theo dõi, nắm bắt thông tin và giám sát việc thực thi chính sách pháp luật taị địa phương mình.

Thứ tư, trên cơ sở vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn đại biểu Quốc hội xác định quy mô của văn phòng tham mưu, giúp việc; có thể tổ chức Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh hoặc nên tách riêng Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội theo Nghị quyết 1097 như hiện nay, song biên chế và công tác cán bộ thuộc thẩm quyền cấp tỉnh quản lý, tạo điều kiện cho việc thu hút cán bộ về làm công tác này.

Thứ năm, về kinh phí bảo đảm cho hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng phục vụ hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, đề nghị do Ngân sách trung ương bảo đảm; vì thực chất Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội suy cho cùng là phục vụ cho hoạt động của Quốc hội tại địa phương nên việc ngân sách Trung ương đảm bảo kinh phí hoạt động là phù hợp với tính chất hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, không nên quy định một phần do ngân sách Trung ương và một phần do ngân sách địa phương.

Thứ sáu, về cơ cấu tổ chức của Hội đồng, các Ủy ban của Quốc hội: đề nghị quy định cơ cấu gồm Chủ tịch/Chủ nhiệm, Phó Chủ tịch/Phó Chủ nhiệm và các Ủy viên Thường trực. Đồng thời giữ nguyên số lượng cấp phó và từng bước tăng số lượng ủy viên thường trực hơn so với hiện nay. Bởi vì Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội có tính đặc thù riêng với trách nhiệm là hoàn thiện thể chế, pháp luật, yêu cầu đòi hỏi ngày càng lớn, công tác giám sát, công tác xây dựng luật ngày càng nhiều và đòi hỏi nâng cao chất lượng. Vì vậy không thể giảm số đại biểu chuyên trách hoặc khoán theo mặt bằng chung như các cơ quan khác.

Với những nội dung đề nghị như trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần phải tiến hành đánh giá, tổng kết, tổ chức các hội thảo lấy ý kiến tham gia vào dự thảo luật trong thời gian tới. Vì vậy, đại biểu đề nghị lùi thời điểm thông qua dự thảo Luật sang Kỳ họp thứ 9 và quy định Luật có hiệu lực thi hành ngay từ 01/01/2021. Đây cũng là thời điểm ban hành các văn bản hướng dẫn chuẩn bị các bước hiệp thương cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, nếu để thời điểm 01/6/2021 thì các bước hiệp thương lựa chọn cơ cấu đại biểu cho khóa XV sẽ bị vướng mắc do vẫn thực hiện theo Luật cũ.

Trước đó, tại phiên làm việc buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 và Chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Vũ Sơn Tùng

Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh

  • Từ khóa