Thứ 5, 28/11/2024, 02:30[GMT+7]

Thu nhập cao từ nuôi rắn

Thứ 3, 19/11/2019 | 09:32:14
3,489 lượt xem
Sau nhiều lần thay đổi con vật nuôi mà kinh tế gia đình vẫn không được cải thiện, ông Tô Văn Vân ở thôn Tào Xá, xã Đông Cường (Đông Hưng) đã “đánh liều” chọn rắn hổ mang, rắn hổ trâu để nuôi. Sau hơn 2 năm, ông đã có thu nhập cao từ việc bán rắn con và rắn thương phẩm.

Mô hình nuôi rắn cho thu nhập cao của gia đình ông Vân.

Nhận thấy đầu ra cho con rắn thuận lợi nên ông Vân đã mày mò tìm hiểu và quyết định xây chuồng nuôi rắn hổ mang và rắn hổ trâu. Để có nguồn giống tốt, ông tìm đến tận gia đình nuôi rắn có tiếng ở Hải Phòng mua 600 con rắn hổ mang, rắn hổ trâu con về nuôi. Ông xây dựng nhiều ô chuồng và chia thành 2 khu gồm: khu nuôi rắn sinh sản và khu nuôi rắn thương phẩm. Mỗi chuồng rộng từ 3 - 5m2,  sàn lót bằng đất khô, dùng chăn làm đệm cho rắn ngủ đông, tường xây bằng gạch, lúc nào cũng khóa cửa cẩn thận, bảo đảm an toàn bằng lưới sắt. Mỗi ô chuồng ông chỉ nuôi khoảng 50 con để có không gian cho rắn sinh trưởng và phát triển tốt nhất. Khi được hỏi tại sao gia đình lại chọn rắn hổ mang, rắn hổ trâu để nuôi, ông Vân chia sẻ: Tôi đã dự định nuôi rắn cách đây hàng chục năm nhưng có một mình nên chưa dám nuôi, đến năm 2017 con trai đi làm ăn xa về mới xây chuồng kiên cố để nuôi. Rắn là con đặc sản, nhu cầu thị trường lớn, dễ chăm sóc, theo dõi, ít bệnh tật, ngủ nhiều, ăn ít. Chính nghề độc và lạ này mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 4 - 5 lần nuôi các con vật khác. Để không gặp nguy hiểm khi vào chuồng rắn mọi hoạt động đều phải nhẹ nhàng, không làm rắn hoảng sợ, đặc biệt là không được uống rượu vì rắn rất kỵ mùi rượu.

Nếu như các gia đình khác thường lấy cóc, chuột làm thức ăn cho rắn hổ mang, rắn hổ trâu thì gia đình ông Vân lại tận dụng gà con để làm thức ăn cho rắn. Anh Tô Văn Đạt, con trai ông Vân cho biết: Gia đình thường mua gà con thải loại của các gia trại, trang trại để làm thức ăn cho rắn vì lượng đạm của gà con cũng tương đương với cóc, chuột nhưng giá rẻ hơn, nguồn dồi dào hơn. Rắn 3 ngày mới phải cho ăn một lần. Chăm sóc hai loại rắn này dễ hơn các con vật khác không chỉ ở việc cho ăn mà bệnh tật cũng ít hơn bởi loài rắn này ngủ đông tới 5 tháng không cần ăn, nó thức và hoạt động chủ yếu vào mùa hè. Trong chuồng của ông Vân hiện nuôi 500 - 600 con rắn, chủ yếu là rắn thương phẩm, rắn giống. Thời gian gần đây, anh Đạt tự mày mò cho rắn phối giống, khi rắn đẻ lấy trứng ấp theo kỹ thuật hướng dẫn trên mạng. Sau vài lần thất bại, anh Đạt đã nhân giống rắn thành công. Từ chỗ phải đi mua con giống, giờ gia đình ông Vân lại trở thành nhà cung cấp rắn giống cho thị trường các tỉnh lân cận, đem lại nguồn thu không nhỏ bởi một con rắn hổ mang mới nở có giá 80.000 đồng/con, một con rắn hổ trâu mới nở có giá 120.000 đồng.

Không chỉ nuôi rắn, gia đình ông Vân còn chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang đào ao nuôi thả 1.000 con cá quả, 4.000 - 5.000 con ếch, 3.000 con ngan, vịt; trên bờ ông tận dụng đất trồng một số cây ăn quả như bưởi, cam, thanh long. Mỗi năm ông Vân thu hàng trăm triệu đồng từ mô hình nuôi con đặc sản này, trong đó thu từ nuôi rắn là chủ yếu.

Đến nay, hộ ông Tô Văn Vân vẫn là gia đình duy nhất trên địa bàn xã Đông Cường nuôi rắn hổ mang, rắn hổ trâu. Đây là hướng chăn nuôi mới, cho lãi cao. Song để bảo đảm an toàn cho người nuôi và người dân sống xung quanh thì chuồng trại nuôi rắn phải được xây dựng cẩn thận, chắc chắn.

Thu Hiền

  • Từ khóa