Thứ 7, 23/11/2024, 18:23[GMT+7]

“Hoa nở trên đất bạc”

Thứ 2, 25/11/2019 | 08:02:50
1,653 lượt xem
Với khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương, đảng viên, cựu chiến binh Bùi Văn Bốn, thôn Kiến Xá, xã Nguyên Xá (Vũ Thư) đã mạnh dạn nhận thầu 3ha đất hoang ven đê để làm trang trại. Vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, giờ đây “hoa đã nở trên đất bạc” khi mỗi năm trang trại của ông thu về gần 1 tỷ đồng.

Trung bình mỗi năm gia đình ông Bùi Văn Bốn, thôn Kiên Xá, xã Nguyên Xá (Vũ Thư) xuất bán 30 con bò, thu về hơn 300 triệu đồng.

Ngôi nhà nhỏ của ông Bốn nằm nép mình bên sườn đê giữa màu xanh bát ngát của cỏ cây. Đây là nơi hai vợ chồng ông ở hàng ngày để trông coi trang trại của gia đình. Ông kể: Hai vợ chồng ra đây lập nghiệp cách đây 15 năm. Ngày đó, chỗ này chỉ là một bãi đất cát trống huơ trống hoác. Với 20 triệu đồng tiền vốn ban đầu, ông đầu tư nuôi hơn 1.600 con gia cầm với hy vọng nhanh thu được tiền để tiếp tục đầu tư. Nhưng gần đến kỳ xuất bán, toàn bộ đàn gia cầm bị dịch cúm. Chỉ trong mấy ngày, ông mất trắng toàn bộ tiền vốn và công sức bỏ ra bấy lâu. Song với ý chí, quyết tâm vượt khó của người đảng viên, người lính cựu, ông Bốn không bỏ cuộc. Không còn vốn, ông nhận nạo vét 5.000m3 đất ở sông gần trạm bơm để lấy về trồng trọt. Sau khi cải tạo đất, ông trồng cây màu. Mặc dù tiền bán hoa màu được ít song ông “tích tiểu thành đại”. Năm 2005, với hơn 20 triệu đồng tích cóp được, ông mua cặp bò giống đầu tiên. Sau đó ông nhân giống và mua thêm về nuôi. Dần dần số lượng bò trong trang trại tăng lên theo cấp số nhân. Lúc cao điểm, số lượng bò trong trang trại là 63 con, cả bò thương phẩm và bò sinh sản. Trung bình mỗi năm ông xuất bán 30 con, thu về hơn 300 triệu đồng. 

Theo ông Bốn, chăn nuôi bò có rất nhiều lợi thế so với chăn nuôi gia cầm và nuôi lợn vì ít dịch bệnh; thức ăn đơn giản, tận dụng được nhiều phụ phẩm từ nông nghiệp. Mỗi năm gia đình ông tiêm phòng 2 lượt cho đàn bò, một mũi phòng bệnh lở mồm long móng, một mũi phòng bệnh tụ huyết trùng. Nhìn chung, chi phí vật chất cho nuôi bò thấp mà cho hiệu quả kinh tế cao.

Trang trại của ông Bốn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Để có thức ăn cho bò, ông Bốn trồng gần 1ha cỏ voi. Ngày mùa, ông đi thu mua rơm của các gia đình về phơi khô, tích trữ làm thức ăn cho bò. Ngoài ra ông còn cho bò ăn thêm ngô hạt ủ men vi sinh. Diện tích còn lại của trang trại, ông đầu tư đào ao nuôi các loại cá truyền thống (khoảng 1ha) và trồng rau màu (các loại dưa, bí xanh, chuối...) và xây chuồng trại nuôi gà. Mỗi năm ông xuất bán khoảng 4 tấn cá, hơn 1.000 con gà thịt. Cùng với tiền bán bò, bán rau màu các loại, mỗi năm trang trại của ông Bốn thu về gần 1 tỷ đồng. Hiện tại, trang trại của ông tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương, chủ yếu là những người trung tuổi tận dụng thời gian nông nhàn. 

Bà Phạm Thị Vui, 54 tuổi, thôn Kiến Xá, xã Nguyên Xá cho biết: Tôi làm việc cho gia đình ông Bốn hơn 10 năm nay. Tiền công hàng tháng của tôi là 3 triệu đồng. Trước đây thu nhập của gia đình chủ yếu từ trồng lúa nên rất thấp, làm cho ông Bốn cũng là làm nông nghiệp nhưng thu nhập cao hơn. Công việc cũng không quá vất vả. Hiện tại toàn bộ diện tích trồng cỏ voi ông Bốn đều đặt hệ thống ống bạt để tưới nước nhằm tiết kiệm nhân công. Các chất thải từ vật nuôi đều được xử lý theo công nghệ hầm biogas, phần bã sau đó sẽ dùng làm phân bón cho cây trồng. 

Theo ông Bốn, dù chăn nuôi nhỏ hay lớn thì đều phải chú trọng tới công tác bảo vệ môi trường. Chất thải của vật nuôi được xử lý cẩn thận sẽ giữ cho không khí thoáng đãng, không bị ô nhiễm và không ảnh hưởng đến các gia đình ở vùng lân cận.

Nhận xét về mô hình phát triển kinh tế của đảng viên, cựu chiến binh Bùi Văn Bốn, ông Bùi Ngọc Nam, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Nguyên Xá cho biết: Từ hai bàn tay trắng, với ý chí, quyết tâm vượt khó, ông Bốn đã có những bước đi mạnh dạn trong phát triển kinh tế, làm giàu trên mảnh đất quê hương. Đây là nhân tố rất tích cực và chúng tôi mong muốn trong thời gian tới nhiều hội viên sẽ học tập, làm theo để nâng cao thu nhập cho gia đình, làm giàu cho quê hương.

Anh Đào

  • Từ khóa