Thứ 5, 28/11/2024, 04:47[GMT+7]

Phát triển nuôi thỏ thương phẩm

Thứ 6, 06/12/2019 | 08:43:16
6,123 lượt xem
Nuôi thỏ đang là sự lựa chọn trong phát triển kinh tế của nhiều người dân bởi so với những đối tượng nuôi chủ lực, truyền thống, thỏ được đánh giá là vật nuôi có nhiều ưu thế: dễ nuôi, đầu tư ít, thị trường tiêu thụ thuận lợi và phù hợp với quy mô chăn nuôi nông hộ, gia trại.

Mô hình nuôi thỏ thương phẩm của gia đình ông Vũ Xuân Thọ, khu Cộng Hòa, thị trấn Thanh Nê (Kiến Xương) cho thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng.

Với định hướng chăn nuôi các con đặc sản như ba ba, ếch, vịt trời, rắn, gà thuốc..., thỏ là một trong những con vật nuôi được gia đình ông Trần Quốc Khánh, thôn Nội Thôn, xã Minh Hưng (Kiến Xương) phát triển từ vài năm trở lại đây. Ông Khánh cho biết: So với vật nuôi khác như gà, vịt, lợn, ếch..., nuôi thỏ ít công chăm sóc, rủi ro ít nhưng lãi nhiều. Thỏ ít nhiễm bệnh nếu được vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và có thể tận dụng các loại thức ăn thừa, thức ăn có sẵn như rau, củ... Nuôi thỏ không đòi hỏi diện tích nuôi lớn; thời gian nuôi ngắn nên rất nhanh thu hồi vốn. Một trong những ưu điểm nổi bật của thỏ là sinh sản rất nhanh, mỗi năm có thể đẻ từ 5 - 6 lứa trở lên nên số lượng đàn thỏ tăng khá nhanh.


Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông Thái Bình, chăn nuôi thỏ có nhiều tiềm năng, tuy nhiên chưa được quan tâm, phát triển đúng mức. Thỏ chủ yếu được nuôi nhỏ lẻ với quy mô từ 5 - 20 thỏ sinh sản; sử dụng giống thỏ truyền thống, các hộ tự nhân giống nên năng suất thấp; thức ăn chăn nuôi chủ yếu tận dụng phụ phẩm nông nghiệp sẵn có tại địa phương, đặc biệt, người chăn nuôi thiếu kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học vì vậy hiệu quả kinh tế chưa cao. Trong khi thị trường tiêu thụ thịt thỏ thuận lợi, sản phẩm đầu ra chưa đủ cung cấp cho thị trường. Năm 2016, chăn nuôi thỏ trên địa bàn tỉnh đã có những phát triển tích cực, nhiều hộ chăn nuôi thỏ đã liên kết lại và thành lập ra HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ chăn nuôi thỏ Thái Thụy với 9 thành viên; năng lực sản xuất gần 3.000 con thỏ thịt/năm. Tuy các hộ chăn nuôi đã đầu tư chuồng trại, sử dụng giống chất lượng nhưng chưa hình thành được liên kết sản xuất nên quy mô và hiệu quả kinh tế chưa thực sự bền vững.


Với mục tiêu xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa ổn định, bền vững thông qua hợp đồng tiêu thụ ổn định, năm 2019, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình đã triển khai mô hình “Chăn nuôi thỏ an toàn sinh học theo chuỗi liên kết” với quy mô 250 thỏ sinh sản tại 5 nông hộ. Qua 6 tháng nuôi, mô hình được bà con nông dân đánh giá cao về hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường. Được Trung tâm Khuyến nông Thái Bình hỗ trợ 50 con thỏ giống và một phần thức ăn chăn nuôi, đến nay, đàn thỏ bố mẹ được hỗ trợ của gia đình ông Vũ Xuân Thọ, khu Cộng Hòa, thị trấn Thanh Nê (Kiến Xương) đã sinh sản lứa hai với tỷ lệ nuôi sống đạt 96%, thỏ phát triển khỏe mạnh, nuôi trong thời gian 75 ngày được xuất bán với trọng lượng trung bình đạt 2,3kg/con. Ông Thọ cho biết: Tôi bắt đầu nuôi thỏ từ năm 2014 với 20 cặp thỏ New Zealand bố mẹ. Đến nay, đàn thỏ của gia đình tôi phát triển lên trên 2.000 con, trong đó có 400 thỏ bố mẹ, trung bình thỏ đẻ 5 - 6 lứa/năm, mỗi lứa từ 6 - 8 con, sau 2 - 3 tháng nuôi, trọng lượng thỏ đạt từ 2,5 - 3kg/con là có thể xuất bán. Mỗi tháng tôi cung cấp ra thị trường 5 - 6 tạ thịt thỏ với giá 80.000 - 90.000 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí thu lãi trên 20 triệu đồng. Được tham gia mô hình do Trung tâm Khuyến nông Thái Bình tổ chức, tôi có thêm nhiều kiến thức về nuôi thỏ an toàn sinh học, từ khâu chuẩn bị chuồng trại, thỏ giống, sử dụng thức ăn, phòng, chống dịch bệnh..., từ đó áp dụng hiệu quả vào chăn nuôi của gia đình.


Ông Nguyễn Văn Đình, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thái Bình cho biết: Sau 6 tháng triển khai mô hình, qua nghiệm thu, đánh giá, tỷ lệ thỏ nuôi sống đạt gần 100%, thỏ mẹ sinh sản bình quân đạt 6,6 con/lứa; đối với thỏ thương phẩm, tiêu tốn 3,1kg thức ăn/1kg thỏ, sau 75 ngày được xuất bán với trọng lượng bình quân đạt 2,3kg/con. Ngoài trang bị kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, Trung tâm đứng ra hỗ trợ liên kết bao tiêu sản phẩm vì vậy 100% các hộ tham gia tiêu thụ thỏ thuận lợi. Với giá bán đạt 90.000 đồng/kg như hiện nay, trung bình mỗi hộ chăn nuôi thu lãi trên 30 triệu đồng.


Nuôi thỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên để duy trì và phát triển bền vững, các hộ dân không nên mở rộng dàn trải, tránh nuôi ồ ạt; hạn chế rủi ro về dịch bệnh, giá cả, nên liên kết, cùng nhau học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi và tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định.


Ngân Huyền

  • Từ khóa