Thứ 7, 16/11/2024, 11:36[GMT+7]

Nhiều ý kiến đóng góp vào báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 của tỉnh

Thứ 4, 11/12/2019 | 16:53:46
1,796 lượt xem
Chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ chín, HĐND tỉnh khóa XVI, chiều ngày 11/12, HĐND tỉnh chia tổ thảo luận đóng góp ý kiến vào các báo cáo, tờ trình, nội dung quyết định tại kỳ họp.

Đại biểu HĐND tỉnh, tổ Hưng Hà thảo luận tại tổ. Ảnh: Thành Tâm

Audio: 1112_y_kien_dong_gop_mixdown.mp3

Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy dự phiên thảo luận tổ.

Ý kiến thảo luận tổ tập trung nhiều vào báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2019, mục tiêu và những nhiêm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2020. Đa số các đại biểu cơ bản nhất trí với đánh giá trong báo cáo và đề nghị làm rõ hơn những kết quả đạt được, chỉ rõ những các tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; bổ sung thêm các giải pháp phù hợp, khả thi, sát thực với thực tiễn. Các đại biểu cho rằng kinh tế của tỉnh năm 2019 có bước phát triển toàn diện, tuy nhiên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn tỉnh để lại những hậu quả nặng nề, đề nghị tỉnh và ngành chức năng sớm có giải pháp khắc phục hậu quả. Khẩn trương hoàn thành việc hỗ trợ cho người chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy do bệnh dịch; hướng dẫn tiêu độc, khử trùng, chuẩn bị các điều kiện để tái đàn khi được phép của ngành chuyên môn. Hiện nay, giá thịt lợn ở mức rất cao, cần phải dự báo đúng tình hình thị trường để có giải pháp bình ổn giá cả, không để tình trạng khan hiếm thịt lợn, đẩy giá lên cao. Tỉnh cần có cơ chế hỗ trợ cho những hộ nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do bệnh dịch gây ra, có giải pháp triệt để diệt chuột bảo vệ sản xuất. Tình trạng nông dân bỏ ruộng xảy ra ở nhiều nơi. Vì vậy, tỉnh đẩy mạnh quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi  tập trung phù hợp, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ bền vững; có cơ chế, chính sách đẩy mạnh tích tụ ruộng đất phát triển nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp công nghệ cao nhằm giải quyết tình trạng bỏ ruộng hoang. Các đại biểu rất vui mừng, phấn khởi vì thời gian qua, 100% người dân nông thôn đã được cung cấp nước sạch, tuy nhiên hiện nay chất lượng nguồn nước ở một số địa phương còn nhiều vấn đề đáng lo ngại, cần kiểm tra để bảo đảm cung cấp nguồn nước chất lượng cho nhân dân.

Đại biểu HĐND tỉnh, tổ Kiến Xương thảo luận tại tổ. Ảnh: Thành Tâm 

Một số đại biểu cho rằng tiến độ thực hiện một số dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh còn chậm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, thu hút đầu tư vào tỉnh. Công tác quản lý nhà nước về đất đai, môi trường khu vực nông thôn, làng nghề và khu, cụm công nghiệp chưa được siết chặt, còn xảy ra vi phạm gây lãng phí đất, gây ô nhiễm môi trường khiến cử tri bức xúc, kiến nghị. 

Cũng có ý kiến cho rằng cần có giải pháp hữu hiệu hơn nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Kiểm soát, ngăn chặn, xử lý hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; bảo đảm an ninh trật tự; giảm tải và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh trong các bệnh viện là ý kiến của nhiều đại biểu. Hiện nay, xuất hiện tình trạng bác sĩ  ở các bệnh viện công xin ra khỏi ngành nên tỉnh và ngành chuyên môn cần có những đánh giá  thực trạng, nguyên nhân, tìm các biện pháp xây dựng đội ngũ cán bộ, y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. 

Một số đại biểu đề nghị thực hiện sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công lập, sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã nhằm tinh gọn bộ máy cần có lộ trình cụ thể, có phương án giải quyết cán bộ dôi dư…

Đại biểu HĐND tỉnh, tổ Tiền Hải thảo luận tại tổ. Ảnh: Thành Tâm 

Cũng trong phiên thảo luận tổ chiều ngày 11/12, các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến vào các báo cáo, tờ trình của UBND tỉnh; kiến nghị, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng các kỳ họp của HĐND tỉnh; đăng ký nội dung phát biểu và chất vấn tại tại hội trường trong phiên họp ngày 13/12.

Tại phiên thảo luận tổ chiều ngày 11/12, phóng viên Báo Thái Bình đã lược ghi ý kiến một số đại biểu:

Đại biểu Đặng Thanh Giang, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy

Năm 2019, dù có nhiều khó khăn, thách thức song với sự chỉ đạo kịp thời, sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn có chuyển biến tích cực, đạt kết quả đáng khích lệ. Nhiều chỉ tiêu tăng trưởng cao, vượt kế hoạch đề ra. Tỉnh cũng đã có chỉ đạo trực tiếp, đề ra giải pháp điều chỉnh cơ cấu ngành Nông nghiệp, nhất là chăn nuôi như phát triển đàn trâu bò thương phẩm để bù cho sự thiếu hụt của đàn lợn bị tiêu hủy do bệnh dịch tả châu Phi. Tôi cũng đồng tình với đánh giá của UBND tỉnh về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, các số liệu đã phản ánh tương đối đầy đủ, trung thực thực tế kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm qua.

Đại biểu Vũ Đức Điến, Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh

Tôi rất mừng là năm 2019 cùng với sự phát triển về kinh tế - xã hội, lĩnh vực văn hóa - xã hội của tỉnh cũng đạt kết quả khá tốt. Việc quy hoạch mạng lưới trường lớp đã gắn liền với nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, cơ sở vật chất trường lớp được tăng cường. Song vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định một chương trình nhưng có nhiều bộ sách giáo khoa, việc lựa chọn bộ sách giáo khoa nào do các tỉnh quyết định. Dư luận và đông đảo giáo viên, phụ huynh học sinh rất quan tâm đến việc tỉnh sẽ lựa chọn bộ sách giáo khoa nào của chương trình giáo dục phổ thông mới, đặc biệt là sách giáo khoa của lớp 1 được thực hiện từ năm học 2020 - 2021 để các trường đưa vào dạy cho học sinh. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức thực hiện các bước chuẩn bị cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, đặc biệt là việc lựa chọn sách giáo khoa cho học sinh dễ học song vẫn bảo đảm chất lượng dạy và học.

Đại biểu Vũ Mạnh Thía, Chủ tịch UBND huyện Kiến Xương

Tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh sẽ thông qua đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Thái Bình trong giai đoạn 2019 - 2021. Qua tiếp xúc cử tri và thực tế tại các đơn vị sẽ thực hiện sắp xếp, tôi đề nghị thời gian thông qua sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã nên làm sớm, làm trước đại hội đảng bộ cấp cơ sở tạo thuận lợi cho việc bố trí nhân sự ngay từ đại hội. UBND tỉnh sớm ban hành quyết định quy định về đất xen kẹp trong khu dân cư, đất chéo méo, đất có quy mô diện tích nhỏ tạo điều kiện cho các xã có nguồn kinh phí xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, đầu tư xây mới, sửa chữa các công trình công cộng của địa phương. Chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm nạn khai thác cát trái phép trên sông.

Đại biểu Tạ Văn Trang, Phó Chỉ huy trưởng, tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh

Tôi cơ bản nhất trí với đánh giá trong báo cáo tình hình kinh tế  - xã hội của tỉnh năm 2019, mục tiêu và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2020. Tuy nhiên, trong báo cáo cần đánh giá rõ hơn những tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; phân tích kỹ lưỡng, thấu đáo các nguyên nhân để đề ra các giải pháp thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2020  bảo đảm tính khả thi cao, đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, tỉnh cần quan tâm giải quyết khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, việc chậm tiến độ thi công một số dự án, việc sử dụng đất sai mục đích, gây ô nhiễm môi trường của một số doanh nghiệp, bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở. Qua tiếp xúc cử tri, nhân dân bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi vì mạng lưới cung cấp nước sạch hiện đã phủ kín xuống 100% các xã trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nước cung cấp cho người dân ở một số địa phương chưa bảo đảm, còn xảy ra tình trạng cắt nước không báo trước, không rõ nguyên nhân, vỡ đường ống nước. Đề nghị tỉnh chỉ đạo ngành chuyên môn tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh nước sạch, yêu cầu thực hiện đúng cam kết cung cấp đầy đủ, bảo đảm chất lượng nguồn nước phục vụ cuộc sống sinh hoạt và sản xuất của  nhân dân.

Đại biểu Tô Quý Bôn, Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Tiền Hải

Qua tiếp xúc cử tri, nhân dân phản ánh sản xuất nông nghiệp thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh nên còn gặp rất nhiều khó khăn, đời sống của nông dân chưa bảo đảm. Hiện nay, nhà nước có cơ chế hỗ trợ thiệt hại do dịch bệnh đối với một số loại cây trồng, chăn nuôi gia súc, gia cầm nhưng chưa có nhiều cơ chế hỗ trợ cho nuôi trồng thủy sản khi bị dịch bệnh trong khi nếu bị dịch bệnh thì thiệt hại của ngành này là rất lớn. Do đó, tỉnh cần quan tâm xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản, phòng chống bệnh dịch để phát triển ổn định, bền vững, tăng thu nhập cho người nông dân. Bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn tỉnh thời gian qua để lại những hậu quả nặng nề, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi, giá thịt lợn hiện nay đang ở mức rất cao. Các ngành chức năng cần tham mưu với tỉnh có biện pháp sớm khôi phục ngành chăn nuôi để bù đắp thiệt hại; hướng dẫn người chăn nuôi tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tái đàn khi đáp ứng đủ các yêu cầu.

Đại biểu Phạm Văn Soi, Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Hưng Hà

Trong những năm qua, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh đã xây dựng, hoàn thiện các thiết chế văn hóa, đặc biệt là nhà văn hóa thôn, tổ dân phố, khu thể thao, hội trường các xã, phường, thị trấn, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Tuy nhiên, công suất, công năng sử dụng các thiết chế văn hóa ở các địa phương còn hạn chế, vì vậy, nhiều cử tri đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao tại các nhà văn hóa, sân thể thao… Quan tâm, tạo điều kiện cho các huyện xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các thiết chế văn hóa đang xuống cấp nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của nhân dân.

Mạnh Cường - Thu Hiền


  • Từ khóa