Thứ 6, 15/11/2024, 17:34[GMT+7]

Những điểm mới nổi bật của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018

Thứ 4, 18/12/2019 | 08:21:20
6,674 lượt xem
Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018 gồm 10 chương, 96 điều được Quốc hội khoá XIV thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 20/11/2018 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2019. So với Luật PCTN năm 2005 và Luật PCTN sửa đổi năm 2007, 2012 thì Luật PCTN năm 2018 có một số điểm mới nổi bật quan trọng để bảo đảm tính khả thi, chặt chẽ, hiệu quả trong công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng.

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát về công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo tại Thái Bình. Ảnh: Thành Tâm

1. Mở rộng đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập

Những người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập được Luật PCTN năm 2018 quy định tại Điều 34. Theo đó, các đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập không còn được gói gọn ở “một số cán bộ, công chức” như quy định tại Luật hiện hành mà được mở rộng và chi tiết như là: cán bộ, công chức; sĩ quan công an nhân dân; sĩ quan quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp; người giữ chức vụ từ phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân.

2. Thêm một số loại tài sản, thu nhập phải kê khai

Ngoài phải kê khai các loại tài sản, thu nhập như quy định trước đây, là: nhà, đất; kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá mà mỗi tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên; tài sản, tài khoản ở nước ngoài thì Luật PCTN năm 2018 yêu cầu các đối tượng nêu trên còn phải kê khai thêm công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng. Đồng thời, các đối tượng còn phải kê khai cả tổng thu nhập giữa 2 lần kê khai.

Bên cạnh đó, theo Khoản 2 Điều 36, người có nghĩa vụ kê khai phải thực hiện kê khai bổ sung khi có biến động về tài sản, thu nhập trong năm có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên. Trường hợp có biến động tài sản như trên mà không giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có trách nhiệm xác minh. Người có nghĩa vụ kê khai phải giải trình về tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của bản kê khai, nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm. Đồng thời, có quyền khiếu nại quyết định, hành vi của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xác minh tài sản, thu nhập khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật.

3. Thời điểm kê khai tài sản, thu nhập

Nếu như trước đây, luật cũ không đề cập đến phương thức và thời điểm kê khai thì nay, Luật PCTN năm 2018 quy định rất cụ thể. Theo đó, việc kê khai tài sản thu nhập được thực hiện theo các phương thức sau:

- Kê khai lần đầu áp dụng đối với cán bộ, công chức; sĩ quan; người giữ chức vụ từ phó trưởng phòng và tương đương trở lên. Việc kê khai phải hoàn thành trước 31/12/2019…

- Kê khai bổ sung áp dụng với người có nghĩa vụ kê khai có biến động về tài sản, thu nhập trong năm có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên. Việc kê khai hoàn thành trước ngày 31/12 của năm có biến động tài sản.

- Kê khai hàng năm áp dụng với người giữ chức vụ từ giám đốc sở và tương đương trở lên; Người làm công tác cán bộ, quản lý tài sản công... Việc kê khai phải hoàn thành trước ngày 31/12 hàng năm.

4. Bản kê khai tài sản, thu nhập phải được công khai

Điều 39 của Luật PCTN năm 2018 quy định rõ về việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập. Theo đó, bản kê khai của người có nghĩa vụ kê khai phải được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc; bản kê khai của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm; bản kê khai của người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân phải được công khai theo quy định của pháp luật bầu cử; bản kê khai của người dự kiến bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, hội đồng nhân dân phải được công khai với đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân trước khi bầu, phê chuẩn; bản kê khai của người dự kiến bầu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại doanh nghiệp nhà nước được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm khi tiến hành bổ nhiệm hoặc tại cuộc họp của hội đồng thành viên khi tiến hành bầu các chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Ngoài ra, theo Khoản 3 Điều 51, cán bộ, công chức kê khai không trung thực về tài sản, thu nhập có thể bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức: cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm. Trường hợp đã được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý thì còn bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch; trường hợp xin thôi làm nhiệm vụ, từ chức, miễn nhiệm thì có thể xem xét không kỷ luật. Trường hợp người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ mà kê khai không trung thực thì không được bổ nhiệm, phê chuẩn hoặc cử vào chức vụ dự kiến. Trường hợp người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân mà kê khai không trung thực thì bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử.

5. Cơ quan xảy ra tham nhũng, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm

Điều 72 của Luật PCTN năm 2019 quy định về trách nhiệm của người đứng đầu và cấp phó khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức do mình quản lý, phụ trách như sau:

- Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trực tiếp nếu người do mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ tham nhũng;

- Cấp phó phải chịu trách nhiệm trực tiếp nếu xảy ra tham nhũng trong lĩnh vực công tác và trong đơn vị do mình được giao trực tiếp phụ trách; người đứng đầu phải chịu trách nhiệm liên đới.

6.  Phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm toán

Điều 60 Luật PCTN năm 2019 đề cập đến việc phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động thanh tra, kiểm toán. Theo đó, cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước thông qua hoạt động thanh tra, kiểm toán có trách nhiệm chủ động phát hiện hành vi tham nhũng, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Thanh tra Chính phủ, thanh tra bộ, thanh tra tỉnh, Kiểm toán Nhà nước ra quyết định thanh tra, kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng khi có căn cứ theo quy định của Luật Thanh tra, Luật Kiểm toán nhà nước.

Từ đó, Luật đưa ra thẩm quyền của Cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước trong thanh tra, kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng tại Điều 61, cụ thể là:

- Cơ quan thanh tra, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thanh tra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng theo thẩm quyền như sau: Thanh tra Chính phủ thanh tra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng do người giữ chức vụ từ giám đốc sở và tương đương trở lên công tác tại bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan, tổ chức do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, doanh nghiệp nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan ở trung ương thực hiện; người công tác tại Thanh tra Chính phủ thực hiện; Thanh tra Bộ thanh tra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng do người công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện; thanh tra tỉnh thanh tra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng do người công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý của chính quyền địa phương thực hiện;

- Các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng tại các cơ quan, tổ chức có quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công theo phân công của Tổng Kiểm toán nhà nước;

- Trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra, kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra, pháp luật về kiểm toán nhà nước;

-Tổng Thanh tra Chính phủ, Tổng Kiểm toán nhà nước có trách nhiệm phối hợp xử lý trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.

Trong quá trình thanh tra, kiểm toán nếu phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng thì người ra quyết định thanh tra, người ra quyết định kiểm toán phải chỉ đạo xác minh, làm rõ vụ việc tham nhũng và xử lý như sau: (1) Trường hợp vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ vụ việc và kiến nghị Cơ quan điều tra xem xét, khởi tố vụ án hình sự, đồng thời thông báo bằng văn bản cho viện kiểm sát nhân dân cung cấp. Trong trường hợp này, cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước tiếp tục tiến hành hoạt động thanh tra, kiểm toán về các nội dung khác theo kế hoạch tiến hành thanh tra, kế hoạch kiểm toán đã phê duyệt và ban hành kết luận thanh tra, báo cáo kiểm toán theo quy định của pháp luật về thanh tra, pháp luật về kiểm toán nhà nước; (2) Trường hợp vụ việc không có dấu hiệu tội phạm thì kiến nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền xử lý người có hành vi vi phạm. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền xử lý phải thông báo bằng văn bản về kết quả xử lý cho cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước đã kiến nghị.

Người ra quyết định thanh tra, người ra quyết định kiểm toán có trách nhiệm công khai kết luận thanh tra, báo cáo kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Việc công khai kết luận thanh tra, báo cáo kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra, pháp luật về kiểm toán nhà nước.

Về xử lý vi phạm trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, Điều 62 Luật PCTN quy định rõ như sau:

- Trường hợp sau khi kết thúc thanh tra, kiểm toán mà cơ quan có thẩm quyền khác phát hiện có vụ việc tham nhũng xảy ra tại cơ quan, tổ chức, đơn vị đã tiến hành thanh tra, kiểm toán về cùng một nội dung thì trưởng đoàn thanh tra, trưởng đoàn kiểm toán, thành viên đoàn thanh tra, thành viên đoàn kiểm toán và cá nhân có liên quan đã tiến hành thanh tra, kiểm toán trước đó nếu có lỗi thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, phải bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật;

- Trường hợp đoàn thanh tra, đoàn kiểm toán nếu đã phát hiện, báo cáo về vụ việc có dấu hiệu tham nhũng nhưng người ra quyết định thanh tra, người ra quyết định kiểm toán không xử lý thì trưởng đoàn thanh tra, trưởng đoàn kiểm toán, thành viên đoàn thanh tra, thành viên đoàn kiểm toán và cá nhân có liên quan không phải chịu trách nhiệm. Trong trường hợp này, người ra quyết định thanh tra, người ra quyết định kiểm toán phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Ảnh: Thành Tâm

7.  Xử lý tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật về PCTN

Việc xử lý người có hành vi tham nhũng được quy định chi tiết tại Điều 92 Luật PCTN như sau:

- Người có hành vi tham nhũng giữ bất kì chức vụ, vị trí công tác nào đều phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, kể cả người đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác;

- Người có hành vi tham nhũng quy định tại Điều 2 của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, phải bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật;

- Trường hợp người có hành vi tham nhũng bị xử lý kỷ luật là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thì bị xem xét tăng hình thức kỷ luật;

- Người có hành vi tham nhũng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, góp phần hạn chế thiệt hại, tự giác nộp lại tài sản tham nhũng, khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng thì được xem xét giảm hình thức kỷ luật, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hoặc miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật;

- Người bị kết án về tội phạm tham nhũng là cán bộ, công chức, viên chức mà bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên bị buộc thôi việc đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân.

Theo đó, tài sản tham nhũng phải được thu hồi, trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc tịch thu theo quy định của pháp luật. Thiệt hại do hành vi tham nhũng gây ra phải được khắc phục; người có hành vi tham nhũng gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Mạnh Cường 

(tổng hợp)

 

 

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát về công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo tại Thái Bình

Ảnh: Thành Tâm


  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày