Thứ 5, 14/11/2024, 10:56[GMT+7]

Liệt sĩ Đinh Gia Tòng

Thứ 6, 20/12/2019 | 15:23:56
3,454 lượt xem
Ông Đinh Gia Tòng tham gia cách mạng từ tháng 1/1944, tháng 2/1945 trực tiếp chỉ huy Việt Minh phá kho thóc của phát xít Nhật chia cho dân nghèo, bị bọn phản động chỉ điểm, ông bị giặc bắt giam ở bốt Dục Linh. Chúng tra tấn dã man nhưng ông đã trung thành với cách mạng không khai báo, bọn giặc đã cắt hai gót chân ông. Ngày 5/3/1945, ông Đinh Gia Tòng hy sinh và sau 74 năm ông được suy tôn là liệt sĩ.

Tranh minh họa cảnh phá kho thóc của Nhật cứu đói cho dân. Nguồn internet

Hơn bảy thập kỷ qua, người dân thôn Giới Phúc, xã Tân Tiến, huyện Phụ Dực, nay là thôn Đồng Phúc, xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ được những người cao tuổi ở thôn kể lại câu chuyện tháng 2/1945 Việt Minh tổ chức phá kho thóc của Nhật lấy thóc chia cho dân nghèo. Ông Đinh Gia Tòng, cán bộ Việt Minh trực tiếp chỉ huy phá kho thóc đã bị giặc bắt đem về giam giữ ở bốt Dục Linh, chúng tra tấn rồi cắt hai gót chân ông Tòng đến chết... Những người cao tuổi tham gia phá kho thóc và chứng kiến sự việc lần lượt qua đời. Người trẻ tuổi thì chỉ được nghe kể lại còn những cán bộ trẻ của xã An Lễ thì tiếp cận sự việc qua cuốn lịch sử Đảng bộ xã An Lễ xuất bản năm 2015 có ghi lại sự kiện Việt Minh phá kho thóc của Nhật chia cho dân nghèo, ông Đinh Gia Tòng bị giặc bắt tra tấn và cắt hai gót chân, bị hy sinh. Chuyện cán bộ Việt Minh Đinh Gia Tòng bị quân Nhật cắt hai gót chân đến chết tưởng đã trôi vào quên lãng. Nhưng không, sự hy sinh của ông sau 74 năm đã được Nhà nước ghi công và suy tôn là liệt sĩ.

Trở lại xã An Lễ để tìm hiểu và viết về sự hy sinh của cán bộ Việt Minh Đinh Gia Tòng chúng tôi không được gặp những cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ Việt Minh đã trực tiếp cùng ông Đinh Gia Tòng phá kho thóc của Nhật bởi các cụ đã qua đời vì tuổi cao sức yếu. Nhưng thật may, tập hồ sơ về ông Tòng còn có nhiều bút tích của những người đồng chí với ông xác nhận sự hy sinh của ông cho cách mạng và cho nhân dân. Đầu năm 1945, nạn đói khủng khiếp diễn ra khắp nơi trong tỉnh, xã Tân Tiến (An Lễ) cũng trong cảnh ngộ ấy, mặt trận Việt Minh chủ trương cứu đói cho nhân dân, tranh thủ những gia đình địa chủ tiến bộ, Hội đồng kỳ mục trong thôn vận động họ cho vay thóc để cứu dân. Ông Đinh Gia Tòng được mặt trận Việt Minh giao nhiệm vụ thảo đơn vay thóc cho dân. Nhưng số thóc vay được quá ít, không đủ cứu đói cho dân. Do vậy, mặt trận Việt Minh có quyết định táo bạo tổ chức phá kho thóc của Nhật và bọn tay sai thân Nhật tại đình làng Giới Phúc, xã Tân Tiến. Việt Minh thôn Giới Phúc đã thành lập tổ phá kho thóc của Nhật gồm các ông Quản Hậu, Vệ Đãn, Gia Mai, Hội Ngợi... do ông Đinh Gia Tòng trực tiếp chỉ huy. Sáng ngày 25/02/1945, cuộc phá kho thóc của Nhật chia cho dân nghèo ở thôn Giới Phúc đã thành công. Tuy nhiên, sau thành công này của Việt Minh, bọn cường hào gian ác ở Tân Tiến đã báo quân Nhật ở huyện Phụ Dực về đàn áp, lùng bắt người chỉ huy và những người phá kho thóc, chúng khủng bố nhân dân, bắt dân phải mang trả thóc cho chúng. Nhiều cán bộ Việt Minh phải dạt qua nơi khác để bảo toàn lực lượng. Ông Đinh Gia Tòng bị tay sai của giặc chỉ điểm nên bọn giặc đã bắt được ông tại khu chợ Đồng Bằng, chúng đưa ông về giam giữ ở bốt Dục Linh xét hỏi và tra tấn dã man suốt hai ngày hai đêm. Mặc dù vậy, ông Tòng vẫn một lòng trung thành với cách mạng, không khai báo. Cuối cùng bọn giặc Nhật đã đưa ông Tòng ra sân vận động Dục Linh, chúng cắt đứt hai gót chân ông nhằm thị uy và khủng bố tinh thần cách mạng của nhân dân. Ngày 5/3/1945, ông Đinh Gia Tòng hy sinh trong niềm tiếc thương của những người đồng chí và người dân An Lễ. Tháng 10/1995, ông Đinh Gia Nhất quê xã An Lễ tham gia cách mạng từ năm 1943 (ông Đinh Gia Nhất chết năm 2013) cùng với các ông Hậu, ông Tuân, ông Hoán, ông Tòng và ông Đãm tham gia rải truyền đơn chống phát xít Nhật và trực tiếp cùng ông Tòng phá kho thóc của Nhật ghi lại xác nhận về trường hợp hy sinh của ông Đinh Gia Tòng như sau: Sau khi phá kho thóc thành công, bị bọn cường hào báo lên quan huyện cho lính về đàn áp, chúng bắt được ông Tòng người cầm đầu phá kho thóc đưa về bốt Dục Linh tra tấn và cắt hai gót chân ông Tòng đến chết. Ngày 20/10/1995, ông Nguyễn Ngọc Lâm quê xã An Tràng (ông Lâm chết năm 2014) có xác nhận: Tháng 2/1945, sau khi chỉ huy phá kho thóc của Nhật, ông Đinh Gia Tòng bị bắt và bị tra tấn, chúng cắt hai gót chân ông Tòng bị chết. Đề nghị Nhà nước suy tôn ông Đinh Gia Tòng là liệt sĩ. Xác nhận của cán bộ lão thành cách mạng Lê Ngọc Chuy khẳng định ông Đinh Gia Tòng là cán bộ Việt Minh thôn Giới Phúc, xã Tân Tiến, nay là thôn Đồng Phúc, xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ trực tiếp chỉ huy phá kho thóc của Nhật chia cho dân nghèo ngày 25/2/1945 và bị giặc bắt tra tấn cắt hai gót chân đến chết, đề nghị Nhà nước suy tôn ông Đinh Gia Tòng là liệt sĩ. Trong cuốn lịch sử Đảng bộ xã An Lễ (1927 - 2015) xuất bản năm 2015 trang 45 ghi rõ: “...Sau khi phân phát hết số thóc cho dân, ông Đinh Gia Tòng về nhà thì bị bọn tay sai dẫn lính tới bắt. Chúng đưa ông Tòng lên giam ở bốt Dục Linh tra tấn và cắt gót chân...”. Cùng với các nhân chứng xác minh và xác nhận cụ thể việc ông Đinh Gia Tòng tham gia hoạt động cách mạng từ tháng 1/1944 là cán bộ Việt Minh trực tiếp chỉ huy phá kho thóc của Nhật tại đình làng Giới Phúc chia cho dân nghèo và bị giặc bắt tra tấn dã man, chúng đã cắt hai gót chân ông Tòng đến chết, Hội đồng xác nhận người có công xã An Lễ đã hoàn thiện hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận liệt sĩ cho ông Đinh Gia Tòng. Ngày 17/9/2018, UBND huyện Quỳnh Phụ cấp giấy báo tử ông Đinh Gia Tòng hy sinh trong trường hợp dũng cảm cứu người, cứu tài sản nhà nước và nhân dân quy định tại Điểm e, Khoản 1, Điều 17, Nghị định số 31/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

Đúng dịp kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2019), Thủ tướng Chính phủ đã cấp bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ Đinh Gia Tòng.

Nguyễn Công Liêm
(Thành phố Thái Bình)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày