Thứ 7, 16/11/2024, 04:54[GMT+7]

Những phim Giáng sinh nổi bật thập niên 2010

Thứ 4, 25/12/2019 | 09:30:11
1,596 lượt xem
"Last Christmas" mang thông điệp tích cực, "Rise of the Guardians" pha trộn chất hành động, còn "Carol" kể chuyện tình day dứt mùa Giáng sinh.

Last Christmas (2019)
Last Christmas xoay quanh cô gái trẻ tên Kate (Emilia Clarke) có lối sống phóng khoáng, bất cần, làm việc trong cửa tiệm bán đồ Giáng sinh. Cô tình cờ quen anh chàng làm nghề giao hàng bằng xe đạp, có nụ cười toả nắng tên Tom (Henry Golding đóng). Anh giúp cô tìm lại niềm vui trong cuộc sống và thay đổi bản thân theo hướng tích cực hơn.

Tác phẩm như một ly cocktail pha trộn nhiều loại hương vị khác nhau nhưng đọng lại là cảm giác ngọt dịu. Phim đưa ra những thông điệp nhân văn về tình yêu thương trong cuộc sống. Ca khúc kinh điển Last Christmas vang lên xuyên suốt bộ phim như sợi dây kết nối những trái tim, giúp con người đến gần nhau để hòa chung giọng hát trong bầu không khí Giáng sinh. Tác phẩm là cú hích nhẹ cuối năm với doanh thu hơn 100 triệu USD toàn cầu.

The Grinch (2018)
Tác phẩm thuộc hãng hoạt hình Illumination, dựa trên câu chuyện How the Grinch Stole Christmas! của nhà văn Dr. Seuss năm 1957. Phim được kể từ điểm nhìn của The Grinch - sinh vật da xanh, nhiều lông và ghét Giáng sinh. Hắn định đóng giả ông già Noel để đến từng nhà ăn cắp quà. Tuy nhiên, The Grinch không phải kẻ xấu và trải qua nhiều biến chuyển về sau.

Hoạt hình ghi điểm khi tái hiện không khí Giáng sinh rộn rã cùng nội dung nhân văn, dễ hiểu, phù hợp trẻ em. Chất giọng của tài tử kỳ cựu Benedict Cumberbatch trong vai chính là điểm nhấn cho phim. The Grinch gây sốt phòng vé với doanh thu hơn 511,6 triệu USD, giúp hãng thu 184 triệu USD tiền lời, theo Deadline.

The Man Who Invented Christmas (2017)
Tác phẩm tiểu sử nói về quá trình Charles Dickens (Dan Stevens đóng) viết A Christmas Carol - truyện được xem là kinh điển về mùa Giáng sinh. Phim khai thác nỗi lòng của Dickens, người đang trải qua thời điểm khó khăn trong sự nghiệp.

Những tâm tư của nhà văn được trút vào Scrooge - nhân vật chính trong A Christmas Carol, sống tích cực hơn nhờ gặp gỡ ba linh hồn Giáng sinh. Pha trộn yếu tố tâm lý và kỳ ảo, The Man Who Invented Christmas nhận 80% đánh giá tích cực trên Rotten Tomatoes và được đề cử giải "Phim quốc tế" ở giải Saturn Awards.

Carol (2015)
Lấy bối cảnh New York thập niên 1950, thời kỳ xã hội Mỹ chưa chấp nhận quan hệ đồng tính, phim kể mối tình giữa Carol (Cate Blanchett) và Thesere (Rooney Mara) - hai phụ nữ thuộc tầng lớp khác biệt, gặp nhau trong mùa Giáng sinh. Một người luôn quyết đoán, tự tin, người còn lại mơ mộng và lặng lẽ. Chuyện tình của hai người phụ nữ được đạo diễn Todd Haynes khắc hoạ nhẹ nhàng, giống như làn gió thoảng qua, làm người xem bồi hồi.

Carol được ví như phiên bản nữ giới của Brokeback Mountain, tái hiện không gian tình yêu đồng tính say đắm. Tác phẩm nhận sáu đề cử Oscar và mang về giải nữ chính cho Mara ở LHP Cannes (Pháp).

Krampus (2015)
Krampus là một đại diện của dòng phim rùng rợn mùa Giáng sinh. Tác phẩm của đạo diễn Michael Dougherty ăn khách với 61,5 triệu USD - gấp bốn lần ngân sách.

Trong phim, gia đình cậu bé Max xảy ra những xung đột nội bộ trong dịp Giáng sinh. Từ đây, ác quỷ Krampus - nhân vật tưởng chừng chỉ tồn tại trong truyền thuyết - đột ngột xuất hiện, đe dọa tính mạng các thành viên. Yếu tố gây sợ hãi trong phim được thực hiện khá chừng mực, đan xen sự hài hước qua lời thoại và hành động, làm nổi bật nội dung về tình thân.

The Night Before (2015)
The Night Before là một trong những phim nổi bật trong mùa cuối năm 2015, quy tụ nhiều tên tuổi như Joseph Gordon-Levitt, Seth Rogen, Anthony Mackie, Lizzy Caplan. Tác phẩm thiên về yếu tố hài hước, được 67% đánh giá tích cực trên Rotten Tomatoes và thu 52 triệu USD, gấp đôi kinh phí.

Câu chuyện xoay quanh nhóm ba người bạn thân từ thưở nhỏ, thường hội ngộ đêm Giáng sinh. Tuy nhiên, đến năm 2015, họ quyết định chấm dứt truyền thống này, dẫn đến nhiều tình huống dở khóc dở cười.

Frozen (2013)
Bom tấn của Disney là một trường hợp đặc biệt khi thường được báo Âu Mỹ xếp vào danh sách đáng xem mỗi dịp Giáng sinh dù câu chuyện không diễn ra vào dịp này, cũng không có ông già Noel. Tuy nhiên, khung cảnh tuyết trắng, nội dung về gia đình, thời điểm công chiếu gần cuối năm khiến Frozen được nhắc đến.

Lấy cảm hứng từ truyện cổ The Snow Queen, Frozen kể về Elsa - công chúa phát hiện khả năng điều khiển băng giá của mình. Tác phẩm táo bạo đi "chệch hướng" mô-típ tình yêu quen thuộc trong phim Disney để tập trung vào sự chấp nhận khác biệt, tự do cá nhân và tình thân. Phim thu hơn 1,27 tỷ USD toàn cầu, trở thành hiện tượng văn hóa trong thời gian dài. Trong mùa Giáng sinh, trang phục Elsa và em gái - Anna - cũng thường được các cô bé đặt mua.

Rise of the Guardians (2012)
Hoạt hình của đạo diễn Peter Ramsey khắc họa ông già Noel là một vệ thần quyền năng, phối hợp cùng nhiều thực thể quyền năng khác để bảo vệ thế giới. Họ cùng Jack Frost - cậu bé tinh nghịch đại diện cho mùa đông - chiến đấu chống Ông Kẹ, kẻ tượng trưng cho nỗi sợ.

Trong phim, ông già Noel (hiện thân cho Giáng sinh) và Thỏ Phục Sinh hay tranh cãi về tầm quan trọng của hai ngày lễ, tạo ra loạt tình huống dí dỏm. Khai thác yếu tố hành động xen lẫn phiêu lưu, Rise of the Guardians ăn khách với 306 triệu USD toàn cầu.

Arthur Christmas (2011)
Tác phẩm xoay quanh câu chuyện về cậu bé Arthur phải hoàn thành một nhiệm vụ cấp bách vào hoàng hôn ngày lễ Giáng sinh. Phim là câu trả lời cho câu hỏi của lũ trẻ khi Giáng sinh về: "Làm sao ông già Noel phân phát hết tất cả món quà trong một đêm?".

Phá bỏ truyền thống về nhân vật ông già Noel (Santa Claus), phim mô tả nhân vật là người tận dụng công nghệ hiện đại để giao hàng. Bên cạnh nội dung nhân văn, đề cao gia đình, tác phẩm cũng chứa nhiều tình huống dí dỏm cùng những màn rượt đuổi, hành động phù hợp với mọi đối tượng khán giả. Arthur Christmas nhận đến 92% đánh giá tích cực trên Rotten Tomatoes - mức cao đối với một phim ra mắt dịp Giáng sinh.

Rare Exports: A Christmas Tale (2010)
Đi ngược mô-típ tình cảm gia đình, Rare Exports: A Christmas Tale khai thác yếu tố kinh dị. Trong phim, một nhóm nghiên cứu Anh đến lấy mẫu ở ngọn núi Korvatunturi (Phần Lan), sau đó dần phát hiện các bí mật liên quan truyền thuyết Bắc Âu.

Rare Exports: A Christmas Tale nhận số điểm 89% trên Rotten Tomatoes. Cây bút phê bình nổi tiếng Roger Ebert chấm 3,5 trên 4 điểm, đánh giá cao yếu tố rùng rợn, cách tiếp cận đề tài của nhà làm phim. Tác phẩm thường được báo Âu Mỹ chọn vào top 10 phim kinh dị nên xem trong mùa Giáng sinh.

Theo vnexpress.net