Thứ 4, 27/11/2024, 10:54[GMT+7]

Tô thắm mùa xuân quê hương

Thứ 6, 27/12/2019 | 08:22:03
1,550 lượt xem
Thời gian qua, phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo trên địa bàn tỉnh đã mang lại hiệu quả thiết thực, có ý nghĩa về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội sâu sắc, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

Công ty Điện cơ Aidi của giáo dân Vũ Văn Trạc đạt doanh thu trên 120 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động.

Thôn Thượng Phúc Đông, xã Thụy Sơn (Thái Thụy) có 235 hộ với 767 nhân khẩu, trong đó 96% là đồng bào Công giáo. Số đảng viên là người có đạo trong Chi bộ là 8/11 đồng chí. Mặc dù thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp và nghề phụ song trong những năm qua kinh tế của thôn có bước phát triển không ngừng, đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt, diện mạo làng quê ngày một khang trang, đổi mới. 

Theo ông Nguyễn Văn Thảo, Bí thư Chi bộ thôn: Đạt được kết quả đó là do nhân dân trong thôn tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy, đến nay thôn đã mở rộng và cứng hóa 100% đường giao thông trong khu dân cư; cứng hóa trên 80% hệ thống kênh mương; xây dựng hệ thống cống rãnh thoát nước trong khu dân cư và trồng hoa hai bên đường tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp... Trong phát triển kinh tế, cấp ủy, chính quyền thôn tập trung chỉ đạo bà con hàng năm cấy 50% các giống lúa hàng hóa, còn lại là các giống lúa có năng suất cao; đồng thời, mở rộng diện tích cây màu, chủ yếu là các cây xuất khẩu như sa lát, bí xanh, khoai tây... để tăng thu nhập. Bên cạnh đó, thôn tích cực khuyến khích người dân mở rộng chăn nuôi, phát triển một số nghề phụ như mộc, mây tre đan... Vì vậy, thu nhập của người dân trong thôn những năm gần đây duy trì khá ổn định, đạt 39,5 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm, số hộ trong thôn có nhà cao tầng, số hộ mua sắm các phương tiện, đồ dùng đắt tiền ngày một tăng.

Cùng với thôn Thượng Phúc Đông, thời gian qua, đồng bào Công giáo trong tỉnh đã tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện cụ thể, thế mạnh riêng của từng vùng, từng địa phương. Tích cực thực hiện dồn điền đổi thửa, cải tạo vườn tạp, thâm canh tăng năng suất cây trồng. Thông qua các chương trình hỗ trợ của nhà nước đồng thời giúp nhau về vốn, ngày công lao động, chia sẻ kinh nghiệm, đồng bào Công giáo đã tích cực sản xuất, chăn nuôi, tăng thu nhập, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. 

Trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh, cánh đồng lớn, các trang trại, gia trại của đồng bào Công giáo đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như: vùng trồng lúa đặc sản hàng hóa chất lượng cao của giáo dân huyện Vũ Thư, huyện Quỳnh Phụ; vùng chuyên canh cây màu, cây vụ đông ở huyện Thái Thụy, huyện Kiến Xương; vùng chuyên canh hoa, cây đào, quất cảnh ở thành phố Thái Bình, huyện Đông Hưng, huyện Hưng Hà; gia đình giáo dân Trần Xuân Lưỡng (giáo xứ Cao Mại, xã Quang Hưng, huyện Kiến Xương) thực hiện tích tụ ruộng đất hơn 15ha, đầu tư máy móc, khoa học kỹ thuật sản xuất theo hướng hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao trong nhiều năm liền.

Bên cạnh đó, ở nhiều vùng giáo, nhiều giáo dân tích cực đầu tư vốn phát triển sản xuất công nghiệp và dịch vụ, đầu tư cho phát triển làng nghề truyền thống và mạnh dạn đưa nghề, dịch vụ mới về địa phương, hình thành các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao, nhiều làng nghề tại các giáo xứ, giáo họ có thu nhập mỗi năm hàng chục tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động như: làng nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ nội thất cao cấp của giáo xứ Hoàng Xá (xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư); giáo dân Vũ Văn Trạc, Giám đốc Công ty Điện cơ Aidi (thành phố Thái Bình) có doanh thu trên 120 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động; anh Nguyễn Văn Thắng (giáo xứ Quan Khê, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà) mở xưởng may công nghiệp giải quyết việc làm cho trên 30 lao động tại địa phương... 

Ở các xã ven biển của huyện Tiền Hải và huyện Thái Thụy, trong năm nay, do tình hình thời tiết cơ bản thuận lợi và với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, nhiều giáo dân tiếp tục tích cực bám biển, khai thác nguồn lợi từ biển, đầu tư nuôi tôm, cua, ngao và rau câu xuất khẩu, đóng mới tàu thuyền phát triển nghề đánh bắt hải sản... mang lại nguồn lợi kinh tế cao, góp phần phát triển kinh tế biển của tỉnh.

Có thể khẳng định, việc vươn lên trong các phong trào thi đua lao động sản xuất, mạnh dạn đầu tư vào các lĩnh vực để phát triển kinh tế, thực hiện các chương trình xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa là một nội dung của phong trào thi đua yêu nước mà đồng bào Công giáo trong tỉnh đã và đang tích cực thực hiện. Nhiều vùng Công giáo trước đây vốn còn nhiều khó khăn thì nay tỷ lệ hộ khá và giàu ngày càng tăng, số hộ nghèo ngày càng giảm, đời sống vật chất, tinh thần của bà con giáo dân ngày càng được cải thiện, nâng cao. Hầu như ở địa phương nào cũng có những tấm gương người Công giáo là những doanh nghiệp, hộ gia đình làm kinh tế giỏi, đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội.

Đào Quyên