Chủ nhật, 17/11/2024, 02:08[GMT+7]

Nâng tầm việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người

Thứ 5, 02/01/2020 | 09:19:24
2,105 lượt xem
Ngày 9/6/2014, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Sau 5 năm triển khai Nghị quyết, các vấn đề về xây dựng và phát triển văn hóa, con người trên địa bàn tỉnh được đánh giá có sự chuyển biến tích cực.

Màn đồng diễn yoga của các câu lạc bộ yoga trên địa bàn tỉnh.

Thấm nhuần quan điểm văn hóa là nền tảng phát triển

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thanh, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin chia sẻ, gần đây ông có dịp về xã Bình Định (Kiến Xương) để tìm hiểu về đời sống văn hóa của nhân dân ở đây và ông thực sự bị ấn tượng mạnh. Ở Bình Định có nhiều cái tốt: phát triển kinh tế tốt, vệ sinh môi trường tốt, sự đoàn kết, chung lòng của đảng bộ, chính quyền và nhân dân tốt, đời sống văn hóa tốt. Cũng theo nhận định của nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thanh thì về Bình Định, ông đã cảm nhận được một môi trường văn hóa theo nghĩa rộng, có nghĩa là ở xã nông thôn mới này người dân thực sự được làm chủ, được tự quyết và tự quản những việc của cộng đồng mình. 

Ông Bùi Đức Chỉnh, Phó Bí thư Đảng ủy xã Bình Định chia sẻ: Tại Bình Định, yếu tố dân chủ luôn được đảng bộ và chính quyền địa phương coi trọng hàng đầu, bởi trong điều hành công việc, sự dân chủ, tôn trọng cấp trên và cấp dưới, luôn lắng nghe ý kiến của nhân dân chính là văn hóa. Mọi việc đều được điều hành, quản lý một cách có văn hóa thì sẽ thành công. Chính bởi nguồn gốc sâu xa ấy mà ở Bình Định, văn hóa là vấn đề luôn được đặt song hành và thực sự làm nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Xã Bình Định không chỉ được biết đến với các mô hình sản xuất kinh tế nổi bật, mà về Bình Định còn thấy một bầu không khí phấn khởi lan tỏa trong mỗi nếp nhà. 

Bà Bùi Thị Thơm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bình Định cho biết: Tại xã, hầu như nhà nào cũng vậy, cứ chiều chiều, hết giờ học tập, lao động, các ông bố cùng các con ra sân thể thao thôn, xã chơi cầu lông, bóng chuyền, sau bữa tối quây quần là thời gian của các bà, các mẹ tập dân vũ, yoga, mọi nhà đều rèn luyện sức khỏe, thi đua phát triển kinh tế, làng trên, xóm dưới thuận hòa, thôn làng lúc nào cũng vui.

Không chỉ có Bình Định, trên khắp các địa phương trong tỉnh, đời sống văn hóa của nhân dân đang đổi thay từng ngày. 

Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Sau hơn 5 năm Nghị quyết số 33 được triển khai đi vào cuộc sống, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền về phát triển văn hóa, con người được nâng cao, văn hóa đã và đang trở thành nền tảng tinh thần của xã hội. Công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở được tăng cường. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào chiều sâu, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Quan tâm đến văn hóa theo nghĩa rộng

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2018, toàn tỉnh có 88,5% thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa; 68,4% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; 66,7% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 84,8% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt danh hiệu văn hóa; 89,2% số hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa. Tại các thôn, tổ dân phố trong toàn tỉnh đã thành lập và duy trì hoạt động hơn 3.000 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, 1.000 câu lạc bộ thể thao đã tạo môi trường văn hóa lành mạnh cho người dân tham gia vào việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời góp phần phát triển con người toàn diện.

Mặc dù việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người đã được nâng tầm, tạo chuyển biến rõ nét, song bên cạnh đó, ở một số địa phương, đơn vị vấn đề xây dựng và phát triển văn hóa, con người vẫn chưa được đặt đúng vị trí trong sự phát triển tổng thể của xã hội. Tháng 10/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo thực hiện cuộc giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 33 về xây dựng và phát triển văn hóa con người tại một số địa phương, đơn vị. Qua giám sát, một số hạn chế, tồn tại trong triển khai Nghị quyết số 33 đã được chỉ rõ như: nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền cơ sở về vị trí nền tảng của văn hóa, về tác động của văn hóa đến sự phát triển chung chưa đầy đủ; lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện ở một số nơi còn hình thức; công tác quản lý nhà nước về văn hóa, việc thực hiện các quy định về nếp sống văn hóa trong một số lĩnh vực chưa tốt... 

Trước những tồn tại, hạn chế này, Đoàn giám sát đã nêu các đề xuất, kiến nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, cán bộ, đảng viên tiếp tục quán triệt, xác định rõ nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; cần đưa nội dung cụ thể về nhiệm vụ này vào các nghị quyết, chương trình công tác để định hướng lãnh đạo, chỉ đạo. Cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng về vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa, con người, tạo sự đồng thuận trong thực hiện các phong trào văn hóa. Quan tâm giáo dục, ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức...

Nhiều tuyến đường hoa được xây dựng từ sự đoàn kết, góp công, góp sức của nhân dân.
Trong ảnh: Đường hoa thôn Lộc Điền, xã Việt Hùng (Vũ Thư).

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thanh phân tích, muốn xây dựng và phát triển văn hóa, con người, chúng ta đừng suy nghĩ về văn hóa theo nghĩa hẹp, văn hóa chỉ là những gì thuộc về ngành văn hóa. Phát triển văn hóa, con người phải được nhìn nhận theo nghĩa rộng, văn hóa phải là đạo đức. Nếu như trong gia đình, việc điều chỉnh các hành vi văn hóa bằng huyết thống thì trong cộng đồng làng xã việc điều chỉnh hành vi văn hóa bằng dư luận và nhà nước điều chỉnh văn hóa bằng pháp luật. Nhưng ở cấp độ gia đình và cộng đồng hiện nay, việc điều chỉnh văn hóa đang bị xem nhẹ. Trong nhà bố mẹ ít gương mẫu, con cái ít nghe lời; ở cộng đồng, thái độ vô cảm đang như một bệnh dịch lây lan, thấy xấu không lên án, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, từ những điều tưởng như vô hại này dẫn đến sự rất tai hại đó là đạo đức lung lay, văn hóa xuống cấp, gia tăng các hành vi phạm tội, làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội. Vì vậy, đã đến lúc vấn đề xây dựng và phát triển văn hóa, con người như Nghị quyết số 33 đã nêu phải được nâng tầm hơn nữa, đặt đúng vào vị trí của nó thì mới tạo nên một xã hội phát triển toàn diện và bền vững.

Trần Thu Hương

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày