Thứ 7, 23/11/2024, 17:43[GMT+7]

Cuốn nhật ký cứu rỗi một linh hồn

Thứ 2, 20/01/2020 | 17:44:45
6,145 lượt xem
Sang xuân này cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Văn Nghĩa ở xóm 12, thôn Giang Bắc, xã Tây Giang, nay là khu 1, thị trấn Tiền Hải (Tiền Hải) vào tuổi 93. Cuộc đời CCB Nguyễn Văn Nghĩa đã trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Đại tá Nguyễn Văn Hán, Chủ tịch Hội CCB tỉnh (người bên trái) cùng CCB Nguyễn Văn Nghĩa trao đổi về cuốn nhật ký.

Câu chuyện về cuốn nhật ký ông viết trong những năm tháng chiến đấu ở chiến trường miền Nam bị một lính Mỹ thu lượm gửi về nước Mỹ. Sau 25 năm người cựu binh Mỹ tìm đến CCB Nguyễn Văn Nghĩa trả lại với lời biết ơn bởi cuốn nhật ký của ông đã cứu rỗi một cựu binh - một công dân của nước Mỹ .

Ông Nguyễn Văn Nghĩa nhập ngũ tháng 1/1952 là chiến sĩ Đại đoàn Đồng Bằng tham gia các trận đánh thực dân Pháp chiến trường khu 3. Năm 1958, ông được phục viên và tháng 6/1965 ông Nghĩa tái ngũ vào chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Sau khi bị thương không đủ sức khỏe ở lại chiến trường, tháng 6/1970 ông trở về quê hương hưởng chế độ bệnh binh. CCB Nguyễn Văn Nghĩa được kết nạp Đảng năm 1953. Như nhiều người lính trở về sau chiến tranh những kỷ niệm về chiến tranh, sự khốc liệt và những hy sinh của đồng đội đối với ông Nghĩa cũng dần nguôi ngoai. Ở tuổi 93, ông Nghĩa sống một mình trong căn nhà hai tầng thoáng rộng và khá đẹp, vợ ông bị bạo bệnh trở thành người thiên cổ từ gần 10 năm trước, 4 người con của ông ba trai, một gái đều đã trưởng thành và yên bề gia thất. Hàng ngày vợ chồng người con trai út nhà ở kế bên qua lại trông nom, chăm sóc bữa ăn cho ông Nghĩa. Dù không còn khỏe và mẫn tiệp nhớ về những năm tháng chiến trường nhưng khi gợi lại câu chuyện cựu binh Mỹ có tên Paul Reed nguyên là lính của Lữ đoàn Kỵ binh bay 173 con cưng của quân đội Mỹ ở chiến trường miền Nam lặn lội từ bang Texas nước Mỹ tìm đến và trả lại ông cuốn nhật ký chiến trường mà Paul Reed đã lượm được của ông tại chiến trường tỉnh Kon Tum, khuôn mặt ông Nghĩa rạng rỡ hẳn lên.


Chiến trường tỉnh Kon Tum những năm 1967 - 1970 vô cùng khốc liệt. Các đơn vị của quân giải phóng phải đối mặt với Lữ đoàn Kỵ binh bay 173 con cưng của quân đội Mỹ, đây là lữ đoàn thiện chiến được quân đội Mỹ thành lập từ năm 1917 từng tham chiến ở nhiều chiến trường, trong đó có cả chiến trường Triều Tiên. Lữ đoàn Kỵ binh bay 173 với biên chế khoảng 7.000 binh sĩ có mặt ở chiến trường Việt Nam từ tháng 5/1965 là đơn vị chiến đấu đầu tiên của quân đội Mỹ tại chiến trường miền Nam. Năm 1966, Paul Reed gia nhập quân đội Mỹ là lính của Lữ đoàn này được huấn luyện bài bản và được cấp trên tuyên truyền sang Việt Nam gây chiến tranh là yêu nước Mỹ, là nhảy dù như trong những giấc mơ... Năm 1967, 1968, Lữ đoàn Kỵ binh bay 173 của Mỹ bị các lực lượng chủ lực của quân giải phóng miền Nam, Trung đoàn 174 và các lực lượng tiến công tơi tả. Mùa hè năm 1967 trong trận đánh Đắc Tô Tân Cảnh, Lữ đoàn Kỵ binh bay 173 của Mỹ đã bị thiệt hại tới 1/5 quân số gồm cả thương vong và mất tích. Chỉ trong 6 năm từ năm 1965 đến khi rút về Mỹ năm 1971 tham chiến ở chiến trường Việt Nam, Lữ đoàn Kỵ binh bay 173 của Mỹ đã mất khoảng 7.500 binh sĩ, trong đó 1.500 binh sĩ thiệt mạng. Tháng 11/1967, tại cao điểm 875, Trung đoàn 174 quân giải phóng đã đánh thiệt hại nặng ba tiểu đoàn của Lữ đoàn Kỵ binh bay 173, tiêu diệt 300 tên Mỹ. Paul Reed đã chứng kiến rất nhiều và rất nhiều cuộc hành quân, vây ráp và càn quét quân giải phóng, đã thực hành bắn và giết người vô tội, chứng kiến những binh sĩ Mỹ thiệt mạng sau các trận đánh, càn quét. Paul Reed đã thực sự biết thế nào là chiến tranh xâm lược. Trong một lần Paul Reed cùng với một số binh sĩ của đơn vị đi trinh sát đã phát hiện một lán trại y tế với khoảng vài chục chiếc ba lô và dụng cụ cứu thương, hậu cần có vật dụng còn thấm đẫm máu của thương binh quân giải phóng, đó chính là lán trại của Đại đội Quân y Trung đoàn 24 quân giải phóng mà trước đó ít giờ Thiếu úy Nguyễn Văn Nghĩa, Chính trị viên, Phó Đại đội cùng chỉ huy đơn vị nhận lệnh cấp trên bỏ lại quân trang, khẩn trương sơ tán thương binh và bộ đội về phía sau. Paul Reed vớ được một chiếc ba lô và lục thấy trong đựng hai lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, tấm chứng minh thư của ông Nguyễn Văn Nghĩa và một cuốn sổ nhỏ, thay vì nộp lại cho chỉ huy, Paul Reed đã tìm cách cất giấu rồi đóng gói gửi về nước Mỹ nhờ mẹ cất giữ và chính những kỷ vật của ông Nghĩa để rồi hơn 20 năm sau, cuốn nhật ký chiến trường của ông Nguyễn Văn Nghĩa trở thành báu vật định mệnh cứu rỗi cuộc đời cựu binh Paul Reed.


Hãy để quá khứ trở thành quá khứ


Đại tá Nguyễn Văn Hán, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh người đã có bốn lần chứng kiến cuộc viếng thăm và hội ngộ của Paul Reed với CCB Nguyễn Văn Nghĩa kể lại: Sở dĩ Paul Reed tìm sang Việt Nam thăm và trả lại CCB Nguyễn Văn Nghĩa cuốn nhật ký mà Paul Reed đã lượm được. Bởi vì năm 1970, Paul Reed được giải ngũ trở về Mỹ lấy vợ sinh con và có một gia đình, cuộc sống sung túc, Paul Reed có đất đai, tài sản, xe ô tô. Nhưng cuộc đời không cho Paul Reed được sống bình yên, Paul Reed không thể quên nỗi ám ảnh chiến trường Việt Nam, không thể quên bi kịch chiến tranh đã bỏ lại phía sau, những cái chết vô tội, những oan hồn cuộc chiến bám riết giấc ngủ của Paul Reed mỗi đêm. Ám ảnh chiến tranh khiến Paul Reed dằn vặt lâm vào trạng thái hội chứng chấn thương tâm lý do chiến tranh Việt Nam, ông ta quậy phá nhiều khi gây ra những vụ ẩu đả tại nơi làm việc và thế rồi từ cuộc sống sung túc Paul Reed đã mất tất cả trở về trắng tay. Trong một lúc tỉnh táo Paul Reed nhớ tới chiếc hộp kỷ vật chiến trường ông ta mở ra xem lại và lấy cuốn nhật ký của ông Nguyễn Văn Nghĩa nhờ người dịch ra tiếng Anh, Paul Reed đã đọc và nghiền ngẫm cuốn nhật ký và tỉnh ngộ ra rằng ông Nguyễn Văn Nghĩa và những người bộ đội Việt Nam không thể coi là kẻ thù như những gì Paul Reed được cấp trên từng huấn luyện và truyền giáo. Paul Reed tự ngẫm cuộc chiến tranh do người Mỹ gây ra với Việt Nam tàn khốc là thế mà cuốn nhật ký của ông Nguyễn Văn Nghĩa thể hiện một người lính có tâm hồn, có bản lĩnh, biết yêu thương quê hương, yêu mẹ và nặng tình đồng đội, người lính có ý chí và tinh thần chiến đấu vì Tổ quốc vì nhân dân. Paul Reed dần dần tỉnh ngộ và lấy lại được trạng thái cân bằng tâm lý, trở lại cuộc sống thường nhật. Cuốn nhật ký của ông Nguyễn Văn Nghĩa trở thành bùa hộ mệnh giúp Paul Reed có cuộc sống ý nghĩa hơn. Năm 1993, Paul Reed sang Việt Nam thăm quý nhân Nguyễn Văn Nghĩa người đã có cuốn nhật ký định mệnh không dành cho mình mà dành cho Paul Reed cất giữ mấy chục năm sau chiến tranh, cuốn nhật ký đã cứu rỗi tâm hồn cựu binh Mỹ Paul Reed, cứu rỗi một công dân của nước Mỹ tỉnh ngộ về cuộc chiến tranh phi nghĩa mà người Mỹ gây ra với nhân dân Việt Nam. Cựu binh Mỹ Paul Reed và CCB Nguyễn Văn Nghĩa giờ đã là những người bạn, họ đã bắt tay nhau, ôm hôn nhau, câu chuyện hai chiến tuyến xưa giờ được khép lại, Paul Reed đã mời CCB Nguyễn Văn Nghĩa sang thăm gia đình ông ta tại bang Texas của Mỹ vào năm 1996. Khi nhắc về cuộc chiến tranh Việt Nam do người Mỹ gây ra với nhân dân Việt Nam Paul Reed nói: “Tôi có sứ mạng tuyên truyền cho nhân dân Mỹ, các cựu binh Mỹ hiểu đúng về Quân đội nhân dân Việt Nam giàu lòng nhân ái nhưng kiên cường chiến đấu, chiến đấu có lý tưởng vì Tổ quốc và vì nhân dân”. Tôi mong muốn trong tương lai gần sẽ là người chắp nối cho đoàn Hội cựu binh Mỹ sang thăm và giao lưu với Hội cựu chiến binh tỉnh Thái Bình và hợp tác kinh doanh nếu có thể. Cũng trong một lần trở lại Việt Nam, Paul Reed đã cùng Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Thái Bình và ân nhân Nguyễn Văn Nghĩa dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Tiền Hải. Tại đây, Đại tá Nguyễn Văn Hán hỏi Paul Reed, ông có thấy trên thế giới này có ở đâu nhiều nghĩa trang liệt sĩ như ở  đất nước Việt Nam chúng tôi không? Paul Reed đã bật khóc... Đó là giá của hòa bình và độc lập tự do. Đó là hậu quả chiến tranh Paul Reed đã học được từ Việt Nam, học được từ cuốn nhật ký, một kỷ vật chiến trường của cựu chiến binh Nguyễn Văn Nghĩa mà Paul Reed đã lượm được. Được hỏi về cuốn nhật ký định mệnh bây giờ ở đâu? CCB Nguyễn Văn Nghĩa cười, ông nói sau khi hoàn thành sứ mệnh kết nối hòa bình và cứu rỗi cuộc đời của cựu binh Mỹ Paul Reed ông đã bị kẻ gian lấy mất trong một lần mang theo cuốn nhật ký về Hà Nội. Nắm chặt tay Paul Reed cựu chiến binh Nguyễn Văn Nghĩa nhẹ nhàng “Hãy để quá khứ trở thành quá khứ ”.

Nguyễn Công Liêm
(Thành phố Thái Bình)