Thứ 5, 28/11/2024, 09:36[GMT+7]

Tích tụ ruộng đất xu thế tất yếu của nông nghiệp

Thứ 4, 22/01/2020 | 17:31:43
3,379 lượt xem
Tích tụ ruộng đất, sản xuất tập trung, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn để chế biến, tiêu thụ, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích là xu thế tất yếu trong phát triển nông nghiệp, nhất là trong bối cảnh Thái Bình đang đẩy mạnh thực hiện đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp.

Mô hình tích tụ ruộng đất chăn nuôi bò cho hiệu quả kinh tế cao của hộ anh Đoàn Văn Cường, xã Vũ Hội (Vũ Thư).

Từ một vùng đất cấy lúa kém hiệu quả, thường xuyên bị bỏ hoang giờ đây đã trở thành trung tâm công nghệ cao sản xuất, kinh doanh cây trồng an toàn theo chuỗi, mang lại lợi nhuận trên 500 triệu đồng/ha cho Công ty Cổ phần Thương mại tổng hợp Toan Vân ngay ở vụ sản xuất đầu tiên. 

Bà Tạ Thị Thanh Vân, Phó Tổng giám đốc Công ty cho biết: Hưởng ứng chủ trương kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Công ty đã lựa chọn lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao để đầu tư phát triển. Chúng tôi thuê lại đất cấy lúa kém hiệu quả của các hộ dân xã Vũ Lạc (thành phố Thái Bình) đầu tư xây dựng nhà kính (được thiết kế theo tiêu chuẩn của Hiệp hội nhà màng Hoa Kỳ) diện tích trên 5.000m2, nhà sơ chế, kho lạnh bảo quản nông sản với tổng diện tích 20ha. Ngoài diện tích canh tác tại trung tâm, Công ty còn liên kết với các HTX trong tỉnh để sản xuất rau an toàn. Có thể khẳng định đây là mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên của tỉnh khi chúng tôi áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất: trồng rau trong nhà lưới, công nghệ tưới tiết kiệm (tưới nhỏ giọt và tưới phun mưa), quy trình sản xuất rau theo VietGAP gắn với tiêu thụ. Không chỉ hiệu quả về kinh tế, mô hình còn tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động nông thôn quanh vùng dự án, tạo được sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân về sản xuất an toàn.

Người hồi sinh vùng đất bãi là tên gọi nhiều người dành cho anh Lê Tiến Mạnh, một thanh niên trẻ tuổi xã Tân Phong (Vũ Thư) khi anh mạnh dạn thuê lại 12ha vùng bãi để trồng rau màu. Theo lời kể dí dỏm của anh Mạnh, vùng bãi này trước kia đa phần “trồng cỏ, nuôi chuột”, một số ít diện tích trồng ngô, rau nhưng do sản xuất nhỏ lẻ nên cho hiệu quả kinh tế thấp. Thấy một vùng bờ xôi ruộng mật bị bỏ hoang, thông qua chính quyền địa phương, tháng 1/2016, anh Mạnh thuê lại ruộng của trên 600 hộ dân trong 20 năm với mức giá 1 tạ thóc/sào/năm để trồng rau theo mùa với hệ số sử dụng đất từ 3 - 4 vụ/năm, trong đó chủ lực là bí xanh. 5 năm đầu tiên anh trả tiền thuê đất 1 năm/lần vào đầu năm, từ năm thứ 6 trở đi trả 5 năm 1 lần. Để phục vụ sản xuất quy mô lớn, anh Mạnh đầu tư các loại máy: làm đất, lên luống, chế tạo máy phun thuốc trừ sâu, máy thu hoạch khoai tây... thay thế lao động thủ công. Năm 2019, anh lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt, tưới phun mưa cho 70% diện tích canh tác, tiến tới phủ kín 100% diện tích trong năm 2020. 

Anh Mạnh cho biết: Ai cũng biết làm ruộng thu nhập không cao nhưng nếu có diện tích sản xuất đủ lớn, chủ động trong sản xuất, biết đầu tư thâm canh thì vẫn có thu nhập khá. Và thành quả đúng như những lời anh chia sẻ, năm 2019, với 12ha rau màu, anh thu nhập trên 1 tỷ đồng sau khi trừ mọi chi phí. Khai thác hiệu quả vùng đất bãi bị bỏ hoang lâu nay, anh Mạnh không chỉ có được nguồn thu lớn cho gia đình mà còn tạo việc làm ổn định cho 12 lao động địa phương, với thu nhập 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Lao động trong nông nghiệp ngày càng thiếu và yếu, hơn nữa, thu nhập từ sản xuất lúa sau khi trừ chi phí rất thấp (chỉ đạt khoảng 20 triệu đồng/ha/vụ). Đây không phải là cá biệt mà là thực trạng đang phổ biến ở các địa phương. Để giải quyết được thực trạng này, đòi hỏi phải có chiến lược, giải pháp, tạo “cú hích” mới, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển lên tầm cao mới. Và, tích tụ ruộng đất đang trở thành xu thế nhằm đáp ứng trình độ của lực lượng sản xuất ngày càng cao.

Quá trình đó sẽ xóa bỏ tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ hiện nay. Diện tích lớn sẽ tạo điều kiện cho việc thành lập các doanh nghiệp nông nghiệp, đẩy mạnh cơ giới hóa, tăng năng suất lao động, chuyển bộ phận lớn lao động sang các lĩnh vực phi nông nghiệp có thu nhập cao hơn; đồng thời, cho phép áp dụng mạnh mẽ các tiến bộ khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học vào sản xuất, từ đó, đưa nông nghiệp đi lên sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, có sức cạnh tranh cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 17.409,28ha đất tích tụ, tập trung để sản xuất, trong đó có 6.631,28ha đất nông nghiệp được tập trung theo hình thức thuê đất, góp đất và chuyển nhượng quyền sử dụng (trồng trọt 3.260,8ha, chăn nuôi 432,8ha, thủy sản 2.937,68ha); 10.778ha gieo trồng có hợp đồng liên kết. Thực tế cho thấy, sau khi thuê, mượn ruộng, chủ sử dụng dù là cá nhân hay doanh nghiệp, hợp tác xã đều đã tổ chức trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả, tạo việc làm tại chỗ cho nhiều lao động địa phương. Nhiều nơi đã hình thành mô hình nông nghiệp công nghệ cao trong trồng rau, với các thiết bị hiện đại, lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với giá trị thu nhập bình quân trên đơn vị đất canh tác và đưa những người nông dân trở thành công nhân lao động trên chính thửa ruộng của mình.

Tăng quy mô đồng ruộng thông qua việc thúc đẩy quá trình thuê, góp đất trong sản xuất nông nghiệp, khuyến khích các hộ không sử dụng hoặc không muốn sử dụng đất nông nghiệp cho các hộ khác thuê là một trong những giải pháp đột phá để thực hiện đề án tái cơ cấu Nông nghiệp tỉnh Thái Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp phối hợp cùng các sở, ngành rà soát, xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù đối với doanh nghiệp, tập đoàn lớn có dự án đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Cùng các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất.

Lưu Ngần