Thứ 7, 23/11/2024, 16:05[GMT+7]

Đặc sắc lễ hội đầu xuân

Thứ 4, 22/01/2020 | 19:06:17
4,296 lượt xem
Nếu có dịp tới thăm Thái Bình vào đầu xuân năm mới, một gợi ý thú vị đối với du khách gần xa đó chính là tham dự vào những lễ hội đặc sắc mang đậm truyền thống văn hóa của mảnh đất, con người nơi đây. Thái Bình với hơn 400 lễ hội được tổ chức vào mùa xuân, trong đó mật độ lễ hội diễn ra ở tháng Giêng khá dày đặc, chính là một địa điểm lý tưởng để mỗi người có thể tận hưởng không khí rộn ràng, vui tươi, tràn đầy hứng khởi, cũng như cầu cho một năm mới ấm no, bình an và hạnh phúc.

Lễ rước nước tại lễ hội đền Trần.

Rộn ràng hội xuân chùa Keo
Nổi tiếng trên khắp cả nước, lễ hội xuân chùa Keo được khai mạc vào ngày mùng 4 tết. Bởi chỉ diễn ra trong một ngày nên năm nào cũng vậy, cứ tới ngày này, hàng nghìn du khách lại nô nức trở về Thái Bình trẩy hội chùa Keo.

Hội xuân nơi đây được mở để mọi người đến cầu bình an, hạnh phúc cho một năm mới mưa thuận gió hòa, vụ mùa bội thu. Ngoài việc lễ Phật, lễ Thánh với ý nghĩa tưởng nhớ, suy tôn Đức Thiền sư Không Lộ và cầu xin phước, đức, tài lộc, du khách hành hương đến chùa Keo vào dịp đầu xuân còn được tham gia vào nhiều trò chơi dân gian như kéo lửa nấu cơm, thi bắt vịt, nghe hát giao duyên... và điều đặc biệt là được chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc độc đáo mà hiện nay rất ít các công trình văn hóa cổ còn giữ lại được.

Hội thi têm trầu cánh phượng tại lễ hội chùa Keo tạo nên không khí náo nức, rộn ràng cho những người tham gia, cổ vũ.

Đa dạng hoạt động văn hóa dân gian tại lễ hội đền Trần
Vào dịp đầu xuân, du khách không thể bỏ lỡ lễ hội đền Trần được tổ chức tại di tích quốc gia đặc biệt khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà từ ngày 13 đến ngày 18 tháng Giêng.

Mở màn cho chuỗi hoạt động của lễ hội đền Trần là lễ rước nước, một loại hình văn hóa dân gian, nghi thức tâm linh đặc sắc biểu hiện tín ngưỡng cầu nước của những cư dân sống với nền văn minh lúa nước ven sông Hồng. Lễ rước nước với hình ảnh các đoàn rước đi dài ven đê với trống dong cờ mở rợp trời tạo nên khung cảnh tráng lệ và nhộn nhịp quen thuộc của đời sống làng xã từ thuở xa xưa. Đây không chỉ là nghi lễ khuyến nông, khuyến ngư, cầu mong mưa thuận gió hòa, nông nghiệp phát triển, mà còn mang ý nghĩa tri ân tổ tiên nhà Trần, một vương triều khởi nghiệp từ nghề chài lưới, gắn với sông nước.

Tiếp nối lễ rước nước, người dân địa phương và du khách thập phương khi trở về với lễ hội đền Trần còn được tham gia vào chuỗi hoạt động văn hóa dân gian đặc sắc như: thi cỗ cá, thi pháo đất, thi kéo lửa nấu cơm, thi gói bánh chưng... mà thông qua đó, mỗi con người như muốn sống chậm lại, để có thể trở về với những nét đẹp trong truyền thống văn hóa của cha ông. Và cũng từ đây, lịch sử dân tộc với những chiến công hiển hách, vẻ vang lại càng thêm gần gũi, gắn bó, hun đúc cho thế hệ hôm nay niềm tự hào để tiếp nối truyền thống ấy.

Hàng trăm tay chèo tham gia lễ hội bơi trải truyền thống Diêm Điền.

Sôi nổi lễ hội bơi trải trên sông Diêm Hộ

Được coi là lễ xuất quân, mở cửa biển cho những chuyến tàu vượt trùng khơi, lễ hội bơi trải truyền thống Diêm Điền được những ngư dân vùng biển Thái Thụy tưng bừng tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng hàng năm. Cứ tới ngày này, những người con của miền biển lại nô nức trở về quê hương để chứng kiến màn so tài của những thanh niên khỏe mạnh nhất, quyết tâm giành chiến thắng cao nhất với tâm niệm đội đua của làng nào thắng cuộc thi thì cả năm ấy, làng đó sẽ có những chuyến vươn khơi bám biển “thuận buồm xuôi gió”, được mùa cá tôm.

Để chuẩn bị cho lễ hội quan trọng này, hàng trăm tay chèo được các làng tuyển chọn đã tập luyện từ nhiều tháng trời. Ngày thường, họ vốn là những thanh niên trai tráng, quanh năm bôn ba “ăn sóng nói gió” trên những chuyến tàu biển, tàu đánh bắt xa bờ, tới dịp lễ hội mới tề tựu về để gặp mặt tranh tài nên ai ai cũng nỗ lực hết sức, vững tay lái, mạnh tay chèo, thể hiện tinh thần thể thao thượng võ của người dân quê biển Diêm Điền.

Mùa xuân về với Thái Bình, du khách cũng không nên bỏ lỡ cơ hội tham gia vào những lễ hội đặc sắc như lễ hội Tiên La để được hiểu hơn về tục thờ Thánh Mẫu, hay như đến với lễ hội đền Hét để được chứng kiến trò chơi dân gian vật cầu mà hiếm nơi nào có được, cũng như việc trẩy hội làng Thượng Liệt để được chiêm ngưỡng lễ rước ông thầy, bà thợ và điệu múa giáo cờ, giáo quạt, cùng nhiều lễ hội khác mang đậm truyền thống văn hóa dân gian...

Trong cái se lạnh của những ngày đầu xuân năm mới, giữa những cơn mưa bụi lất phất bay, trẩy hội đầu xuân giúp cho lòng người như lắng đọng trong không khí linh thiêng của đất trời, giữa làn khói nhang tỏa hương nghi ngút, cầu mong thần linh ban phúc đức, tài lộc và một năm mới nhiều thuận lợi, bình an, may mắn. Ngoài ra, được trải nghiệm không khí náo nức, vui tươi của những lễ hội dân gian giúp cho lòng người thêm nhiệt huyết để bắt đầu một năm mới với thật nhiều hứng khởi.

Tú Anh