Thứ 3, 19/11/2024, 11:23[GMT+7]

Số lượng tê giác bị săn trộm tại Nam Phi đã giảm 5 năm liên tục

Thứ 4, 05/02/2020 | 08:41:10
1,001 lượt xem
Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, trong thông báo ngày 3/2, Bộ trưởng Môi trường Nam Phi Barbara Creecy cho biết 594 con tê giác đã bị săn trộm tại quốc gia này trong năm 2019, giảm đáng kể so với 769 con trong năm 2018.

Một con tê giác đen được cưa sừng tại khu bảo tồn Bona Bona, Nam Phi. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Kể từ năm 2012, đây là năm thứ hai số lượng tê giác bị giết hại trong một năm giảm xuống dưới 1.000 con.

Bộ trưởng Creecy nhấn mạnh đây là kết quả của quá trình thực hiện hàng loạt biện pháp mạnh mẽ của chính phủ bao gồm việc nâng cao năng lực của các lực lượng chức năng, tăng cường phối hợp thông qua việc áp dụng các công nghệ tiến tiến nhất trong việc chia sẻ thông tin giữa các lực lượng thực thi pháp luật.

Ngoài lực lượng kiểm lâm, Nam Phi trong thời gian qua cũng đã tăng cường huy động nhiều lực lượng như cảnh sát, tình báo và đặc nhiệm cùng tham gia vào cuộc chiến chống nạn săn trộm tê giác.

Có được kết quả như trên còn là nhờ sự tăng cường hợp tác giữa chính quyền địa phương, các tổ chức quốc tế cùng sự nhập cuộc của khối tư nhân, các tổ chức phi chính phủ và các nhà hảo tâm.

Bên cạnh đó, quốc gia này đã thực hiện nhiều chiến dịch truyền thông rộng rãi trong nước và quốc tế, từ việc phát hành rộng rãi các ấn phẩm tuyên truyền cho đến sản xuất và bán sừng tê giác bằng nhựa để gắn trên nóc ôtô nhằm nâng cao nhận thức của người dân.

Cũng theo bà Creecy, phần lớn các vụ săn trộm tê giác xảy ra tại khu vực Vườn quốc gia Kruger Park nằm ở khu vực biên giới phía Đông Bắc Nam Phi với 327 con tê giác đã bị săn trộm tại đây trong năm 2019.

Cũng trong năm ngoái, riêng tại Kruger Park, các lượng chức năng đã bắt giữ 178 nghi phạm săn trộm tê giác, chiếm phần lớn trong tổng số 332 nghi phạm bị bắt giữ trên toàn quốc.

Theo số liệu của Bộ Môi trường Nam Phi, số lượng tê giác tại Kruger Park - khu bảo tồn thiên nhiên lớn nhất Nam Phi và cũng là nơi tập trung mật độ tê giác cao nhất châu Phi - đã giảm gần 50% trong 5 năm qua, từ 9.000 con trong năm 2014 xuống còn dưới 5.000 con trong năm 2019./.

Theo vietnamplus.vn