Thứ 5, 14/11/2024, 11:18[GMT+7]

Đoàn công tác của huyện Lục Ngạn thăm mô hình xử lý rác thải tại Thái Bình

Thứ 6, 07/02/2020 | 14:50:20
2,431 lượt xem
Sáng ngày 7/2, huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) tổ chức Đoàn công tác đến tham quan mô hình xử lý chất thải tại Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Quỳnh Côi, huyện Quỳnh Phụ của Công ty Cổ phần Thương mại Thành Đạt.

Đại diện Công ty Cổ phần Thương mại Thành Đạt giới thiệu về quy trình công nghệ xử lý chất thải sinh hoạt

Tham gia đoàn công tác có lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Giang; lãnh đạo Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện, các phòng, ban, ngành liên quan của huyện Lục Ngạn.

Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Quỳnh Côi, huyện Quỳnh Phụ của Công ty Cổ phần Thương mại Thành Đạt đi vào hoạt động từ năm 2016, công suất 50 tấn/ngày. Đến nay, Nhà máy xử lý rác thải cho 16 xã, thị trấn huyện Quỳnh Phụ và thị trấn Đông Hưng, Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Hưng, tạo việc làm cho 30 lao động với thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng. 100% rác thải sinh hoạt được thu gom, phân loại. Rác hữu cơ được ủ làm phân bón vi sinh, rác vô cơ tái chế thành hạt nhựa, khoảng 10% rác không tái chế được xử lý theo công nghệ đốt.  

Đoàn công tác thăm dây chuyền biến rác vô cơ thành hạt nhựa.

Sau khi nghe đại diện Công ty giới thiệu về quy trình công nghệ xử lý chất thải, đoàn công tác của huyện đã đi tham quan thực tế các dây chuyền phân loại, sản xuất tái chế nhựa, phân vi sinh và hệ thống xử lý nước thải… 

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết: Mỗi ngày, huyện Lục Ngạn phát sinh khoảng 100 tấn rác thải sinh hoạt; hiện nay mới chỉ thu gom đạt 50%, xử lý theo hình thức chôn lấp, vì vậy phát sinh tình trạng ô nhiễm môi trường. Huyện đã quy hoạch, đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải tập trung rộng 10ha. 

Thời gian qua, Đoàn công tác của huyện đã đi tham quan nhiều mô hình xử lý rác thải sinh hoạt, chủ yếu là theo công nghệ lò đốt. Mô hình hình xử lý chất thải tại Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Quỳnh Côi không chỉ xử lý triệt để rác thải mà còn góp phần bảo vệ môi trường khi biến rác thành phân vi sinh và hạt nhựa. Đây là mô hình khả quan để huyện Lục Ngạn xem xét, lựa chọn đầu tư xây dựng trong thời gian tới.

Công nhân phân loại rác thải sinh hoạt.


Minh Nguyệt

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày