Thứ 7, 23/11/2024, 17:50[GMT+7]

Cung cấp nước sạch cho người dân và ứng phó xâm nhập mặn

Thứ 7, 08/02/2020 | 11:38:16
1,199 lượt xem
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến vùng núi phía bắc và khu đông bắc Bắc Bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa, sau mưa mở rộng xuống Trung Trung Bộ. Ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời rét; riêng phía Đông Bắc Bộ ngày 8, 9-2 có rét đậm, vùng núi có nơi rét hại, với nhiệt độ thấp nhất khoảng 12 đến 15oC, vùng núi 8 đến 11oC.

Kênh rạch vùng ngọt huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) kiệt nước do hạn hán. Ảnh: NGUYỄN HỮU TÙNG

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến đầu tháng 2, cả nước có 4 trong tổng số 11 lưu vực thiếu nước gồm sông Mã, sông Hương, sông Vu Gia - Thu Bồn và sông Ba. Cục Quản lý tài nguyên nước đã chủ động phối hợp các địa phương, các chủ hồ để đôn đốc, bàn bạc phương án vận hành chống hạn. Các hồ chứa Cửa Đạt, Bình Điền, Ka Nak, Sê San 4 và Đại Ninh hiện đang thiếu hụt nguồn nước, cho nên Cục đang lên phương án điều chỉnh giảm lưu lượng xả xuống hạ du để bảo đảm đủ nước cấp cho năm đến bảy tháng còn lại của mùa cạn.

* Theo Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, dự báo lượng nước dưới lòng đất của cả nước vào khoảng 91 tỷ m3/năm, trong đó nước nhạt khoảng 69 tỷ m3/năm. Tại khu vực khô hạn Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, nguồn nước dưới đất được dự báo là hơn 38 triệu m3/ngày, trong đó trữ lượng còn có thể khai thác khoảng hơn 13 triệu m3/ngày. Trong thời gian tới, đối với khu vực núi cao, khan hiếm nước, các khu vực xâm nhập mặn... Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiến hành rà soát, đánh giá mức độ, nhu cầu và khả năng tìm kiếm nguồn nước.

* Đến nay, tỉnh Quảng Nam gieo trồng xong gần 42.000 ha lúa đông xuân, 3.000 ha ngô, 7.300 ha lạc, 1.100 ha khoai lang, 4.200 ha sắn… Để chủ động chống hạn, xâm nhập mặn, từ đầu vụ, ngành nông nghiệp có văn bản hướng dẫn các địa phương đắp bờ giữ nước để làm đất, tiết kiệm việc cấp nước; tưới nước giữa vụ theo “ướt - khô xen kẽ”, tưới luân phiên; khuyến cáo các vùng thiếu nước, cuối kênh chuyển sang trồng ngô, lạc…

* Tỉnh Lâm Đồng đang kiểm kê, dự báo nguồn nước tại các hồ chứa, hệ thống thủy lợi; tính toán cân bằng nước để điều chỉnh, bổ sung phương án chống hạn hán phù hợp với thực tiễn nguồn nước, bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Được biết, tỉnh hiện có 430 công trình thủy lợi, khoảng 1.200 km kênh mương, 92 đập tạm và 12 kênh chủ động cấp nước cho khoảng 43.000 ha đất canh tác. Tuy nhiên, khả năng hạn hán, thiếu hụt nguồn nước trong mùa khô năm 2020 dự báo ở mức cao, đặc biệt là các huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên.

* Tuy chưa vào cao điểm mùa hạn nhưng hồ Ông Kinh, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) có dung tích thiết kế 800.000 m3 cung cấp nước sản xuất cho hơn 200 ha trồng nho, hành, tỏi đã trơ đáy từ nhiều tháng nay. UBND huyện chỉ đạo ngành nông nghiệp tập trung ứng cứu các loại cây trồng chủ lực, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung gieo trồng cây cạn ngắn ngày, cây chịu hạn kết hợp sử dụng rộng rãi công nghệ tưới nước tiết kiệm ở những khu vực các hồ chứa cạn kiệt.

* Tỉnh Bình Thuận hiện có tổng diện tích rừng hơn 370.000 ha.Trong đó hơn 150.000 ha có nguy cơ cháy cao. Để chủ động phòng, chống, ngay từ đầu mùa khô, các địa phương đã tập trung thực hiện phương án “4 tại chỗ”; củng cố ban chỉ huy bảo vệ rừng - phòng chống chữa cháy rừng từ cấp huyện đến các xã có rừng và chủ rừng, với hơn 1.000 thành viên. Tăng cường các chốt trực cháy 24/24 giờ ở các vùng rừng trọng điểm, không để cháy rừng lan ra diện rộng.

* Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang, nồng độ mặn trên địa bàn tỉnh tăng dần theo hai hướng do ảnh hưởng triều biển Đông và biển Tây. Trước tình hình nêu trên, ngành thủy lợi đã vận hành các công trình nhằm giữ nước ngọt, ngăn mặn xâm nhập sâu vào nội đồng; tiến hành nạo vét hệ thống kênh mương để trữ ngọt; đưa vào vận hành 10 trạm đo mặn tự động...

* Toàn tỉnh Cà Mau hiện có 3.568 hộ thiếu nước sinh hoạt. Dự báo đến hết mùa khô năm 2020, số hộ thiếu nước sẽ tăng lên hơn 13.500 hộ, tập trung nhiều ở các xã vùng ngọt thuộc huyện Trần Văn Thời, U Minh.

* Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An, bốn ổ dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) vừa tái phát tại các xã Diễn Kim (Diễn Châu), Trung Sơn (Đô Lương), Nậm Nhoóng (Quế Phong) và Keng Đu (Kỳ Sơn), với tổng số lợn tiêu hủy 109 con. Nguyên nhân do vi-rút mầm bệnh tồn tại trong môi trường, khi có điều kiện thuận lợi về thời tiết là bùng phát.

* Tại tỉnh Quảng Ngãi, dịch lở mồm long móng đang bùng phát và diễn biến phức tạp tại hai huyện Bình Sơn, Đức Phổ. Hiện, toàn tỉnh có hơn 460 con bò nhiễm bệnh, trong đó 33 con đã chết. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã cấp phát 10 nghìn liều vắc-xin và chỉ đạo các trạm chăn nuôi và thú y tổ chức tiêm phòng bao vây để khống chế dịch; đồng thời, phân bổ 500 lít hóa chất để tiêu độc, khử trùng chuồng trại.

* Ngày 7-2, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên cho biết đã hết DTLCP trên địa bàn tỉnh kể từ ngày 1-2. Trước đó, DTLCP lan rộng ra 95 thôn, 45 xã thuộc chín huyện, thị xã, thành phố.

* Để phòng, chống hiệu quả dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, tỉnh Ninh Thuận đã đồng loạt thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng nhằm tiêu diệt mầm bệnh truyền nhiễm. Ngành chức năng và lực lượng thú y cùng người dân tiến hành phun thuốc sát trùng, rải vôi tiêu độc với thời lượng hai lần/tuần, kể cả các vùng phụ cận. Toàn bộ thuốc sát trùng được tỉnh hỗ trợ.

* Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai, hiện các chi cục thú y trong tỉnh tăng cường kiểm tra việc vận chuyển gia cầm; triển khai vệ sinh chuồng trại; thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; tiêu độc khử trùng chuồng trại một đến hai lần/tuần; kiểm soát phương tiện vận chuyển trên địa bàn…

Theo nhandan.com.vn