Thứ 5, 14/11/2024, 11:05[GMT+7]

Tiếp đà xuất khẩu gạo

Thứ 2, 10/02/2020 | 09:55:09
4,572 lượt xem
Năm 2019, mặc dù gặp nhiều khó khăn về thị trường nhưng hoạt động kinh doanh, xuất khẩu gạo của tỉnh vẫn đạt được những kết quả khả quan; giá trị xuất khẩu gạo tăng gần 3 lần so với năm 2018. Tuy nhiên, theo Sở Công Thương, hoạt động kinh doanh, xuất khẩu gạo vẫn chưa đáp ứng sự kỳ vọng, tiềm năng của tỉnh cũng như đầu tư của các thương nhân nên rất cần một cơ chế thúc đẩy, tiếp đà cho xuất khẩu gạo.

Các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo trong tỉnh đang gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ.

Xây dựng nguồn nguyên liệu tốt

Những năm qua, nông dân các địa phương thực hiện tốt sản xuất lúa theo quy hoạch và định hướng của tỉnh; tuân thủ quy trình sản xuất về cơ cấu giống, mùa vụ, sản xuất theo nhu cầu thị trường và đặt hàng của đơn vị bao tiêu sản phẩm. Các HTX SXKD DVNN và bà con nông dân đã liên kết hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gạo để xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu. Nhằm nâng cao chất lượng gạo, các địa phương đã tập trung phát triển sản phẩm chủ lực lúa gạo, thực hiện phương thức canh tác lúa sinh thái (SRI), tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh... Trong tổng diện tích 79.300ha đất cấy hai vụ lúa, theo cơ cấu của tỉnh, tỷ lệ diện tích lúa chất lượng cao chiếm trên 35%.

Bà Tô Thị Hương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Hiện nay, các doanh nghiệp, thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh đã chú trọng thực hiện việc xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết tiêu thụ sản phẩm lúa gạo cho nông dân. Các doanh nghiệp đã ký hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu lúa thương phẩm với các HTX, cá nhân; tổng diện tích xây dựng vùng lên đến 5.200ha. Cụ thể: Công ty TNHH Hưng Cúc 1.500ha, Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed 2.700ha, Công ty TNHH Liên Hạnh 1.000ha. Việc xây dựng vùng nguyên liệu, bao tiêu nông sản không những giúp người nông dân nâng cao thu nhập mà còn là mô hình chuyển giao kỹ thuật canh tác, giống mới, bảo đảm chất lượng gạo cho các doanh nghiệp thực hiện xuất khẩu.

Để tiếp sức cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động cân đối nguồn vốn, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để thương nhân đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, cơ sở xay xát, chế biến thóc, gạo, kho chứa phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

Gạo Thái Bình ra thị trường quốc tế

Với sự đầu tư đúng hướng từ khâu chuẩn bị nguồn nguyên liệu đến khâu chế biến của các doanh nghiệp, gạo Thái Bình đã tìm được chỗ đứng trên thị trường thế giới. Năm 2019, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thực hiện xuất khẩu gần 3.000 tấn, giá trị xuất khẩu gạo đạt 6 triệu USD, tăng gần 3 lần so với năm 2018. Ông Trần Hữu Hạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Liên Hạnh (cụm công nghiệp thị trấn Vũ Thư) cho biết: Do chủ động được nguồn nguyên liệu tốt và áp dụng công nghệ chế biến hiện đại nên chất lượng gạo của Công ty luôn đáp ứng được yêu cầu của khách hàng và thị trường một số nước. Năm 2019, chúng tôi đã xuất khẩu trực tiếp vào thị trường Philippines được 300 tấn gạo và qua ủy thác được gần 10.000 tấn gạo vào thị trường Malaysia; sản lượng và giá trị xuất khẩu tăng khoảng 50% so với năm 2018.

Hiện nay, việc xuất khẩu gạo vào thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn do phía Trung Quốc đưa ra rất nhiều rào cản kỹ thuật gây khó khăn cho doanh nghiệp. Đứng trước khó khăn đó, các doanh nghiệp đã linh hoạt, nhanh chóng chuyển hướng xúc tiến thương mại, xuất khẩu gạo vào các thị trường còn nhiều tiềm năng như: Philippines, Malaysia, Australia, Mỹ, Bulgaria, Đức, châu Phi.

Chế biến, đóng gói gạo tại Công ty TNHH Liên Hạnh (cụm công nghiệp thị trấn Vũ Thư).

Vẫn còn những khó khăn

Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành, sau hơn một năm thực hiện đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo trong việc đáp ứng các điều kiện để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay vẫn là thị trường tiêu thụ do nhu cầu nhập khẩu gạo của một số thị trường truyền thống không ổn định, cạnh tranh gay gắt về giá cả và chất lượng. Đặc biệt, thị trường Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu gạo qua đường tiểu ngạch, tăng cường nhập khẩu theo đường chính ngạch từ nhiều nguồn cung cấp với giá thấp khiến số lượng hợp đồng xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp giảm mạnh.

Thời gian qua, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong tỉnh hầu như không thực hiện được hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung. Nguyên nhân chính là giá xuất khẩu của nhiều nước đưa ra quá thấp, doanh nghiệp xuất khẩu không có lợi nhuận. Ông Lý Thái Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Hưng Cúc chia sẻ: Đáng lo ngại nhất là doanh nghiệp thu mua thóc không đạt số lượng theo hợp đồng hoặc bị phá hợp đồng vì một số tiểu thương nâng giá để tranh mua gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ngoài ra, tình trạng các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ sẵn sàng phá giá để cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn, khi khách Trung Quốc sang mua hàng họ tham khảo giá của các cơ sở này để đàm phán nên giá bán của các doanh nghiệp cũng bị giảm đáng kể.

Cần một cơ chế khai thông dòng chảy xuất khẩu gạo

Theo nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh, để xây dựng được vùng nguyên liệu tốt và đầu tư hạ tầng sản xuất, chế biến lúa gạo đòi hỏi nhiều vốn đầu tư. Song, nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, nhất là vốn triển khai chương trình xây dựng vùng nguyên liệu. Chính vì vậy, các doanh nghiệp mong muốn UBND tỉnh chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo được tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi để phục vụ phát triển vùng nguyên liệu, mở rộng kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu. Các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ổn định thị trường, tránh xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh để bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Bà Tô Thị Hương Lan cho biết thêm: Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo, Sở Công Thương đã đề nghị Bộ Công Thương làm đầu mối triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới giúp các doanh nghiệp của tỉnh tiêu thụ và xuất khẩu gạo. Tăng cường hỗ trợ thông tin thị trường cho các thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo, đặc biệt có biện pháp đàm phán với phía Trung Quốc nới lỏng các rào cản kỹ thuật tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.

Hà Thanh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày