Thứ 7, 23/11/2024, 16:04[GMT+7]

Khởi sắc xây dựng nông thôn mới trên vùng đất Mê Linh

Thứ 4, 12/02/2020 | 15:02:26
2,023 lượt xem
Năm 2010, huyện Mê Linh bước vào công cuộc xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm thấp, chỉ có 50% các xã đạt 11/19 tiêu chí; Cơ sở hạ tầng yếu và thiếu đồng bộ; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn chỉ có 13,5 triệu đồng/người/năm ; Tỷ lệ hộ nghèo đạt bình quân 8,64%.

Trường mầm non trung tâm xã Tam Đồng mới được xây dựng khang trang, rộng đẹp.

Mặc dù, còn gặp nhiều khó khăn trong khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện Mê Linh đã nỗ lực và tích cực với nhiều giải pháp đồng bộ. Đến nay, 14/16 xã được thành phố công nhận đạt chuẩn NTM; dồn điền đổi thửa được 3.280ha, đạt 100% kế hoạch. Nhờ đó mà, bộ mặt nông thôn mới của huyện đã có nhiều khởi sắc đời sống nhân dân được nâng cao. Nông thôn mới đã thổi một luồng gió mới, làm thay da đổi thịt cả một vùng quê.

Mê Linh là huyện nằm ở cửa ngõ phía Bắc của Thành phố Hà Nội với  diện tích đất tự nhiên 14.246 ha, trong đó: đất sản xuất nông nghiệp là 8.500ha. Toàn huyện có 16 xã, 2 thị trấn. Tổng dân số của huyện là 218.787 người.  Thực hiện chương xây dựng NTM, huyện Mê Linh đã quán triệt, lãnh chỉ đạo công tác thực hiện từ huyện đến cơ sở. Với sự vào cuộc của các cấp chính quyền và nhân dân địa phương, sau 10 năm thực hiện, hệ thống cơ sở hạ tầng ở các địa phương đã được đầu tư ngày càng khang trang, hiện đại. Thu nhập bình quân đầu người của người dân không ngừng được nâng cao, số hộ nghèo giảm đều hàng năm.

Để thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng NTM, ngay từ đầu năm 2010 Ban thường vụ Huyện ủy đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015 và giai đoạn 2 năm 2016-2020 từ huyện đến xã. BCĐ thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM ở mỗi cấp đều xây dựng các quy chế hoạt động và có sự phân công nhiệm vụ cho từng thành viên. Huyện tổ chức phát động thi đua " Mê Linh chung sức xây dựng nông thôn mới"

Quá trình trình triển khai, xây dựng NTM, huyện Mê Linh luôn quan tâm, chú trọng đến công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, lãnh đạo, đảng viên và nhân dân về xây dựng NTM. Đồng thời tổ chức thăm quan, học tập mô hình điểm ở trong và ngoài thành phố cho cán bộ làm công tác xây dựng NTM từ huyện đến các thôn, làng và đại diện các hộ dân. Trong 10 năm, BTV Huyện ủy đã tổ chức 62  hội nghị quán triệt, học tập Chương trình của Thành ủy với số lượng cán bộ, đảng viên tham gia khoảng 7.660 lượt người tham gia. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận đồng nên10 năm qua nhân dân trong huyện đã hiến 1.022m2 đất mở đường (trong đó các xã có tinh thần hiến đất mở đường cao như: Thạch Đà, Hoàng Kim, Tráng Việt), tổng số ngày công lao động nhân dân tự nguyện đóng góp là 9.635 ngày; đặc biệt trong 10 năm toàn huyện đã kêu gọi xã hội hóa ước đạt 342,692 tỷ đồng phục vụ công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Sau 10 năm thực hiện Chương trình số 02, Mê Linh đã đầu tư làm hơn 430km đường giao thông liên xã, liên thôn, đường ngõ xóm và trục chính nội đồng với tổng kinh phí hơn 1.158 tỷ đồng, nâng tỷ lệ đường giao thông được cứng hóa toàn huyện đạt 95%. Xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo hàng chục trường học với tổng kinh phí hơn 2.261 tỷ đồng, nâng số trường đạt chuẩn toàn huyện lên 50/73 trường. Nhà văn hóa, công trình thủy lợi, điện...cũng được đầu tư, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đến cuối năm 2018, thu nhập bình quân trên địa bàn huyện đạt hơn 41,4 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 1,41%. Huyện đang đẩy mạnh đầu tư cho 2 xã (Tam Đồng, Tự Lập) để 100% số xã về đích NTM và phấn đấu đến năm 2020 đạt đủ tiêu chí huyện NTM. Thu nhập bình quân dân cư nông thôn đạt 50 triệu/người/năm, phấn đầu năm 2020 huyện không còn hộ nghèo.

Công tác dồn điền đổi thửa được Ban chỉ đạo huyện triển khai quyết liệt, tích cực, tạo phong trào cách mạng sôi nổi trong nhân dân Mê Linh. Kết quả, toàn huyện đã dồn được 3.280 ha đạt 100% kế hoạch thành phố giao. Trong đó số thửa sau dồn ghép là 31.758 thửa đất của 18.927 hộ gia đình. Sau dồn ghép, một số xã có diện tích đất dôi dư như ở Kim Hoa, Tự Lập, Liên Mạc, Tiến Thắng…để bổ sung quỹ đất công tạo điều kiện quy hoạch cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi tại các địa phương.

Sau khi thực hiện thành công dồn điền đổi thửa, huyện xác định đây là cơ hội để tạo điều kiện phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Huyện đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung như: sản xuất hoa, cây cảnh quy mô từ 20ha trở lên tại các xã Mê Linh, Văn Khê, Đại Thịnh…;sản xuất cây ăn quả tập trung có giá trị kinh tế cao, quy mô từ 20 ha trở lên. Mê Linh trở thành vựa rau, hoa của Thủ đô với khoảng 500ha hoa và 2.000ha rau màu…Nông nghiệp của huyện cũng được chuyển đổi sang mô hình chuyên canh lớn, chuyện dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng. Việc này đã giúp cho thu nhập bình quân đầu người ở huyện đạt đạt 45 triệu đồng/người/năm, 100% số xã trên địa bàn đã đạt tiêu chí về hộ nghèo.

Mô hình chuyên canh trồng hoa tập trung mang lại giá trị kinh tế cao

Trong quá trình xây dựng NTM Mê Linh cũng gặp những khó khăn nhất định. Bên cạnh nhận thức của một bộ phận nhỏ lãnh đạo địa phương chưa thấu đáo, quyết tâm chưa cao thì về khách quan Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 tăng thêm 10 tiêu chí mới, yêu cầu của từng tiêu chí cao hơn so với Bộ tiêu chí cũ do đó đòi hỏi sự nỗ lực vươn lên nhiều hơn của những xã hoàn thành từ nay về sau.

Để đạt được những kết quả tích cực trong công tác xây dựng nông thôn mới, huyện Mê Linh tiếp tục tập trung phát triển hạ tầng thiết yêu nông thôn; Phát triển kinh tế, sản xuất gắn với tái cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; Nâng cao chất lượng về văn hóa, xã hội, môi trường; Công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, phát huy cao sự tham gia tích cực chủ động của nhân dân và sự quan tâm của toàn xã hội. Cùng với đó, cần tăng cường huy động  đa dạng các nguồn lực xây dựng NTM từ Trung ương đến địa phương, trong đó phát huy tối đa nội lực của địa phương, đặc biệt là các nguồn lực từ doanh nghiệp; Để các tiêu chí được bền vững, Huyện ủy, UBND huyện tập trung chỉ đạo các xã đã đạt các tiêu chí xây dựng NTM phải xây dựng kế hoạch tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng.

Chắc chắn với nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình xây dựng NTM cùng với việc tập trung cao các nguồn lực kinh tế, sự giúp đỡ của cấp trên, Mê Linh sẽ hoàn thành Chương trình NTM trươc năm 2020 và gặt hái được nhiều thành tịu hơn nữa trong phát triển kinh tế và xã hội.

Theo doisongphapluat.com