Thứ 7, 30/11/2024, 02:41[GMT+7]

7 năm thực hiện công tác dạy nghề cho người khuyết tật

Thứ 6, 14/02/2020 | 09:48:16
3,535 lượt xem
Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ IV, lần thứ V, Hội Bảo trợ người khuyết tật (NKT) và trẻ mồ côi (TMC) tỉnh, các tổ chức thành viên luôn xác định dạy nghề, tạo việc làm cho NKT là 1 trong 6 chương trình trọng tâm của Hội. Sau 7 năm thực hiện, công tác dạy nghề, tạo việc làm cho NKT đã đạt được kết quả đáng ghi nhận.

Công ty TNHH Đồ gỗ mỹ nghệ của anh Lại Văn Điệp, xã Vũ Ninh (Kiến Xương) tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động.

Ngay sau Đại hội lần thứ IV năm 2013, Hội Bảo trợ NKT và TMC tỉnh cũng như các huyện, thành hội đã khẩn trương xây dựng kế hoạch, xác định mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp cho từng năm, trong đó nhiệm vụ hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho NKT được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Các cấp hội đã tập trung rà soát, nắm bắt lại toàn bộ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở dạy nghề, tạo việc làm cho NKT. Thông qua đó, tổ chức phổ biến chính sách của Nhà nước về dạy nghề nói chung, dạy nghề cho NKT nói riêng, vận động các chủ cơ sở tham gia chương trình dạy nghề, tạo việc làm cho NKT. Tổ chức cho NKT tham gia các hội chợ việc làm, sàn giao dịch việc làm. Tỉnh hội và các huyện, thành hội đã thực hiện hiệu quả nhiều mô hình dạy nghề cho NKT gắn với thực hiện đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012 - 2020; phong trào cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới; chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012 - 2020.

Hiện nay, Hội Bảo trợ NKT và TMC tỉnh đã và đang triển khai hoạt động dạy nghề cho NKT qua hai hình thức: dạy nghề tập trung và dạy nghề xen kép tại cộng đồng. Đối với hình thức dạy nghề xen kép tại cộng đồng, Hội kết hợp khảo sát nắm bắt nhu cầu học nghề của NKT tại cộng đồng, đánh giá khả năng theo học của NKT cũng như cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi học nghề để NKT tự quyết định chọn nghề học. Bên cạnh đó, tư vấn cho các cơ sở dạy nghề nắm bắt thị hiếu các nghề đang đào tạo tại địa phương để có hướng đào tạo theo đúng nhu cầu người học. Đối với hình thức đào tạo nghề tập trung, Hội đã tập trung triển khai dạy nghề cho NKT tại trung tâm dạy nghề cho NKT. Trung tâm trực tiếp tổ chức các lớp dạy nghề cho NKT từ nguồn kinh phí của chương trình “Dạy nghề cho lao động nông thôn” do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phân bổ. Nghề đào tạo cho NKT chủ yếu là các nghề thủ công, mỹ nghệ như: may công nghiệp, đan, thêu, móc, mộc dân dụng, tranh đá quý, làm chổi đót, chăn nuôi gia súc, gia cầm... phù hợp với dạng tật, mức độ khuyết tật, làm việc tĩnh tại, ít phải di chuyển, học xong có việc làm ngay. Bằng những hình thức này, mỗi năm đã có hàng trăm NKT được tham gia các lớp học nghề ngắn hạn tại cộng đồng và trung tâm dạy nghề trực thuộc Tỉnh hội. Từ năm 2013 - 2019, Hội và các cơ sở đã tổ chức dạy nghề cho hơn 2.000 NKT, kinh phí thực hiện trên 1 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn xã hội hóa.

Mặc dù đã huy động được nhiều tổ chức, lực lượng tham gia dạy nghề, tạo việc làm cho NKT song công tác này vẫn còn một số khó khăn. Tỷ lệ NKT được học nghề và có việc làm mới chỉ đạt khoảng 30% so với số NKT có nhu cầu học nghề và việc làm. Tính ổn định, bền vững của việc làm thấp do phụ thuộc nhiều yếu tố, biến động thị trường. Phần lớn các nghề thủ công, gia công, thu nhập thấp, chỉ dao động từ 1 - 3 triệu đồng/người/tháng. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách, cơ chế hỗ trợ dạy nghề cho NKT còn hẹp, chưa sâu rộng. Trình độ học vấn của NKT nhìn chung còn thấp. Công tác tư vấn cho NKT về chọn nghề, học nghề chưa tốt. Nhiều NKT học xong không có việc làm cũng làm giảm quyết tâm học nghề của một bộ phận NKT.

Xác định dạy nghề, tạo việc làm cho NKT là giải pháp cơ bản nhất, bền vững nhất giúp NKT thực hiện quyền bình đẳng của mình, sống độc lập và hòa nhập cộng đồng, năm 2020 và những năm tiếp theo, Hội Bảo trợ NKT và TMC tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo môi trường thuận lợi để NKT tiếp cận và thụ hưởng chính sách của Đảng, Nhà nước về dạy nghề, tạo việc làm cho NKT. Tăng cường sự kết nối giữa Hội với các cơ sở, doanh nghiệp, các tổ chức nhân đạo, từ thiện... cùng quan tâm, chia sẻ, chung tay trợ giúp NKT trong việc chọn nghề, học nghề và tạo việc làm. Trung ương Hội Bảo trợ NKT và TMC cùng các hội thành viên tiếp tục chủ động trong việc xây dựng chương trình dạy nghề, tạo việc làm nói chung, dạy nghề cho NKT nói riêng, tháo gỡ các vướng mắc, bất cập, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy công tác dạy nghề cho NKT. Tranh thủ sự hỗ trợ với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền, tọa đàm, đối thoại về chính sách dạy nghề cho NKT. Tích cực vận động các doanh nghiệp, tổ chức, nhà hảo tâm tiếp tục quan tâm hơn nữa đến NKT, tạo điều kiện thuận lợi để NKT có cơ hội học nghề và có việc làm.

Thu Hoài

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày