Thứ 5, 14/11/2024, 10:54[GMT+7]

Hưng Nhân Đại vương

Thứ 2, 09/03/2020 | 09:51:44
9,968 lượt xem
Sử cũ ghi: Hưng Nhân Đại Vương tên thật là Phùng Tá Chu (1191 - 1241) quê Hải Ấp, huyện Ngự Thiên (nay thuộc thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà) là quan Thái phó triều Lý, ăn lộc nhà Lý nhưng được nhà Trần trọng dụng.

Miếu Mẽ, Mỹ Xá, thị trấn Hưng Nhân - nơi thờ Hưng Nhân Đại Vương Phùng Tá Chu.

Tư tưởng “Dân vi bản” đã ngấm vào ông ngay từ thuở thiếu thời bởi thân phụ của ông là Phùng Tá Thang một đạo sĩ rất giỏi nho, y, lý, số; giỏi đến nỗi vua Lý đã đặc cách phong thân phụ ông chức “Tả Nhai Đạo Lục”, một chức quan không có trong hệ thống quan lại của triều đình, một chức quan thiên về thần quyền hơn là chính trị và tư tưởng đó đã trỗi dậy mạnh mẽ giúp ông chọn nhà Trần và tâm huyết giúp nhà Trần dựng xây cơ nghiệp…

Được xếp vào hàng những trí thức Long Hưng thế kỷ XIII, Phùng Tá Chu có công xây dựng thanh thế cho họ Trần giúp quá trình chuyển giao quyền lực phong kiến nhà Lý đã đến kỳ suy vong diễn ra nhanh chóng, dựng nên nghiệp đế nhà Trần, Thái phó Lý triều Phùng Tá Chu thấu hiểu nội tình, âm thầm quan sát các thế lực đang lên, trong lúc có nhiều thế lực cũng lăm le nhìn ngó ngai vàng. Bằng sự am hiểu tinh tế Phùng Tá Chu đã nhận ra thế lực nhà Trần không chỉ giàu có ở hương Đa Cương (Hưng Hà nay) mà ngay trong nội triều Lý lúc bấy giờ tuy thế lực còn nhỏ nhưng hội đủ tư chất của một lực lượng cầm quyền. Có lẽ vì vậy mà Phùng Tá Chu đã âm thầm lặng lẽ ủng hộ nhà Trần để mau sớm có một vương triều hùng mạnh cho non sông Đại Việt được thịnh trị.

Nhân kỷ niệm 130 năm ngày thành lập tỉnh, trong chuyến điền dã về làng Đìa, xã Hồng An và làng Mẽ, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà mới đây tìm hiểu về Ngự Thiên một vùng “địa linh, nhân kiệt”, nhóm nghiên cứu chúng tôi được các cụ già cho biết, thời nhà Lê địa danh Ngự Thiên đã được đổi sang Hưng Nhân vì ân sâu nghĩa nặng của Thái úy Phùng Tá Chu với sự nghiệp nhà Trần nói chung và vùng đất Ngự Thiên nói riêng được các bậc vương triều phong kiến ghi nhận sâu sắc. Thị trấn Hưng Nhân bây giờ chính là tước “Hưng Nhân Đại Vương” của Thái úy Phùng Tá Chu được vương triều Trần phong tặng. Sinh thời, Phùng Tá Chu làm đại quan triều Lý trong giai đoạn nhà Lý đang rơi vào suy thoái. Với một vị quan trong bậc “Tam công”, Phùng Tá Chu đã sớm nhận ra cung cách tha hóa của triều đình nhà Lý buông lỏng kỷ cương để kẻ nịnh thần lộng hành, vua bất tài, ăn chơi sa đọa để cuối triều Lý dân chết đói đến ba lần. Phép nước không nghiêm, kẻ có tội đút lót được tha, lòng dân ngày càng oán thán. Triều chính bê trễ, quan lại các vùng, miền thỏa sức hống hách, ăn chặn, cướp bóc hành hạ dân nghèo. Kẻ trung thần ngay thẳng bị diệt, bọn nịnh hót đút lót được tin dùng. Phùng Tá Chu là người khảng khái, quyết đoán, dám bước qua và vượt qua những định kiến của nho giáo mà người sống đương thời với ông không dễ vượt qua “Tôi trung không thờ hai vua”. Theo suy đoán của hậu thế rằng ông đã từng dằn vặt nhưng vì quốc gia đại sự, vì dân nghèo cần đất nước an yên mà ông đã vượt lên chính mình, phụng sự nhà Trần. Các sử gia cho rằng ông đã phò vua giúp nước thì không ăn ở hai lòng, nhưng vua Lý hèn mạt, triều chính lại suy tàn, đồi bại, bê trễ việc chăm dân để muôn dân lâm vào cảnh lầm than, khổ ải, do vậy dù ăn lộc nhà Lý nhưng ông không thể nhắm mắt trước sinh mạng của nhân dân, sự tồn vong của quốc gia dân tộc. Quyết định của ông đã khiến hậu thế phải bàn luận rất nhiều nhưng “con cháu các cụ” đều cho rằng ông là người tài, có tâm và có tầm với đất nước vì sự trường tồn của quốc gia dân tộc sẵn sàng chấp nhận lời chê cười, để hậu thế phán xét đúng sai. Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ biết Phùng Tá Chu là người có tài nên khéo léo lôi kéo ông về phía nhà Trần và nhờ vả ông hiến kế giữ nước, yên dân. Trần Thủ Độ cũng đã nhận ra sự hiểu biết uyên thâm của Phùng Tá Chu và khẳng định Phùng Tá Chu nhân vật đặc biệt của triều Lý, là cái gạch nối giữa lịch sử triều Lý và triều Trần. Sử cũ ghi Hải Ấp (Hưng Nhân, Hưng Hà nay) có một làng mang tên Mỹ Xá, quê hương phát nghiệp họ Phùng. Người khai mở dòng họ Phùng ở Mỹ Xá là Phùng Tá Thang, một trí thức xuất sắc của triều Lý. Phùng Tá Thang là đạo sĩ, sau này tu lập phái Trúc Lâm, quá trình tu hành, ông có dịp gặp Trần Cảnh lúc còn nhỏ ở Hải Ấp, ngắm kỹ dung mạo của Trần Cảnh, ông tiên đoán Trần Cảnh sẽ là bậc quân vương. Vậy là Phùng Tá Thang cùng con trai là Phùng Tá Chu, trọng thần của triều đình nhà Lý đang thời suy vong một lòng hướng về nhà Trần, tích cực giúp nhà Trần gây dựng thanh thế và khi có điều kiện, Phùng Tá Chu đã không tiếc công sức giúp nhà Lý chuyển giao quyền lực cho nhà Trần. Sử cũ cũng chép rằng: Năm 1209, Thái tử Sảm (Lý Huệ Tông) phải chạy loạn Quách Bốc, tạm thời nương nhờ nhà Trần ở Lưu Xá (Canh Tân, Hưng Hà nay), theo kế sách của Phùng Tá Chu, nhà Trần đã gả Trần Thị Dung (con gái Trần Lý) cho Thái tử Sảm và tôn Thái tử Sảm lên ngôi vua, lấy nghĩa chính danh để hiệu lệnh thiên hạ phò vua dẹp loạn và làm đối trọng với gian thần Phạm Du đang hộ giá vua Lý Cao Tông chạy về Quy Hóa Giang vì Lý Cao Tông đã bạc nhược và không còn khả năng trị quốc. Sau khi đưa Trần Thị Dung về kinh đô, Phùng Tá Chu được vua Lý Huệ Tông hết sức sủng ái, giới sử gia cho rằng, Trần Thị Dung đã khéo léo tâu bày với Lý Huệ Tông về Phùng Tá Chu vì ông đã hoàn thành xuất sắc mưu lược, minh chứng cho sự sủng ái đó chính là việc vua Lý Huệ Tông đã phong Chiêu thảo sứ cho Phùng Tá Chu, chính thức đặt nền tảng quan văn nhà Lý cho ông. Năm 1216, Phùng Tá Chu được phong tước Quan Nội hầu.

Vùng đất Ngự Thiên - Long Hưng nơi sinh ra Thái tổ nhà Trần là Trần Thừa, cũng nơi này sinh ra Trần Cảnh sau này lên ngôi hoàng đế tức vua Trần Thái Tông (1225 - 1258). Đến đầu thế kỷ XV, hoàng tử Lê Tư Thành cũng sinh ra tại vùng đất địa linh này mà câu ca vẫn lưu truyền trong dân gian: “Nếu là con mẹ, con cha/Thì sinh ở đất Diên Hà - Thần Khê” và không lâu sau lên ngôi hoàng đế tức vua Lê Thánh Tông, vị vua anh minh của triều Lê. Đầu thế kỷ XVI, tại làng Mỹ Xá, huyện Ngự Thiên lại sinh ra bốn vua nhà hậu Lê là Lê Tương Dực, Lê Chiêu Tông, Lê Cung Hoàng và Lê Trang Tông. Đất Ngự Thiên - Long Hưng cũng là nơi phát tích sinh ra quốc sắc thiên hương như hoàng hậu Đàm An Toàn, Hoàng Thái hậu nhà Trần là Lê Thị Thái, Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung và Hoàng Thái hậu nhà Lê là Phùng Thị Thục Giang.

Ông Phạm Minh Đức, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin
Dưới bàn tay đạo diễn tài ba của Trần Thủ Độ và kịch bản truyền ngôi đầy thuyết phục của Phùng Tá Chu thì vua mạt Lý là Lý Huệ Tông đã nhường ngôi cho con gái là Lý Chiêu Hoàng và nghiễm nhiên Trần Thừa (thân phụ Trần Cảnh) trở thành Phụ quốc Thái úy (Lý Chiêu Hoàng lấy Trần Cảnh và sau đó không lâu thì nhường ngôi cho Trần Cảnh), Trần Thủ Độ trở thành Điện tiền chỉ huy sứ, còn Phùng Tá Chu được phong làm Phụ quốc Thái phó, giúp đỡ việc triều chính. Triều chính nhà Lý đã không còn nghiêng ngả nữa khi Lý Huệ Tông đã trở thành Thái Thượng hoàng.

Ông Vũ Mạnh Quang, nguyên Giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp tỉnh
Phùng Tá Chu được sử sách ghi chép là trọng thần nhà Lý, sinh ra và lớn lên ở Hải Ấp (Hưng Nhân, Hưng Hà), năm Giáp Ngọ (1234) được triều đình phong tước Hưng Nhân vương, năm Bính Thân (1236) được gia phong là Hưng Nhân đại vương và sau này được thờ tại miếu Mẽ, làng Mỹ Xá, huyện Ngự Thiên (nay là khu Mẽ, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà).

Ông Vũ Đức Thơm, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh
Sử thần Ngô Sĩ Liên đã chép trong “Đại Việt sử ký toàn thư” có ý trách Phùng Tá Chu: “Các quan bấy giờ không ai nghĩ đến xã tắc, để cho Phùng Tá Chu viện dẫn Lữ Hậu và Vũ Hậu làm cớ mà thành ra việc Chiêu Hoàng nhường ngôi cho họ Trần, thế là người có tội với họ Lý”. Thế nhưng, việc Phùng Tá Chu cùng nhóm trí thức Long Hưng tiếp sức cho nhà Trần đứng vững đã tránh cho Đại Việt một cuộc nội chiến đang có nguy cơ hiển lộ và sớm chấm dứt nỗi đau khổ của cả dân tộc đã kéo dài hơn nửa thế kỷ dưới ách cai trị của các bậc vua ngu hèn thời mạt Lý.


Quang Viện 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày