Thứ 7, 23/11/2024, 14:10[GMT+7]

Người “Đối thoại với cánh đồng” (Kỳ 3)

Thứ 2, 16/03/2020 | 08:34:17
5,835 lượt xem
Sau những năm tháng thăng trầm, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Giống cây trồng Thái Bình đã cùng cán bộ, nhân viên Công ty tạo ra bước đột phá dựa trên 3 trụ cột: “Trí tuệ - Công nghệ - Quan hệ”.

Phòng thử nghiệm quốc gia mã số Vilas 110 của ThaiBinh Seed.

Kỳ 3: Đột phá từ 3 “trụ cột”

Sau cổ phần hóa, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Thái Bình gặp muôn vàn khó khăn do thiếu nhân lực, cơ sở vật chất nghèo nàn, trình độ quản trị yếu kém, khoa học công nghệ lạc hậu... Trước tình hình đó, ông Báo tất tả ngược xuôi như con thoi để ổn định tổ chức và giúp cán bộ về quản lý. Ông cùng Công ty điều cán bộ có chuyên môn giỏi về làm phó giám đốc, trưởng các phòng, ban nghiệp vụ... Mặt khác, Công ty tổ chức những lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn quản lý cho cán bộ, công nhân. Ông Báo nhớ lại: Có những khóa học chỉ 5 người nhưng Công ty phải chi tới 500 triệu đồng để mời thầy về dạy. Công ty cũng liên kết, hợp tác với nhiều trường đại học, trung tâm nghiên cứu, doanh nghiệp giống cây trồng ở Trung Quốc, ngoài ra còn mở rộng hợp tác với các cơ quan khoa học, doanh nghiệp trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương tổ chức đào tạo nhân lực. Nhờ đó, Công ty đã hoàn thành tái cơ cấu và đào tạo lại nguồn nhân lực với 45% người lao động có trình độ đại học và trên đại học. Đây thực sự là nguồn nhân lực quý, là điều kiện để Công ty tiếp tục phát triển. Ông cũng không quên những ngày Công ty thiếu vốn để kinh doanh. Để đưa Công ty ra khỏi tình trạng đó, ông Báo cùng Công ty đề nghị tỉnh cho tăng vốn điều lệ từ 5 tỷ đồng lên 8 tỷ đồng và được đồng ý. Thời điểm những năm 2005 - 2007, ông Báo cũng bị chỉ trích khi chủ trương hàng năm Công ty trả cổ tức cho các cổ đông 20%. Họ cho rằng ông “bị làm sao” khi ông kinh doanh không đặt lợi nhuận lên hàng đầu. Tuy vậy, với kinh nghiệm kinh doanh, ông trả lời họ bằng kết quả đạt được. Từ năm 2009 đến năm 2013, Công ty có tốc độ phát triển rất nhanh và nằm trong tốp 500 doanh nghiệp có tốc độ phát triển nhanh nhất Việt Nam, cổ tức trong năm đạt 100 - 300% vốn điều lệ. Điều này đã tạo nên sức hút mạnh mẽ với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Ngoài tích cực hợp tác, liên kết trong đào tạo nhân lực, Công ty luôn xác định ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh là phương châm hoạt động và đã đạt được những thành tựu quan trọng. Hàng năm, Công ty đầu tư từ 10 - 15 tỷ đồng để nghiên cứu, khảo nghiệm hàng nghìn giống lúa các loại. Công ty cũng áp dụng các hệ thống như ISO hay TQM để quản lý chất lượng của tất cả các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản và dịch vụ. Bên cạnh nhà máy với hai dây chuyền chế biến hạt giống chất lượng cao theo công nghệ tiên tiến của châu Âu, công suất 30.000 tấn/năm, sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế; một nhà máy chế biến gạo có công suất chế biến 40.000 tấn/năm, Công ty còn là đơn vị đầu tiên trong cả nước có Viện nghiên cứu cây trồng với diện tích 152ha, có phòng thử nghiệm quốc gia mã số VILAS 110 để thử nghiệm chất lượng giống. Giữa năm 2018, Công ty tổ chức trình diễn máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu. Ứng dụng công nghệ này giúp tiết giảm 30% lượng thuốc bảo vệ thực vật và 90% lượng nước. Cũng trong năm 2018, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, ngày 9/7/2018, Công ty đã chính thức ký biên bản bàn giao đưa hệ thống sấy nông sản hiện đại bậc nhất thế giới vào sử dụng. Với hệ thống này, Công ty sẽ tăng khả năng phục vụ thị trường hạt giống, lúa gạo và nâng cao chất lượng sản phẩm của Công ty lên một bước mới.

Công nhân làm việc tại ThaiBinh Seed.

Để phù hợp với xu thế hội nhập, tháng 9/2018 Công ty đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed (ThaiBinh Seed). Dù bộn bề công việc của người đứng đầu Công ty song niềm say mê khoa học, sáng tạo, quyết tâm bứt phá trong ngành giống ở Việt Nam của ông Báo chưa bao giờ giảm. Những năm qua, ông cùng cán bộ Công ty đã nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất thành công nhiều loại giống cây trồng cho năng suất, chất lượng cao. Đến nay, ThaiBinh Seed đã trở thành nhà sản xuất lúa giống chất lượng cao hàng đầu Việt Nam. Các sản phẩm giống lúa (BC15, TBR-1, TBR45, TBR36, TBR225, Đông A1, Thái Xuyên 111...) của Công ty đã có mặt ở khắp các tỉnh, thành phố cả nước. Mỗi năm có khoảng 20.000 tấn lúa giống mang thương hiệu ThaiBinh Seed đến với nông dân. Riêng ở Thái Bình, các loại giống này đang trở thành giống chủ lực, chiếm tới 80% cơ cấu sản xuất của tỉnh. Sản phẩm giống lúa BC15 và TBR225 năng suất cao và chất lượng gạo ngon, mang lại hiệu quả kinh tế cao ít giống lúa nào sánh kịp.

ThaiBinh Seed cũng đã mở rộng quan hệ, liên kết với hơn 60 điểm trong cả nước với diện tích 5.500 - 6.000 ha/năm; mỗi năm tiêu thụ 20.000 - 22.000 tấn sản phẩm cho nông dân, hỗ trợ xây dựng các công trình hạ tầng tại các điểm liên kết. Nhiều hộ nông dân liên kết với Công ty sản xuất giống lúa cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm, mang lại thu nhập cho các đơn vị liên kết từ 50 - 60 tỷ đồng/năm. Với quan điểm “Nông dân được mùa cũng là thành công của doanh nghiệp, nhà nông là người ăn cùng một mâm cơm, đi chung một con thuyền với doanh nghiệp sản xuất lúa giống”, ông Báo cùng ThaiBinh Seed đã xây dựng thành công nhiều mô hình, đưa sản phẩm khoa học, các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, góp phần đem lại những mùa vàng cho người nông dân.

(còn nữa)

Mai Thư