Chủ nhật, 17/11/2024, 11:38[GMT+7]

Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh ứng phó với dịch Covid-19

Thứ 4, 18/03/2020 | 18:28:28
477 lượt xem
Chiều ngày 18/3, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe và cho ý kiến về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19; tình hình triển khai dự án xây dựng Đền thờ Mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Thái Bình và việc huy động, sử dụng các nguồn tài trợ để thực hiện dự án.

Đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp.

Audio: 1803_thoia__thao_go_kho_khan_doanh_nghiep_covid_mixdown.mp3

Đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Dự họp có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành và huyện, thành phố.

Đến nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được 26 ý kiến của doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp FDI do Ban Quản lý khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh tổng hợp) báo cáo về những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 như: thiếu nguyên liệu cho sản xuất ở các ngành dệt may, da giày, cơ khí…, lao động là người nước ngoài chưa thể trở lại làm việc, các loại vật tư phục vụ cho phòng, chống dịch khan hiếm, giá cao… Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép” đó là vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đó là triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ của trung ương đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch Covid-19; tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho một số lĩnh vực, ngành hàng bị ảnh hưởng nhiều do dịch Covid-19 (dệt may, da giày, xuất khẩu…); thúc đẩy phát triển mạnh các ngành, lĩnh vực ít bị chi phối, tác động bởi dịch Covid-19; tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch gắn với bảo đảm an sinh xã hội; tích cực tuyên truyền, động viên các doanh nghiệp khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh. 

Tại cuộc họp, các đại biểu tập trung phản ánh những khó khăn của ngành và địa phương trong thực hiện nhiệm vụ được giao do ảnh hưởng của dịch Covid-19; đồng thời đề xuất, kiến nghị các giải pháp bổ sung nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Phát biểu kết luận, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định việc triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh là việc làm cấp bách trong giai đoạn hiện nay của tỉnh bởi tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp. Đồng chí yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND tỉnh tiếp thu ý kiến của các đại biểu dự họp để hoàn thiện báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy; trong đó phải đánh giá được ảnh hưởng của tình hình của dịch bệnh Covid-19 đến sản xuất kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội; công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch và khắc phục khó khăn phát triển sản xuất kinh doanh; các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. 

Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cũng gợi ý các nhóm giải pháp cần phải triển khai thực hiện trong thời gian tới, đó là: tập trung cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 nhằm giảm tối đa ảnh hưởng của dịch đối với đời sống và sức khỏe của nhân dân; triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp; tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh; thúc đẩy sản xuất đối với các ngành ít chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, trong đó tập trung vào sản xuất nông nghiệp; tập trung tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm của tỉnh, khẩn trương giải ngân cho các dự án có đủ điều kiện; triển khai có hiệu quả nhóm các giải pháp về tài chính, tín dụng ngân hàng và thuế, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp duy trì và phát triển sản xuất; duy trì công tác lao động, việc làm và bảo đảm an sinh xã hội; thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính; làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm ổn định thị trường cung, cầu hàng hóa, giãn hoãn các cuộc thanh tra, kiểm tra không cần thiết; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong công tác phòng, chống dịch.

Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tại cuộc họp.

Tại cuộc họp, lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh cũng báo cáo tình hình triển khai dự án xây dựng Đền thờ Mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Thái Bình và việc huy động, sử dụng các nguồn tài trợ để thực hiện dự án. 

Dự án đầu tư xây dựng công trình Đền thờ Mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Thái Bình được UBND tỉnh phê duyệt ngày 18/2/2020 với tổng mức đầu tư hơn 92 tỷ đồng, trong đó vốn xã hội hóa chiếm khoảng 40%. Dự kiến, tháng 7/2020 sẽ triển khai thi công xây dựng công trình và hoàn thành vào tháng 10/2021. Đến nay, dự án đã huy động xã hội hóa được hơn 5,4 tỷ đồng.  

Về nội dung này, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định đây là công trình có ý nghĩa nhân văn rất to lớn đối với tỉnh, chính vì thế đồng chí thống nhất bổ sung dự án vào kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách tỉnh giai đoạn 2018 - 2020 và giao Sở Tài chính phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu bố trí nguồn vốn để khởi công dự án; giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh lấy ý kiến của các nhà tài trợ, trên cơ sở đó đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy tạm ứng từ nguồn vốn xây dựng công trình tháp Thái Bình để thực hiện dự án; giao UBND thành phố chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao để khởi công xây dựng công trình; đồng thời, giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phát động quyên góp xây dựng công trình Đền thờ Mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Thái Bình trong toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Minh Hương

Ảnh: Thành Tâm