Chủ nhật, 17/11/2024, 11:29[GMT+7]

Xã hội hóa nguồn lực, Đa dạng hóa các hình thức đầu tư: Đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Thứ 2, 23/03/2020 | 09:48:38
6,229 lượt xem
Giai đoạn 2016 - 2020, tổng sản phẩm GRDP bình quân của Thái Bình ước tăng 10,13%, vượt 1,53% mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra, gấp 1,5 lần mức tăng của giai đoạn 2011 - 2015. Một trong những nguyên nhân quan trọng đóng góp vào thành công đó là do tỉnh đã chỉ đạo và thực hiện thành công chủ trương xã hội hóa (XHH) nguồn lực, đa dạng hóa các hình thức đầu tư, thu hút tối đa nguồn lực trong cộng đồng doanh nghiệp và dân cư, từ đó tạo đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Các đồng chí lãnh đạo và các đại biểu cắt băng khánh thành Trường Tiểu học Lý Nam Đế (xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà) - công trình được xây dựng từ nguồn vốn xã hội hóa.

Nhiều dự án, công trình được hình thành
Khu kinh tế Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 với tổng diện tích tự nhiên 30.583ha trên địa bàn 30 xã, 1 thị trấn của hai huyện Thái Thụy, Tiền Hải và phần tiếp giáp ven biển. Sản phẩm quy hoạch Khu kinh tế Thái Bình đã được Tổng công ty IDICO tài trợ mà không kèm theo bất cứ điều kiện gì. Đây là tiền đề quan trọng, là cơ sở pháp lý để tỉnh tiếp tục triển khai quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu chức năng và các dự án đầu tư trong Khu kinh tế, từ đó khai thác tối đa lợi thế trong việc kết nối với các địa bàn lân cận, đưa Thái Bình ngày càng phát triển vững chắc. Không chỉ kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp tài trợ quy hoạch chung, đến nay, UBND tỉnh còn chấp thuận chủ trương tài trợ sản phẩm quy hoạch phân khu của 22 khu chức năng trong Khu kinh tế, trong đó có 18 khu công nghiệp, 2 khu đô thị, du lịch, 1 khu cảng và 1 khu nuôi trồng thủy sản.

Giao thông cũng là một trong những lĩnh vực được tỉnh huy động nhiều nguồn vốn XHH trong thời gian qua. Để giải quyết nhu cầu đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh trong khi nguồn ngân sách nhà nước còn nhiều hạn chế, Thái Bình đã chủ động huy động các nguồn lực và triển khai thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP), từ đó giảm gánh nặng đầu tư công, góp phần tạo nên hệ thống hạ tầng có kết cấu đồng bộ, hiện đại rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn tỉnh có 12 dự án đầu tư được triển khai thực hiện theo hình thức PPP với tổng mức đầu tư gần 17.000 tỷ đồng; trong đó, vốn nhà nước chiếm 60%, vốn chủ sở hữu nhà đầu tư và vốn nhà đầu tư huy động chiếm 40%.

Ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, để phủ kín mạng lưới nước sạch, Thái Bình đã tạo ra được bước đột phá nhờ thực hiện chủ trương XHH nhằm huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp và vốn đối ứng của người dân sử dụng nước sạch trong việc đầu tư các công trình cấp nước sạch nông thôn. Chính vì thế, chỉ sau 4 năm triển khai thực hiện, đến hết năm 2016, hệ thống đường ống cấp nước sạch của 57 dự án đầu tư mới, nâng cấp, mở rộng, chuyển giao từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới trên địa bàn tỉnh đã phủ kín và đủ khả năng cung cấp nước sạch đến các xã. Đến nay, các dự án đầu tư đã cơ bản hoàn thành, đủ khả năng cung cấp nước sạch cho 100% dân số vùng nông thôn của tỉnh, tỷ lệ sử dụng nước sạch nông thôn toàn tỉnh đạt 98% đã góp phần nâng cao sức khỏe, đời sống cho người dân nông thôn và góp phần thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có rất nhiều công trình, dự án thuộc các lĩnh vực như: công nghiệp, rác thải, y tế, thể dục thể thao, du lịch... đã được hoàn thành từ chủ trương XHH, góp phần quan trọng đem lại diện mạo mới và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Chủ động thu hút đầu tư
Không phải ngẫu nhiên mà các tập đoàn, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài chủ động đầu tư vào các dự án trên địa bàn tỉnh. Nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh, gặp mặt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, gặp mặt các doanh nghiệp là con em Thái Bình được tổ chức không chỉ ở trong tỉnh mà còn được thực hiện ở ngoài tỉnh với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã tiếp thêm niềm tin vào tinh thần thực sự cầu thị và chủ trương mời gọi, tạo môi trường thuận lợi cho tất cả các nhà đầu tư là con em quê hương Thái Bình nói riêng, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước nói chung của tỉnh; đồng thời, chủ động tháo gỡ một cách thực chất khó khăn cho các doanh nghiệp, từ đó giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động ổn định và tăng trưởng bền vững. Gần đây nhất, vào sáng ngày 19/3, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức họp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trong đó đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh phải tháo gỡ khó khăn ở cả 3 lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ; khẩn trương tháo gỡ những nút thắt, vướng mắc cho khu vực kinh tế tư nhân để vượt qua giai đoạn khó khăn này; đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm công vụ của các cơ quan, cán bộ công chức, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cắt giảm chi phí thời gian, chi phí vật chất cho các tổ chức và cá nhân, tạo thông thoáng cho các doanh nghiệp.

Cùng với đó, tỉnh cũng ban hành và triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư và phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, bảo đảm theo đúng quy định của Chính phủ và tình hình thực tế của địa phương. Điển hình như: chính sách hỗ trợ đầu tư công trình kết cấu hạ tầng nông thôn mới; cơ chế hỗ trợ xi măng xây dựng công trình kết cấu hạ tầng nông thôn mới; chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tỉnh Thái Bình; chính sách hỗ trợ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh; chính sách khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm; chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn trên địa bàn tỉnh… Các cơ chế, chính sách được ban hành kịp thời đã phát huy tốt hiệu quả, từ đó huy động và thu hút thêm các nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển. Bên cạnh đó, công tác tiếp nhận hồ sơ, tổ chức thẩm định dự án đầu tư, thẩm định hồ sơ đề nghị hỗ trợ cũng được tỉnh chỉ đạo các sở, ngành thực hiện bảo đảm theo đúng quy định; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư.

Công tác cải cách hành chính cũng được tỉnh quan tâm chỉ đạo quyết liệt và triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất về các thủ tục liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Cùng với việc thành lập và đi vào hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo phương án “5 tại chỗ” và bộ phận tiếp nhận, trả kết quả cấp huyện, thành phố, tỉnh còn chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thường xuyên rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính; triệt để ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng quy trình giải quyết các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 theo danh mục quy định của Chính phủ, từ đó tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đến thực hiện giao dịch. Đồng thời, chỉ đạo xây dựng và triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và UBND huyện, thành phố năm 2019, thực hiện công bố trong quý I/2020.

Nhờ triển khai tích cực và có hiệu quả các giải pháp, làn sóng đầu tư vào tỉnh có xu hướng tăng nhanh cả về số lượng và vốn đầu tư đăng ký. Tính đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 1.024 dự án đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 127.500 tỷ đồng (trong đó có 85 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 750 triệu USD), trong đó nhiều nhà đầu tư lớn đầu tư vào Thái Bình như các Tập đoàn Hòa Phát, Trường Hải, Lộc Trời, TH, Vingroup...

Trong tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt gần 260.000 tỷ đồng thì vốn ngân sách nhà nước ngày càng giảm, chỉ chiếm 6 - 7%;

Một số ngành, lĩnh vực thu hút được nhiều nguồn vốn XHH: xây dựng nông thôn mới (vốn XHH đạt 5.315,79 tỷ đồng), nước sạch (vốn XHH đạt hơn 1.000 tỷ đồng), giao thông (vốn XHH đạt hơn 6.700 tỷ đồng)…


Minh Hương