Chủ nhật, 24/11/2024, 03:09[GMT+7]

Hợp tác xã khó tiếp cận nguồn vốn vay phát triển sản xuất

Thứ 2, 23/03/2020 | 10:42:08
3,309 lượt xem
Toàn tỉnh hiện có 447 HTX và 1 liên hiệp HTX hoạt động trên nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng... Dù đã có bước chuyển mình trong thực hiện chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012 song đến nay các HTX vẫn khó tiếp cận vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Nông dân xã Điệp Nông (Hưng Hà) thu hoạch rau.

Năm 2016, HTX SXKD DVNN xã Thụy Việt (Thái Thụy) chuyển đổi sang mô hình HTX kiểu mới theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Kho thóc cũ trước đây giờ là nơi làm việc và kinh doanh của HTX. Không chỉ xuống cấp, trụ sở HTX nằm khuất sâu sau dãy nhà dân nên việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Lợi nhuận cả năm chỉ vài chục triệu đồng, thấp hơn nhiều so với bình quân chung của các HTX trong tỉnh. 

Ông Phạm Văn Nghiệp, Giám đốc HTX cho biết: HTX mới chuyển đổi nên chúng tôi có nhu cầu vay thêm vốn để mở rộng sản xuất do vốn đóng góp của thành viên thấp. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là diện tích đất HTX đang sở hữu không có sổ đỏ để thế chấp.

Nông dân xã Bạch Đằng (Đông Hưng) chăm sóc bí xanh.

Để phát triển kinh tế tập thể, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và UBND tỉnh, các tổ chức tín dụng trên địa bàn chủ động ưu tiên nguồn vốn cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nói chung, HTX nói riêng; đẩy mạnh và đa dạng hóa các hoạt động tín dụng ở nông thôn, đơn giản hóa quy trình thủ tục vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi để người dân sản xuất, các tổ chức kinh tế ở nông thôn tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh. Liên minh Hợp tác xã tỉnh cũng đã tích cực trong việc tìm nguồn hỗ trợ các đơn vị thành viên. Tuy nhiên, các HTX rất khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay. 

Theo báo cáo của Liên minh Hợp tác xã tỉnh, năm 2019, từ nguồn quỹ quốc gia về việc làm từ kênh của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, quỹ hỗ trợ phát triển HTX của Liên minh Hợp tác xã tỉnh, toàn tỉnh chỉ có 2 HTX và 7 hộ thành viên được vay vốn phát triển sản xuất với dư nợ 3,742 tỷ đồng. Nguyên nhân dẫn đến dư nợ cho vay HTX đạt thấp là do hoạt động của các HTX quy mô còn nhỏ, hiệu quả kinh tế thấp, cơ sở vật chất nghèo nàn, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh còn hạn chế... Mặc dù có vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy sản xuất, nâng cao đời sống nông dân nhưng vấn đề tập trung ruộng đất, quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn với những cây, con giá trị kinh tế cao chưa đủ sức thuyết phục để các tổ chức tín dụng đầu tư vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh. Hầu hết các HTX không có tài sản bảo đảm để thế chấp vay ngân hàng; vốn điều lệ thấp; phương án sản xuất, kinh doanh không rõ ràng, không khả thi; trình độ ban quản trị HTX chưa đáp ứng được yêu cầu; khả năng minh bạch tài chính hạn chế nên khó có thể tạo được niềm tin để vay vốn ngân hàng. Trình độ chuyên môn, tư duy, kỹ năng quản lý của cán bộ lãnh đạo nhiều HTX còn hạn chế, chậm thích nghi với cơ chế thị trường do không chủ động cập nhật kiến thức cũng như ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào hoạt động quản lý, điều hành. Ở những HTX này, hầu hết cán bộ quản lý đều đã lớn tuổi, quen với nếp làm việc cũ, quản lý, điều hành HTX trên cơ sở kinh nghiệm, uy tín là chính.

Để tiếp cận nguồn vốn và thụ hưởng các chính sách, bản thân các HTX phải thay đổi chính mình; phải tự cơ cấu lại hoạt động, nâng cao trình độ quản lý, năng lực sản xuất, kinh doanh; lành mạnh hóa tình hình tài chính và xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, hiệu quả...

Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày