Thứ 5, 14/11/2024, 23:42[GMT+7]

Trận quyết chiến Buôn Ma Thuột

Thứ 3, 24/03/2020 | 08:58:23
11,914 lượt xem
Nắm rõ được địa bàn và con người Tây Nguyên, với truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng, nơi đây thực sự là địa bàn chiến lược quan trọng, do đó, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã tăng cường cho Tây Nguyên về quân số, cơ sở vật chất, hậu cần cho cả năm 1975.

Buôn Ma Thuột ngày 11/3/1975. Ảnh tư liệu.

Để bảo đảm bí mật, bất ngờ cho trận quyết chiến Buôn Ma Thuột, Bộ Tư lệnh chiến dịch chỉ đạo các sư đoàn quân binh chủng hợp thành đánh và ém ở Kon Tum. Tuyến đường 19 có Sư đoàn 10; từ Thanh An đến Pleiku có Sư đoàn 320 cùng chính quyền, dân công các huyện 30, 40, 70, 80 rầm rộ đi làm đường, mở đường vào thị xã Kon Tum. Trung đoàn 198, một đơn vị đặc công đánh kho xăng Pleiku bốc cháy đen cả bầu trời. Địch bị đánh lừa hết điều quân xuống giữ Kon Tum rồi lại điều quân giữ Pleiku. Khi quân ta đánh cắt đứt đường 19, địch đã huy động quân giữ bằng được Pleiku và Kon Tum; như vậy, Buôn Ma Thuột chỉ còn sư đoàn bộ binh 23, trung đoàn 53 thiếu 1 tiểu đoàn, liên đoàn biệt động 21, 1 tiểu đoàn thiết giáp, 1 tiểu đoàn pháo binh. Ngày 4/3/1975, Thường vụ Đảng ủy Bộ Tư lệnh chiến dịch đã nhận định: Địch bị điều khiển theo ý đồ của ta và hạ phương án tác chiến. Ta hạ quyết tâm chiến đấu và quyết chiến Buôn Ma Thuột. Quân ta bí mật mở đường các ngả vào Buôn Ma Thuột. Các chiến sĩ Lữ đoàn 7 công binh đêm đêm cưa sẵn 3/4 gốc cây để mở đường cho xe tăng, pháo binh vào trận địa, đi ém địch bí mật, đi không dấu, nấu không khói, sử dụng thành thạo bếp Hoàng Cầm, đi đánh dấu trên từng cây rừng để không bị lạc hướng... Khi Sư đoàn 10 pháo kích vào Kon Tum, Sư đoàn 968 pháo kích vào Pleiku, Trung đoàn 149 của Sư đoàn 316 nhanh chóng ém quân vào phía Nam Buôn Ma Thuột. Trung đoàn 95B cho tiểu đoàn đánh chặn ở bản Đôn. Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 24 chuẩn bị đánh Mê Van. Pháo, hỏa tiễn của ta ém sẵn, sẵn sàng đánh sân bay Hòa Bình, cắt đứt phía địch đổ quân tăng cường cho xuống Buôn Ma Thuột.

Sáng ngày 5/3/1975, Trung đoàn 25 đánh cắt đứt đường 21, ta làm chủ Chư Cúc, phía Đông Buôn Ma Thuột. Trung đoàn 9, Sư đoàn 320 cắt đường 14, đoạn Ia H’Leo. Ngày 8/3/1975, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320 tấn công chi khu quân sự Thuần Mẫn. Trên quốc lộ 14, ngày 9/3/1975, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320 làm chủ Buôn Hồ, cách Buôn Ma Thuột 50km về phía Bắc, Sư đoàn 10 tấn công chi khu Đức Lập, tiêu diệt căn cứ Núi Lửa và căn cứ 53 ngụy.

Các quân binh chủng hợp thành được kiểm tra lần cuối cùng đã sẵn sàng chiến đấu. Sư đoàn 316 vào vị trí tập kết an toàn, Trung đoàn tăng thiết giáp 273 đã chờ lệnh tấn công, pháo mặt đất, trung đoàn 675, pháo binh 40 đang trong giờ chờ lệnh. Pháo phòng không 232, 234 sẵn sàng bắn máy bay địch, hiệp đồng rất nhịp nhàng, bí mật; đồng bào, dân quân du kích Tây Nguyên giúp bộ đội kéo pháo vào trận địa, vui mừng phấn khởi không quản ngại hy sinh gian khổ. Bộ đội đặc công 198 đã vào vị trí chiến đấu, sẵn sàng chờ lệnh.

Tướng Hoàng Minh Thảo, Tư lệnh chiến dịch thấy rõ được yếu tố bất ngờ, bí mật đã quyết định tiến công thị xã Buôn Ma Thuột. 1 giờ 55 phút ngày 10/3/1975, cuộc tiến công vào mục tiêu then chốt Buôn Ma Thuột bắt đầu.

Trung đoàn đặc công 198 đánh vào sân bay ngã 6 khu Mai Hắc Đế, sân bay Hòa Bình mở toang cửa ngõ phía Đông Bắc, Tây Bắc vào Buôn Ma Thuột. Trung đoàn 95B đánh vào ngã 6, Sư đoàn 316 đánh tiêu diệt hàng loạt căn cứ vòng ngoài. Tất cả các đơn vị đều đồng loạt nổ súng, đạn lửa ngút trời. Trung đoàn tăng thiết giáp 273, pháo mặt đất 675, pháo binh 40, pháo phòng không 232, 234 đồng loạt nổ súng tiến công, quân ta chiếm kho pháo binh, thiết giáp, hậu cứ tiểu đoàn 1 trung đoàn 53 ngụy...

5 giờ 30 phút ngày 11/3/1975, các trận địa pháo của ta từ 4 hướng mở đợt tấn công hàng loạt vào sào huyệt của địch. Trung đoàn 95B và đại đội xe tăng của ta từ tiểu khu Đắk Lắk tiến công sang hậu cứ của sư đoàn 23 ngụy. Xe tăng 980 do Đại đội trưởng Đoàn Sinh Hưởng chỉ huy dẫn đường cùng bộ binh đánh vào cổng chính, Bùi Mạnh Hùng, Phạm Hồng Vách cùng bộ đội đột phá vào sở chỉ huy 23. Bộ đội ta ào lên, các đơn vị phối hợp nhịp nhàng, chi viện cho nhau kịp thời, thế tiến công mạnh mẽ, oanh liệt. Hai tiểu đoàn bộ đội địa phương của Đắk Lắk, du kích trong thành Buôn Ma Thuột phát triển vào khu phố truy quét bọn tề điệp ác ôn, bảo vệ an ninh thị xã, phát loa gọi lính nộp vũ khí ra hàng. Trong cơn tuyệt vọng, quân địch dồn hết sức chống đỡ. Hai xe bọc thép M113 liều mạng xông ra chốt chặn trước cổng sở chỉ huy lập tức bị xe tăng của ta bắn cháy. Xe tăng 978 do Nguyễn Tự Chính chỉ huy húc sạt cổng chính rồi xông thẳng vào bên trong mở đường cho bộ binh và xe tăng của ta tấn công. Tiểu đoàn 4 chia làm 2 mũi đánh thẳng vào sở chỉ huy sư đoàn 23 ngụy.

Đến 11 giờ ngày 11/3/1975, các mũi thọc sâu của binh chủng hợp thành của Sư đoàn 10, Trung đoàn 95B, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316 đã hợp quân tại sư đoàn bộ của ngụy. Tổ cắm cờ của Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 24 đã 4 lần truyền nhau lá cờ, người trước ngã, người sau xông lên, cuối cùng 3 chiến sĩ của Đại đội 1, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 24 là Phạm Văn Vi, Đàm Duy Tộ, Nguyễn Văn Thắng đã cắm lá cờ quyết thắng thấm máu của Sư đoàn 10 lên trung tâm chỉ huy sư đoàn 23 ngụy.

Cuộc tiến công vào mục tiêu then chốt Buôn Ma Thuột đã thành công. Đây là trận then chốt lần thứ nhất của chiến dịch, tạo đà cho các trận đánh về sau của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Ngay tối ngày 12/3/1975, Đại tướng Văn Tiến Dũng đại diện Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh gửi điện khen: “Toàn thể cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, đoàn viên, anh chị em công nhân viên đã nêu cao tinh thần quyết thắng, anh dũng, mưu trí, sáng tạo, táo bạo và khẩn trương, dành nhiều thắng lợi to lớn ngay trong những ngày đầu chiến dịch. Cần kịp thời nắm thời cơ thuận lợi giành thắng lợi to lớn  hơn nữa”.

Mở màn chiến dịch, thắng lợi Buôn Ma Thuột là thắng lợi của hiệp đồng binh chủng khoa học, của tinh thần dũng cảm chiến đấu ngoan cường; là thắng lợi của công tác tư tưởng, công tác tổ chức và công tác cán bộ. Thắng lợi Buôn Ma Thuột đã tạo ra thời cơ mới, thúc đẩy nhanh việc tiến công thần tốc, táo bạo, nhanh chóng hoàn thành giải phóng Tây Nguyên, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Để đáp ứng yêu cầu cấp bách, tất yếu khách quan của chiến tranh cách mạng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ra Quyết định số 54/QP-QĐ thành lập Quân đoàn 3 từ các đơn vị chủ lực của Sư đoàn 10, Sư đoàn 320, Sư đoàn mặt trận B3 chuyển thành. Theo Quyết định, ngày 26/3/1975 là ngày Quân đoàn 3 ra đời. Từ đây đánh dấu một chặng đường mới, Quân đoàn 3 cùng các đơn vị tiến công giải phóng Tây Nguyên, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Nhâm Xuân Chúc

(Nguyên Trợ lý Tuyên huấn, Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị Quân đoàn 3)