Thứ 5, 28/11/2024, 16:49[GMT+7]

Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19

Thứ 5, 26/03/2020 | 09:03:32
4,621 lượt xem
Cùng với cả nước, thời gian qua, ngành Nông nghiệp Thái Bình đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động trực tiếp và gián tiếp của bệnh dịch tả lợn châu Phi, dịch cúm gia cầm A/H5N6 và dịch Covid-19, ảnh hưởng tới việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng năm 2020.

Vùng chuyên canh rau xã Trung An (Vũ Thư).

Chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất do dịch bệnh đến thời điểm này có lẽ là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, trong đó có các doanh nghiệp xuất khẩu các loại nông sản và các sản phẩm liên quan đến nông sản. 

Ông Đỗ Duy Bằng, Giám đốc Chi nhánh Công ty Cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam tại Thái Bình cho biết: Những năm trước, thời điểm từ tháng 2 đến tháng 4, chúng tôi xuất sang Lào khoảng 500 tấn ngô giống. Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, ngô thương phẩm của Lào không xuất sang Trung Quốc được nên lượng ngô giống xuất sang Lào rất ít, ước tính thiệt hại kinh tế khoảng 7 tỷ đồng. Không chỉ có Chi nhánh Công ty Cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam tại Thái Bình, một số đơn vị như Công ty Cổ phần Nông thủy sản Đạt Doan (chuyên chiết xuất rutin từ hoa hòe), Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed... cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ.

Đối với ngành chăn nuôi, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng khoảng 5% so với tháng 2, nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất và tăng giá sẽ xảy ra. Trong bối cảnh tổng đàn gia cầm đang ở mức cao nhất từ trước tới nay, đàn trâu, bò đang phát triển, nhu cầu vắc-xin, thuốc thú y, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh rất lớn; theo nhận định của ngành Nông nghiệp, các mặt hàng trên đã và đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt, bị găm hàng, tăng giá do hầu hết nguyên liệu, bao bì, chai lọ, nhãn mác phục vụ các nhà máy sản xuất phụ thuộc vào Trung Quốc.

Trong lĩnh vực thủy sản, giá một số sản phẩm nuôi trồng, khai thác như: tôm, tép moi, sứa giảm đáng kể; một số sản phẩm đầu vào phục vụ nuôi trồng thủy sản như giống cá, hóa chất, chế phẩm nhập từ Trung Quốc có thể thiếu hoặc tăng giá dẫn đến chi phí sản xuất tăng, khó chủ động được mùa vụ...

Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2020 trong điều kiện dịch Covid-19, với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thái Bình tiếp tục chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp; thu hút, kêu gọi, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tập trung xây dựng các mô hình liên kết, quy vùng sản xuất tập trung; chỉ đạo các địa phương hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm các quy định đáp ứng đủ điều kiện, chất lượng xuất khẩu theo chính sách biên mậu của Trung Quốc và yêu cầu của các nước nhập khẩu. Đối với lĩnh vực trồng trọt, tiếp tục chuyển đổi một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác có lợi thế hơn hoặc nuôi trồng thủy sản, phát triển mạnh sản xuất theo hướng hữu cơ, công nghệ cao...

Trong chăn nuôi, các giải pháp được xây dựng và đề xuất thực hiện là tập trung tái đàn gia súc, gia cầm và tái cơ cấu giống vật nuôi, khuyến khích phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi VietGAHP; thúc đẩy liên kết, hợp tác chăn nuôi theo chuỗi giá trị; thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh. Đối với thủy sản, phát triển nuôi trồng theo hướng tăng trưởng cao, bền vững; duy trì và mở rộng diện tích nuôi tôm công nghệ cao, phát triển nuôi cá lồng theo quy hoạch.

Bên cạnh việc xây dựng các giải pháp cho từng lĩnh vực cụ thể, ngành Nông nghiệp cũng đề xuất xây dựng các hiệp hội ngành hàng nông nghiệp giữa các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh và sử dụng sản phẩm nông nghiệp nhằm phối hợp hoạt động để bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên, phấn đấu cho mục đích phát triển bền vững nông nghiệp Thái Bình. Phối hợp với Sở Công Thương và các đơn vị liên quan xây dựng giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới để tiêu thụ nông sản...


Ngân Huyền