Thứ 7, 30/11/2024, 07:52[GMT+7]

Gây quỹ giúp phụ nữ nghèo

Thứ 6, 27/03/2020 | 09:18:58
1,998 lượt xem
Gom phế liệu để bán lấy tiền gây quỹ hoạt động và giúp hội viên khó khăn là cách phụ nữ xã Thụy Bình (Thái Thụy) thực hành tiết kiệm theo gương Bác.

Phụ nữ xã Thụy Bình (Thái Thụy) gom phế liệu bán gây quỹ giúp phụ nữ, trẻ em nghèo.

Gần cuối buổi chiều, chị Bùi Thị Loan, thôn Trà Hồi, xã Thụy Bình tất tả đạp xe ra nhà văn hóa thôn mang theo những “chiến lợi phẩm” gom được: bìa các-tông, vỏ lon bia, nước ngọt. Chị cho biết: Gom phế liệu giờ đã thành thói quen của chúng tôi. Những vật tưởng đã vứt đi nhưng với chúng tôi lại có ích lắm đấy! Chị Bùi Thị Thanh Huyền, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Thụy Bình lý giải thêm: Có ích bởi nó đem lại thu nhập, dù rất nhỏ, nhưng quan trọng hơn việc gom phế liệu còn có tác dụng làm sạch môi trường và giáo dục ý thức tiết kiệm cho chị em.

Để nâng cao ý thức trách nhiệm của hội viên, phụ nữ, người dân trong việc bảo vệ môi trường đồng thời gây quỹ giúp phụ nữ, trẻ em khó khăn, đầu năm 2019, Hội LHPN xã Thụy Bình đã thành lập mô hình thu gom phế liệu gây quỹ giúp phụ nữ nghèo. Đến nay, 100% hội viên, phụ nữ trong xã đã tham gia mô hình. Các chị được quán triệt ngay từ khâu ban đầu tại các gia đình, đối với rác thải không thể phân hủy được nhưng có thể bán gây quỹ, chị em thu gom riêng. Từ số phế liệu này, các chị gom và tập kết tại địa điểm quy định sẵn. Khoảng 3 tháng/lần sẽ tổ chức phân loại, bán số phế liệu trên để gây quỹ trao quà cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Trong năm vừa qua, các chị đã gom được hơn 1 tấn phế liệu, bán gây quỹ được hơn 5 triệu đồng để tặng con giống, trao quà cho phụ nữ và trẻ em nghèo. Theo chị Bùi Thị Thanh Huyền, số tiền đó không nhiều nhưng lại có ý nghĩa lớn đối với chị em có hoàn cảnh khó khăn. Chị Bùi Thị Thêu, phụ nữ nghèo thôn Trà Hồi cho biết: Hầu như năm nào tôi cũng được nhận quà của Hội LHPN xã. Năm vừa qua tôi được nhận thêm 1 đàn gà giống được mua bằng số tiền các chị em bán phế liệu. Đây là động lực để tôi vươn lên trong cuộc sống; đồng thời, cùng các thành viên trong gia đình phân loại rác thải, thu gom phế liệu chung tay với mọi người bảo vệ môi trường, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn khác.

Nhanh tay phân loại phế liệu, chị Phạm Thị Điểm, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Hạ Tập cho biết: Toàn bộ số phế liệu này được chị em góp nhặt từ tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đến nay. Nguồn gốc của số phế liệu này một phần trong các gia đình sau khi sử dụng, từ đám cưới, đám giỗ hay lễ lạt, thậm chí chị em đi thu gom tại các cánh đồng, đường làng... Tuy không quy định mỗi tháng mỗi hội viên phải được bao nhiêu cân bởi đây là hoạt động tự nguyện nhằm gây quỹ và giúp đỡ hội viên khó khăn nhưng các chị rất tự giác. Chị Điểm cho biết thêm: Ban đầu, lượng phế liệu thu được còn ít, các tháng sau chúng tôi gom được nhiều hơn. Gia đình nào cũng có túi nilon, chai lọ đựng nước mắm, nước rửa bát hay cái ấm nhôm hỏng, ốc vít long... Tham gia phong trào, chúng tôi đã thực sự học được cách tiết kiệm, đúng như lời răn của người xưa: Năng nhặt chặt bị. Không chỉ trong nhà, ngoài đường sạch sẽ, ngoài đồng bây giờ cũng chẳng còn những chai lọ, túi đựng thuốc trừ sâu vứt bừa bãi như trước kia bởi chúng đã được chị em “quét” sạch rồi.

Chia sẻ về tính bền vững của mô hình, chị Bùi Thị Thanh Huyền cho biết: Mô hình thu gom phế liệu gây quỹ giúp đỡ phụ nữ, trẻ em khó khăn đã đem lại hiệu quả thiết thực và được hưởng ứng tích cực bởi nó rất phù hợp với thực tế địa phương, lại đơn giản, mọi người đều có thể thực hiện. Điều đáng ghi nhận là từ phong trào đã lồng ghép việc thực hành tiết kiệm với các hoạt động xã hội, từ thiện, giúp đỡ, tạo sợi dây gắn bó mật thiết giữa các hội viên phụ nữ.  

Xuân Phương

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày