Thứ 6, 15/11/2024, 08:46[GMT+7]

Công bố 6 Luật, Bộ luật có hiệu lực năm 2013

Thứ 2, 16/07/2012 | 16:21:26
1,379 lượt xem
Sáng 16/7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 6 Luật, Bộ luật được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3, thông qua: Luật Bảo hiểm tiền gửi, Luật Phòng, chống rửa tiền, Luật Giáo dục đại học, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ luật Lao động (sửa đổi) và Luật Công đoàn.

Từ ngày 1/5/2013 lao động nữ được nghỉ thai sản tối đa 6 tháng theo Bộ luật Lao động sửa đổi

Thúc đẩy bình đẳng giới

So với Bộ luật Lao động hiện hành, kết cấu của bộ Luật Lao động (sửa đổi) có 17 Chương và 1.242 Điều (tăng 23 điều).

Một số điểm mới đáng chú ý của Bộ luật này là quy định riêng đối với lao động nữ nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong tuyển dụng, sử dụng, đào tạo thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, tiền lương và các chế độ khác; và tăng thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ lên 6 tháng, tuy nhiên, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 4 tháng.

Về tuổi đời hưởng lương hưu, Bộ luật Lao động quy định nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi; tuy nhiên, người lao động có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn hoặc cao hơn không quá 5 năm theo quy định của Chính phủ.

Thời giờ làm thêm tối đa của người lao động được giữ như hiện hành là không quá 200 giờ trong một năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong một năm. Ngoài ra Bộ luật Lao động cũng quy định tăng số ngày nghỉ Tết Âm lịch lên 5 ngày.

Về hợp đồng lao động, Bộ luật Lao động (sửa đổi) quy định cụ thể hơn về việc chấm dứt hợp đồng lao động, trách nhiệm của các bên khi thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp động lao động và trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.

Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/5/2013. Khi Luật này có hiệu lực thì quy định về thời gian hưởng chế độ khi sinh con tại Luật bảo hiểm xã hội số 71/2006/QH11 được thực hiện theo quy định của Bộ luật này.

Góp phần minh bạch hóa nền tài chính quốc gia

Luật Phòng, chống rửa tiền, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013, là bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động phòng chống rửa tiền ở Việt Nam, góp phần minh bạch hóa nền tài chính quốc gia. Đồng thời việc ban hành Luật Phòng, chống rửa tiền 2012 cũng là hành động thực hiện cam kết của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế trong việc đấu tranh chống hoạt động rửa tiền.

Về tổng thể, cơ chế phòng, chống rửa tiền theo Luật phòng chống rửa tiền 2012 được thực hiện chủ yếu thông qua việc thiết lập một cơ chế thu thập, xử lý các thông tin về nhận dạng khách hàng, thông tin về giao dịch bất thường, giao dịch có giá trị lớn để xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất, sàng lọc, xác định các giao dịch có nguy cơ liên quan đến hành vi rửa tiền được thực hiện thông qua các giao dịch tại các tổ chức tài chính, các tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan.

Luật Phòng, chống rửa tiền có 5 Chương, 50 Điều, được xây dựng theo hướng quy định, chi tiết cụ thể, số lượng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật không nhiều.

Theo quy định của Luật, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành quyết định về mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo; bổ sung các dấu hiệu đáng ngờ khi cần thiết. Ngân hàng Nhà nước được giao ban hành Thông tư hướng dẫn về việc áp dụng các biện pháp tăng cường đối với khách hàng, giao dịch có mức độ rủi ro cao; quy định về mẫu báo cáo giao dịch đáng ngờ, hình thức báo cáo; quy định về mức giá trị của giao dịch chuyển tiền điện tử phải báo cáo.

Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đã, đang tiến hành nghiên cứu soạn thảo các văn bản nêu trên trình Thủ tướng ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền để bảo đảm các văn bản hướng dẫn cần thiết được ban hành đồng bộ khi Luật Phòng, chống rửa tiền có hiệu lực thi hành.

Luật Công đoàn (sửa đổi) gồm 6 Chương, 33 Điều, tăng 2 Chương và 14 điều so với Luật hiện hành. Luật đã thiết lập một số điều khoản mới, chủ yếu liên quan đến việc quy định rõ thêm trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan nhà nước, đơn vị, doanh nghiệp, những bảo đảm cho Công đoàn hoạt động và cơ chế giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm pháp luật về công đoàn. Một nội dung quan trọng của Luật là xác định rõ địa vị pháp lý của Công đoàn, tạo cơ sở cho việc quy định cụ thể các quyền và trách nhiệm theo lĩnh vực hoạt động của Công đoàn, tạo hành lang pháp lý cho Công đoàn thực hiện tốt các chức năng luật định.

Gồm 5 Chương, 35 Điều, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, biện pháp kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá và điều kiện bảo đảm để phòng, chống tác hại của thuốc lá. Luật sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá hiện nay, đáp ứng yêu cầu nội luật hóa Công ước khung về kiểm soát thuốc lá, góp phần hạn chế bệnh tật, cứu sống tính mạng người dân và nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Luật bảo hiểm tiền gửi có 7 Chương, 39 Điều được ban hành nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng. Luật này đã đạt một bước tiến trong việc xác định rõ Ngân hàng Nhà nước là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi. Để khắc phục những hạn chế trong quy định về chủ thể được bảo hiểm tiền gửi, Luật quy định chỉ bảo hiểm tiền gửi của người gửi tiền là cá nhân mà không bảo hiểm tiền gửi của hộ gia đình tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh.

Luật giáo dục đại học gồm 12 Chương, 73 điều quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ sở giáo dục đại học, hoạt động đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, hoạt động hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học, giảng viên, người học, tài chính, tài sản của cơ sở giáo dục đại học và quản lý nhà nước về giáo dục đại học. Luật quy định 4 vấn đề mới cơ bản gồm: Phân tầng đại học, xã hội hóa giáo dục đại học, quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học và kiểm soát chất lượng đào tạo. 

Theo chinhphu

  • Từ khóa