Thứ 2, 18/11/2024, 07:18[GMT+7]

Vừa “phòng thủ” chống dịch Covid-19, vừa “tấn công” trên mặt trận kinh tế

Thứ 5, 02/07/2020 | 20:34:21
4,528 lượt xem
Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến phiên họp Chính phủ với các địa phương tháng 6/2020 để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương tại điểm cầu tỉnh Thái Bình.

Audio: 0207_hoi_nghi_truc_tuyen_mixdown.mp3

Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ dự hội nghị.

Dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình có các đồng chí: Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đàm Văn Vượng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực phụ trách hoạt động của HĐND tỉnh; Phạm Văn Tuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành, huyện, thành phố.

6 tháng đầu năm 2020, trong bối cảnh bị tác động bởi dịch Covid-19 và tình hình kinh tế thế giới tăng trưởng âm nhưng nước ta vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương và là một trong số ít quốc gia có mức tăng trưởng dương với mức tăng GDP đạt 1,81%. Mặc dù tăng trưởng thấp nhưng nước ta đã duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm yếu tố quyết định để phục hồi và phát triển sau khi kết thúc dịch. 6 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng có xu hướng giảm, bình quân tăng 4,19%; cân đối thu, chi ngân sách được bảo đảm với tổng thu cân đối ngân sách nhà nước bằng 43,9% dự toán, tổng chi cân đối ngân sách nhà nước bằng 41,8% dự toán; tổng huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2019; giải ngân vốn đầu tư công đạt 33,1% kế hoạch; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt gần 2,4 triệu tỷ đồng; các hoạt động văn hóa - xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân được bảo đảm; các gói hỗ trợ an sinh xã hội theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ được triển khai tích cực.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng nghe các báo cáo: tình hình thực hiện Nghị quyết số 02 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 6 tháng đầu năm; công tác cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử và tình hình thực hiện nhiệm vụ, một số vướng mắc trong thực hiện chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tình hình triển khai gói an sinh xã hội và triển khai chính sách xã hội 6 tháng cuối năm; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những ý kiến phát biểu tại hội nghị với đầy tâm huyết, trách nhiệm, nhiều sáng kiến, định hướng quan trọng giúp Chính phủ có những giải pháp điều hành kịp thời trong những tháng cuối năm; đồng thời, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp để hoàn thiện nghị quyết hội nghị trên tinh thần tập trung làm ngay những việc cấp bách, hành động, hành động hơn nữa, chống trì trệ, nâng cao trách nhiệm hơn nữa, tận dụng mọi cơ hội để sớm phục hồi nền kinh tế. Thủ tướng cũng đánh giá cao sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, địa phương và cả hệ thống chính trị để kiểm soát tốt dịch Covid-19 cũng như thực hiện các giải pháp phù hợp trong phục hồi nền kinh tế. Từ nay đến cuối năm được nhận định là sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức do dịch Covid-19 trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, do đó để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhất, các bộ, ngành, địa phương phải vừa phòng thủ, chống dịch Covid-19, vừa tấn công trên mặt trận kinh tế; phối hợp chặt chẽ, hoạt động có hiệu quả và có biện pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn trong hoạt động; thành lập ban chỉ đạo và tổ công tác để thường xuyên rà soát, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhất là trong lĩnh vực đầu tư công, thể chế, chính sách; rà soát các giải pháp, phương án cụ thể, phù hợp, kiên quyết không để dịch bệnh bùng phát trở lại; có các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế, trong đó ưu tiên các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm việc làm, thu nhập cho nhân dân; điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ chủ động hơn, linh động hơn, hiệu quả hơn để kích thích tổng cầu, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát nhằm củng cố niềm tin cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài; kiểm soát giá, kiềm chế lạm phát; hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế; có cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp kích thích mạnh mẽ những động lực chủ yếu trong tăng trưởng kinh tế như đầu tư công, tiêu dùng, các mô hình kinh doanh mới, kích cầu du lịch nội địa; có quyết sách mạnh mẽ nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, chú trọng các chính sách bảo đảm an sinh xã hội; quan tâm thực hiện công tác cải cách hành chính nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết dứt điểm các khiếu nại, tố cáo của công dân, tránh để khiếu kiện vượt cấp, kéo dài gây mất ổn định chính trị; tổ chức tốt đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ngành Ngân hàng tiếp tục thực hiện các giải  pháp hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với khách hàng, nghiên cứu các chương trình cho vay hỗ trợ ổn định kinh doanh khẩn cấp đối với các doanh nghiệp lớn chịu nhiều thiệt hại của dịch Covid-19. Đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng yêu cầu cả hệ thống chính trị cần phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng y tế, quân đội, công an và các địa phương; làm tốt công tác khen thưởng trong phòng, chống dịch; tuyên truyền, thông tin kịp thời về tình hình dịch. Về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ giải ngân; đồng thời, yêu cầu Chính phủ thành lập tổ công tác kiểm tra ở một số địa phương, đơn vị, xem xét tiến độ thực hiện giải ngân, trên cơ sở đó kiến nghị điều chuyển nguồn vốn giữa các bộ, ngành, địa phương cho phù hợp với tình hình thực tế.

Minh Hương

Ảnh: Thành Tâm