Thứ 6, 15/11/2024, 05:33[GMT+7]

Ban Thường vụ Tỉnh ủy kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 (Khóa XI)

Thứ 3, 04/09/2012 | 16:09:26
2,163 lượt xem
Sáng 4/9, tại Hội trường Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Quynh, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức T.Ư; đại biểu Văn phòng và các ban Đảng T.Ư. Về phía tỉnh có các đồng chí: Trần Cẩm Tú, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Hồng Diên, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Văn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” có tầm quan trọng đặc biệt nhằm xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu, khâu mấu chốt nhất mà Nghị quyết đề cập là tiến hành đợt sinh hoạt chính trị tự phê bình và phê bình trong toàn Đảng với nội dung và cách làm mới: chỉ tập trung vào ba vấn đề cấp bách, có sự tham gia đóng góp ý kiến của các cấp ủy đảng trực thuộc, của các đồng chí nguyên ủy viên cấp ủy, nguyên thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cùng cấp; tập thể cấp trên và người đứng đầu kiểm điểm trước, nêu gương cho cấp dưới.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình phải chân thành, thẳng thắn, thực sự phát huy dân chủ, đoàn kết và xây dựng, dựa trên nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; đánh giá đúng kết quả đạt được và tập trung chủ yếu vào những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm, nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm của tập thể Ban Thường vụ để xảy ra vi phạm, khuyết điểm, yếu kém, nhất là những khuyết điểm, yếu kém kéo dài, chậm được khắc phục, vẫn tồn tại đến nay.

Đồng thời phải tránh cả hai khuynh hướng: chỉ thấy thành tích, né tránh khuyết điểm hoặc chỉ thấy yếu kém, khuyết điểm đã qua của tập thể lãnh đạo các khóa trước, không thấy rõ trách nhiệm của tập thể khóa hiện nay. Kiểm điểm tự phê bình và phê bình không có mục đích nào khác là nhằm rút ra bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục kịp thời, có hiệu quả những hạn chế, yếu kém và các nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy đoàn kết, thống nhất cao hơn, thực sự tiền phong, gương mẫu về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới.

Đồng chí đề nghị tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy và từng đồng chí ủy viên nêu cao ý thức trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, chấp hành nghiêm túc sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, với tinh thần đoàn kết, dân chủ, thẳng thắn, khách quan và xây dựng, tập trung kiểm điểm tự phê bình và phê bình nghiêm túc, đạt hiệu quả cao, đáp lại sự kỳ vọng, mong đợi của Tỉnh ủy và các cấp ủy, tổ chức đảng, của các ban, ngành, đoàn thể và của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Tin: MINH SƠN

Ảnh: THÀNH TÂM

  • Từ khóa