Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận lỗi trước Quốc hội
Thủ tướng nói: “Trong những ngày qua, Ban cán sự đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban cán sự đảng các bộ và từng thành viên Chính phủ đã nghiêm túc kiểm điểm tự phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Tập thể Ban cán sự đảng và mỗi đồng chí chúng tôi đã thành khẩn nhìn nhận những yếu kém, khuyết điểm và chân thành cầu thị rút ra những bài học thấm thía, sâu sắc nhất trong thực thi chức trách nhiệm vụ được giao và trong cả quá trình hoạt động cách mạng của mình.”
Thủ tướng nói: “Với trọng trách là Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, tôi nghiêm túc nhận trách nhiệm chính trị lớn của người đứng đầu Chính phủ và xin thành thật nhận lỗi trước Quốc hội, trước toàn Đảng, toàn dân về tất cả những yếu kém, khuyết điểm của Chính phủ trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, nhất là những yếu kém, khuyết điểm trong kiểm tra, giám sát hoạt động của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; một số tập đoàn, tổng công ty, điển hình là Vinashin, Vinalines, sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, có nhiều sai phạm, gây tổn thất và hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt, ảnh hưởng lớn đến uy tín và vai trò của kinh tế nhà nước”.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, từng thành viên Chính phủ sẽ nghiêm túc nghiêm khắc với mình, đoàn kết nhất trí, hết lòng hết sức làm việc, đề cao trách nhiệm, nỗ lực cao nhất để khắc phục những yếu kém khuyết điểm, phấn đấu thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ được giao, hành động quyết liệt, tất cả vì Tổ quốc vì nhân dân, vì Đảng, vì chế độ, vì sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước.
Quý bốn phải đạt mức tăng trưởng 6,5%
Báo cáo của Chính phủ về “Tình hình kinh tế, xã hội năm 2012 và nhiệm vụ năm 2013” do Thủ tướng trình bày cho thấy, lạm phát bước đầu được kiềm chế, giá tiêu dùng 9 tháng tăng 5,13%. Trong những tháng cuối năm sẽ thực hiện các biện pháp để giữ mức lạm phát cả năm khoảng 8%.
So với đầu năm, lãi suất cho vay đã giảm. Tỷ lệ tín dụng cho khu vực nông nghiệp và nông thôn tăng. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng có bước cải thiện. Huy động tiền gửi tăng 12,7%. Tỷ giá ổn định, niềm tin vào đồng tiền Việt Nam được củng cố, khắc phục một bước tình trạng sử dụng ngoại tệ, vàng để làm phương tiện thanh toán ở trong nước. Xuất khẩu tăng 18,9%, đạt 83,79 tỷ USD, nhập khẩu tăng 6,6%, đạt 83,76 tỷ USD. Ước xuất khẩu cả năm tăng 16,6%, nhập khẩu tăng 6,8%, nhập siêu khoảng 1 tỷ USD, bằng 0,9% kim ngạch xuất khẩu. Dự trữ ngoại hối tăng, đạt trên 11 tuần nhập khẩu; cán cân thanh toán quốc tế thặng dư trên 8 tỷ USD.
Thu ngân sách đạt 67,3%, chi ngân sách đạt 71,2% dự toán. Với tín hiệu tích cực của những tháng cuối năm, ước thu ngân sách cả năm đạt kế hoạch, bảo đảm được các nhiệm vụ chi và giữ bội chi ngân sách ở mức 4,8% GDP, đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra.
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước bằng 29,5% GDP (năm 2011 là 34,6%). Nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn được thực hiện, tình hình sản xuất kinh doanh dần được cải thiện. Hàng tồn kho giảm, tháng 3 là 34,9%, đến tháng 9 còn 20,4%. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể giảm dần tuy vẫn còn cao so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp đăng ký mới tăng nhưng vẫn thấp hơn năm trước. Tính đến ngày 20-9, cả nước có 51 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, 40 nghìn doanh nghiệp giải thể hoặc dừng hoạt động.
Sản xuất công nghiệp tăng dần qua từng quý. Chỉ số sản xuất công nghiệp chín tháng tăng 4,8%, ước cả năm tăng 5,3%. Công nghiệp khai khoáng và các ngành sản xuất gây ô nhiễm, tiêu tốn năng lượng tăng thấp hơn mức bình quân. Nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài áp dụng công nghệ cao có xuất khẩu tăng mạnh.
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục phát triển, giữ vai trò rất quan trọng trong ổn định kinh tế và đời sống nông thôn. Giá trị sản xuất toàn ngành chín tháng tăng 3,7%, ước cả năm đạt khoảng 3,9%. Sản lượng lúa cả năm ước đạt trên 43 triệu tấn, tăng khoảng 1 triệu tấn so với năm 2011, xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn gạo, đều là mức cao nhất so với các năm trước. Nuôi trồng thủy sản tăng khá, ước cả năm xuất khẩu đạt 6,5 tỷ USD trong tổng số 26,5 tỷ xuất khẩu của toàn ngành (năm 2011 là 25 tỷ).
Khu vực dịch vụ tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng tăng 17,3%, nếu loại trừ yếu tố giá cũng tăng 6,7%, ước cả năm tăng 18%. Doanh thu du lịch ước cả năm tăng trên 15%, số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng trên 8%. Khối lượng vận chuyển hành khách tăng 12,1%, ước cả năm tăng 13%; bưu chính, viễn thông tiếp tục phát triển mạnh.
Tăng trưởng kinh tế chín tháng đạt 4,73%, ước cả năm đạt khoảng 5,2%, thấp hơn kế hoạch nhưng quý sau cao hơn quý trước, lạm phát được kiềm chế, kinh tế vĩ mô ổn định hơn là những dấu hiệu tích cực để phát triển bền vững trong thời gian tới.
Tuy nhiên, báo cáo của Thủ tướng cũng cho biết, còn năm chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch, trong đó chỉ tiêu tăng trưởng GDP thấp hơn kế hoạch, chỉ tiêu tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP không đạt (29,5% so với 33,5%) kéo theo hai chỉ tiêu giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt thấp. Năm 2012 diện tích rừng tăng thêm vẫn đạt mức đề ra, nhưng chỉ tiêu tỷ lệ che phủ rừng không đạt kế hoạch do có sự điều chỉnh số liệu gốc so sánh năm 2011.
Khó khăn của nền kinh tế vẫn còn lớn, hạn chế, yếu kém còn nhiều. Các nhiệm vụ trung hạn nhằm tạo lập nền tảng cho ổn định vĩ mô và tăng trưởng bền vững mới ở giai đoạn khởi động, thách thức còn ở phía trước. Trong khi đó, nhiệm vụ còn lại của những tháng cuối năm là rất nặng nề.
Để đạt được mục tiêu tăng GDP cả năm 5,2% thì quý bốn phải đạt mức tăng 6,5% (trong khi mức tăng quý ba chỉ là 5,35%) đòi hỏi cả hệ thống chính trị, các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp phải nỗ lực thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao trở lại, tích cực chuẩn bị các điều kiện cho tăng trưởng cao hơn trong năm 2013.
Thực hiện chỉ tiêu trong bối cảnh khó khăn
Báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013 do Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày cho biết, việc thực hiện Nghị quyết Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 đặt trong bối cảnh hết sức khó khăn.
Theo báo cáo thẩm tra, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý sau tăng cao hơn quý trước, nhưng ước cả năm chỉ đạt khoảng 5%-5,2%, thấp hơn chỉ tiêu theo Nghị quyết Quốc hội (là 6 đến 6,5%). Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có tốc độ tăng thấp trong năm tháng đầu năm 2012, tăng âm trong hai tháng 6 và 7, tăng dương trở lại trong tháng 8 (0,63%) và tháng 9 tăng mạnh (2,2%), ước cả năm tăng khoảng 8%, trong giới hạn chỉ tiêu theo Nghị quyết Quốc hội. Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước cả năm ước đạt 741,5 nghìn tỷ đồng, bằng 100,1% dự toán, bội chi ngân sách bằng 4,8% GDP đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết Quốc hội.
Kim ngạch xuất khẩu ước cả năm 113 tỷ USD, tăng 16,6% so với năm 2011, vượt chỉ tiêu theo Nghị quyết Quốc hội. Tổng kim ngạch nhập khẩu ước cả năm 114 tỷ đô-la Mỹ, tăng 6,8% so với năm 2011. Chín tháng đầu năm xuất siêu 34 triệu USD đã đưa cán cân thanh toán tổng thể thặng dư trên 8 tỷ USD, góp phần tăng dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ, ước cả năm chỉ nhập siêu khoảng 1% so với kim ngạch xuất khẩu thấp hơn nhiều theo Nghị quyết Quốc hội.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, dự kiến năm nay có 10/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch theo Nghị quyết Quốc hội. Kết quả này được hầu hết các thành viên Ủy ban Kinh tế cho rằng đây là sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Tuy nhiên, một số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cho rằng, tâm lý và niềm tin của thị trường vẫn chưa bền vững, khó khăn có thể kéo dài sang năm tới. Một số ý kiến nhận xét, Báo cáo của Chính phủ đánh giá chưa sát với tình hình, một số số liệu còn có độ vênh so với thực tế, chưa phản ánh hết mức độ khó khăn của đời sống xã hội và nền kinh tế, đặc biệt là khó khăn của doanh nghiệp.
Nguyên nhân của những khó khăn, hạn chế phân tích trong Báo cáo chủ yếu do khách quan, chưa nêu bật những nguyên nhân chủ quan từ điều hành. Năm chỉ tiêu không đạt theo Nghị quyết Quốc hội đều là những chỉ tiêu quan trọng, phản ánh tính bền vững của nền kinh tế trong trung và dài hạn.
Năm 2013, phấn đấu tăng trưởng 5,5%
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trên cơ sở kết quả thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2012, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét xác định mục tiêu tổng quát của năm 2013 là: Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012. Đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tăng cường quốc phòng, an ninh và bảo đảm ổn định chính trị - xã hội. Tạo nền tảng phát triển vững chắc hơn cho những năm tiếp theo.
Các chỉ tiêu kinh tế: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 5,5%. Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%. Tỷ lệ nhập siêu khoảng 8%. Bội chi ngân sách nhà nước không quá 4,8% GDP. Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 8%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 30% GDP.
Các chỉ tiêu xã hội: Giảm 2% tỷ lệ hộ nghèo cả nước, 4% đối với các huyện nghèo. Tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 49%. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm xuống dưới 16%. Đạt 22 giường bệnh trên 1 vạn dân (không tính giường trạm y tế xã).
Các chỉ tiêu môi trường: 84% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý; 75% khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 40,7%.
Hầu hết các thành viên Ủy ban Kinh tế nhất trí về dự báo tình hình, mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu kinh tế, xã hội, môi trường và các giải pháp chủ yếu nêu trong Báo cáo Chính phủ. Ủy ban Kinh tế cho rằng, xu hướng khó khăn của nền kinh tế nước ta sẽ còn kéo dài trong năm 2013. Do vậy, cần đánh giá khách quan, toàn diện các yếu tố khi xây dựng các chỉ tiêu, đồng thời sử dụng hiệu quả nguồn lực cho cả mục tiêu trung và dài hạn. Năm 2013 cần tiếp tục kiềm chế lạm phát, tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô tạo lòng tin thị trường và xã hội, duy trì mức tăng trưởng hợp lý, đẩy mạnh ba đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tăng cường quốc phòng, an ninh và bảo đảm ổn định chính trị - xã hội.
Nhiều ý kiến cho rằng, nhiệm vụ đặt ra trong năm 2013 tạo dựng được nền tảng ổn định vĩ mô vững chắc, triển khai mạnh mẽ tái cơ cấu nền kinh tế. Ủy ban Kinh tế nhận thấy, năm 2013 là năm bản lề của Kế hoạch 5 năm 2011-2015, cần bắt đầu từ thay đổi tư duy làm quy hoạch, kế hoạch, phân bổ nguồn lực; công khai, minh bạch thông tin điều hành, tính chính xác số liệu để làm căn cứ tin cậy cho việc ra quyết định. Điều này sẽ có ý nghĩa quyết định trong việc xây dựng các giải pháp, chính sách phù hợp với tình hình mới.
Các thành viên Ủy ban Kinh tế thảo luận và tán thành nhiều chỉ tiêu chung, nhưng cũng có một số ý kiến khác về từng chỉ tiêu cụ thể.
Theo nhandan
Tin cùng chuyên mục
- Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8: Quốc hội thảo luận về các dự án luật 23.10.2024 | 16:17 PM
- Khẩn trương đưa các nghị quyết của HĐND tỉnh vào cuộc sống 29.08.2024 | 20:06 PM
- Cử hành trọng thể Lễ truy điệu và an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng 26.07.2024 | 18:24 PM
- Kỳ họp thứ 7: Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án luật, nghị quyết 28.06.2024 | 16:09 PM
- Đồng chí Trần Thanh Mẫn được bầu làm Chủ tịch Quốc hội 20.05.2024 | 16:33 PM
- Ngày làm việc thứ nhất Hội nghị Trung ương 9 khóa XIII 16.05.2024 | 19:58 PM
- Kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra vào chiều 2/5 01.05.2024 | 13:48 PM
- Xã luậnViết tiếp trang sử vàng của Đảng 03.02.2024 | 07:38 AM
- Triển khai quyết định bổ nhiệm Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh 22.01.2024 | 12:00 PM
- Đồng chí Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và viếng các anh hùng liệt sĩ 01.12.2023 | 18:32 PM
Xem tin theo ngày
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng