Thứ 6, 15/11/2024, 05:01[GMT+7]

Ngày làm việc thứ tư, kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII Thảo luận những nội dung còn ý kiến khác nhau của hai dự thảo luật

Thứ 6, 26/10/2012 | 13:47:31
859 lượt xem
Hôm qua 25-10, trong ngày làm việc thứ tư, kỳ họp thứ tư, tại hội trường, Quốc hội (QH) khóa XIII đã thảo luận về những nội dung còn ý kiến khác nhau của hai dự thảo luật, đó là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Ðại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường.

Hoàn thuế trước, kiểm tra sau liệu có phù hợp thực tế?

Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế đã đề cập 16 nội dung cơ bản còn nhiều ý kiến khác nhau, trong đó thể hiện rõ chính kiến của Ủy ban Thường vụ QH đối với từng vấn đề cụ thể. Thí dụ: Về thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế (Ðiều 32), có ý kiến đề nghị nâng thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế quy định tại Luật quản lý thuế hiện hành từ 90 ngày lên 180 ngày đối với các doanh nghiệp có quy mô lớn, các tập đoàn, tổng công ty có đơn vị phụ thuộc. Ủy ban Thường vụ QH giải thích rằng, thực tế cho thấy, việc áp dụng thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế theo quy định của luật hiện hành không phát sinh vướng mắc. Mặt khác, thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế liên quan tới thời điểm thực hiện nghĩa vụ thuế. Nếu kéo dài thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế thì đồng nghĩa với việc cho phép kéo dài thời hạn nộp thuế, dẫn đến không bảo đảm công bằng giữa các loại hình doanh nghiệp. Do vậy, xin được giữ như quy định hiện hành. Tuy nhiên, khi thảo luận, mặc dù tán thành nhiều nội dung trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, nhưng các ý kiến phát biểu cũng bày tỏ quan điểm của mình đối với những vấn đề đó.

Qua thảo luận cho thấy, nhiều ý kiến phát biểu tập trung chủ yếu về một số vấn đề sau đây. Trước hết, nhiều ý kiến đề cập Khoản 2, Ðiều 60 quy định về hoàn thuế trước, kiểm tra sau. Có ý kiến đề nghị quy định: Mọi trường hợp hoàn thuế theo phương thức "hoàn trước, kiểm sau" cần được kiểm tra trong thời hạn một năm hoặc không quá sáu tháng. Ðối với những trường hợp rủi ro cao, cần kiểm tra trong thời hạn ba tháng để bảo đảm hiệu quả quản lý thuế.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ QH cho rằng, với số lượng hồ sơ hoàn thuế rất lớn, việc quy định thời hạn kiểm tra sau hoàn thuế quá ngắn (một năm hoặc sáu tháng) sẽ khó bảo đảm tính khả thi và vi phạm nguyên tắc kiểm tra tại trụ sở doanh nghiệp không quá một lần/năm. Vì vậy, để vừa bảo đảm chặt chẽ trong quản lý thuế, vừa bảo đảm tính khả thi trong tổ chức thực hiện, Ủy ban Thường vụ QH tiếp thu ý kiến đại biểu QH và quy định: (1) Ðối với một số trường hợp, thời hạn kiểm tra là không quá một năm, kể từ ngày có quyết định hoàn thuế; (2) Ðối với các trường hợp khác, việc kiểm tra sau hoàn thuế được thực hiện theo cơ chế quản lý rủi ro và thời hạn kiểm tra là không quá 10 năm, kể từ ngày có quyết định hoàn thuế.

Ðại biểu Vũ Xuân Trường (Nam Ðịnh) băn khoăn rằng, quy định như dự thảo là chưa phù hợp với Ðiều 110 quy định về thời hiệu xử lý vi phạm Luật thuế. Ðiều 110 quy định, thời hiệu xử lý vi phạm về Luật thuế là hai năm. Như vậy thì tất cả các trường hợp sau 10 năm kiểm tra việc hoàn thuế mà phát hiện ra sai phạm thì không thể xử lý được theo Ðiều 110, vì thời hiệu của nó chỉ có trong hai năm, đó là điều mâu thuẫn. Một số đại biểu khác (Ðỗ Thị Thu Hằng - Ðồng Nai, Nguyễn Thanh Hải - Hòa Bình...) tán thành ý kiến của đại biểu Vũ Xuân Trường. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) lại tán thành quy định như dự thảo và cho rằng, quy định như vậy là phù hợp tiêu chí quản lý rủi ro.

Vấn đề thứ hai được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận là quy định về trình tự thực hiện các biện pháp cưỡng chế thuế (Ðiều 97 đến Ðiều 102). Luật quản lý thuế hiện hành quy định bảy biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế và phải thực hiện tuần tự từng biện pháp trên cơ sở xác định tính chất tăng nặng của biện pháp cưỡng chế. Nếu quy định theo hướng không cần thực hiện tuần tự các biện pháp cưỡng chế trong mọi trường hợp thì rất dễ xảy ra tình trạng cơ quan quản lý thuế áp dụng ngay các biện pháp cưỡng chế mạnh, gây bất lợi cho người nộp thuế. Do đó, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị giữ như quy định của Dự thảo luật. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định không bắt buộc thực hiện các biện pháp cưỡng chế theo trình tự và cho phép thực hiện đồng thời các biện pháp để bảo đảm khả năng thu hồi nợ hiệu quả nhất.

Vấn đề thứ ba là quy định về xử lý đối với việc chậm nộp tiền thuế, xử phạt đối với hành vi khai sai (Ðiều 106, 107). Có ý kiến cho rằng, mức phạt 0,07% là quá cao; đề nghị giữ như quy định hiện hành. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị tăng mức phạt chậm nộp lên 0,1%; quy định mức phạt chậm nộp theo biểu lũy tiến.

Theo Ủy ban Thường vụ QH, một trong những mục tiêu quan trọng của việc sửa đổi Luật Quản lý thuế là nhằm tăng cường quản lý, khắc phục tình trạng thất thu. Thực tế cho thấy, mức xử phạt 0,05%/ngày (không phân biệt thời hạn chậm nộp) như quy định hiện hành là quá thấp, dẫn đến tình trạng người nộp thuế cố tình chây ỳ nhằm chiếm dụng tiền thuế, gây thất thu cho NSNN. Vì vậy, dự thảo quy định theo hướng mức phạt theo biểu lũy tiến đối với hành vi chậm nộp và thể hiện cụ thể nội dung này tại khoản 1 Ðiều 106 của dự thảo luật.

Một vấn đề khác cũng được một số đại biểu QH quan tâm, đó là quy định ở Ðiều 42 của dự thảo Luật về thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, thời hạn bảo hành. Theo đó, bỏ quy định về thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Ðại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, chưa cần thiết bỏ quy định này, vì đây là vấn đề liên quan những ngành sản xuất xuất khẩu và khoảng năm triệu lao động, chỉ có số ít doanh nghiệp lợi dụng quy định này. Cho nên, chúng ta cần vì quyền lợi của số đông và chỉ cần tăng cường biện pháp kiểm tra, đôn đốc doanh nghiệp chây ỳ để họ thực hiện đúng.

Cần có chính sách cụ thể hỗ trợ các hợp tác xã nông, lâm, ngư nghiệp

Buổi chiều, các đại biểu QH làm việc tại hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Sau khi nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi), các đại biểu phát biểu ý kiến bày tỏ sự tán thành với dự thảo luật này và sự giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ QH. Tại Ðiều 7, dự thảo Luật Hợp tác xã (HTX) quy định về chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước.

Ðây là vấn đề được nhiều đại biểu QH quan tâm phát biểu ý kiến đóng góp. Các đại biểu Danh Út (Kiên Giang), Trần Văn Tấn (Tiền Giang), Ðoàn Nguyễn Thùy Trang (TP Hồ Chí Minh), Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cùng nhiều đại biểu khác cho rằng: Việc Nhà nước hỗ trợ các HTX hình thành và phát triển là điều hết sức quan trọng, trong đó cần tập trung hỗ trợ những HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Ðối với các HTX trong lĩnh vực ngư nghiệp, cần bổ sung chế độ hỗ trợ trong việc đầu tư phương tiện hoạt động.

Bên cạnh đó, cần chú trọng thành lập Quỹ hỗ trợ vốn HTX; hỗ trợ các HTX sau khi thành lập xây dựng trụ sở, nhà kho; có chính sách đào tạo cán bộ quản lý cho các HTX... Hiện nay, nhiều HTX còn gặp khó khăn trong việc vay vốn để phát triển sản xuất. Vì vậy, dự thảo Luật cần bổ sung việc hỗ trợ các HTX được tiếp cận các nguồn vốn vay với lãi suất và thời gian vay ưu đãi, mở rộng các hướng tiêu thụ sản phẩm cho các HTX... Ðại biểu Ya Duck (Lâm Ðồng) cho rằng,  Ðiều 7 của dự thảo Luật cần quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn  chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với từng loại hình HTX. Nếu quy định chung chung sẽ dễ xảy ra hiện tượng thành lập các HTX để lợi dụng những chính sách ưu đãi của Nhà nước, mà không chú trọng phát triển HTX theo luật định. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp cần giám sát các HTX trong việc sử dụng ưu đãi của Nhà nước, bảo đảm những chính sách được triển khai hiệu quả trong thực tế.

Nhiều đại biểu phát biểu ý kiến nhất trí với dự thảo Luật, về bản chất của HTX là tổ chức kinh tế tập thể, có tư cách pháp nhân, do ít nhất bảy thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau hoạt động, nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, đồng sở hữu, bình đẳng và dân chủ trong quản lý. Tuy nhiên có ý kiến cho  rằng, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung, làm rõ hơn nữa tính chất kinh tế-xã hội của HTX, từ đó làm rõ bản chất của HTX để có những quy định cụ thể, phù hợp. Ðiều 9 của dự thảo Luật quy định HTX, liên hiệp HTX được "Góp vốn, mua cổ phần, thành lập công ty nhằm mục tiêu hỗ trợ hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã". Về vấn đề này, có đại biểu không nhất trí với dự thảo Luật vì việc cho phép các HTX, liên hiệp HTX thành lập công ty sẽ không phù hợp bản chất của HTX, bởi bản chất của công ty là kinh doanh có lợi nhuận. Tuy nhiên, có đại biểu cho rằng, quy định như dự thảo Luật là hợp lý, các công ty sẽ giúp HTX, liên hiệp HTX có thêm nguồn lực hoạt động.

Theo nhandan

  • Từ khóa