Thứ 6, 15/11/2024, 05:04[GMT+7]

Toàn tỉnh tập trung khắc phục hậu quả cơn bão số 8

Thứ 3, 30/10/2012 | 14:09:39
5,025 lượt xem
Những thiệt hại do bão số 8 gây ra mới chỉ là những ước tính ban đầu. Song, điều quan trọng hơn lúc nào hết là sự tập trung nỗ lực, tích cực khắc phục hậu quả của bão, nhanh chóng ổn định đời sống và sản xuất.

* Sản xuất trồng trọt ước thiệt hại trên 1 nghìn tỷ đồng

Theo Trung tâm khí tượng thủy văn Thái Bình, lượng mưa trong bão số 8 đo được trung bình từ 150 đến 350 mm, có nơi cao trên 400 mm, đồng thời kết hợp với sức gió giật cấp 13, cấp 14 đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất trồng trọt của tỉnh.

 

Theo báo cáo của các huyện, thành phố và đánh giá của ngành Nông nghiệp, diện tích lúa mùa bị thiệt hại là 4.280 ha; cây vụ đông 30.364 ha. Ước tổng thiệt hại 1.139,35 tỷ đồng; trong đó lúa 165,077 tỷ đồng, rau, cây màu 974,234 tỷ đồng.

 

Ông Trần Xuân Định, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT cho biết: Toàn bộ diện tích lúa mùa đã chín trên 85% chưa thu hoạch bị rụng nhiều hạt và bị ngập trong nước; nếu không thu hoạch kịp thời sẽ nảy mầm trên bông. Đối với diện tích cây vụ đông có gần 24.000 ha bị thiệt hại 70%, diện tích còn lại thiệt hại 50%. Cụ thể, gần 7.000 ha ngô từ 4 đến 9 lá bị đổ nghiêng đến đổ rạp bật gốc; 4.755 ha đậu tương từ 3 lá đến nuôi quả non đổ rạp và ngập trong nước; 1.481 ha ớt đang ra hoa và nuôi quả bị đổ nghiêng bật gốc; trên 4.000 ha bí các loại đang giai đoạn quả non và thu hoạch bị lật, xoắn dây ngập trong nước; gần 9.000 ha các loại rau bị dập nát…

 

Hiện công tác tiêu úng đang được triển khai, các cống tiêu ngang đồng loạt mở để tiêu nước ra sông trục, sông chính; đồng thời hướng dẫn bà con nông dân tích cực, khẩn trương khơi thông dòng chảy theo phương pháp tự chảy. Đối với những diện tích dưa bí và rau các loại còn khả năng thu hoạch cần nhanh chóng tiêu thoát nước, phun phân qua lá, diện tích nào thu hoạch được thì thu hoạch ngay.

 

* Ngành Điện

 

Tính đến sáng ngày 29/10/2012, bão số 8 đã làm đường dây trung thế bị đổ, gẫy 406 cột, nghiêng gần 400 cột, trên 100 trạm biến áp tiêu thụ bị nghiêng cột, trong đó có 3 trạm bị đổ cột rơi máy biến áp xuống đất. Tại huyện Tiền Hải có 7 đường dây 110 kV bị sự cố và 4 trạm 110 kV, trong đó có trạm 110 kV bị ngập nước phòng trung tâm điều khiển, cột sắt 42 m vượt qua sông Trà Lý bị gẫy đôi. Nhiều lộ đường dây trung áp phải tách khỏi vận hành do mưa to, gió lớn. Hàng trăm cột điện cao thế, hàng nghìn cột hạ thế bị đổ, nghiêng, nhiều tuyến đường dây hư hỏng. Trung bình mỗi xã có trên 100 cột điện hạ thế bị đổ, gẫy, nghiêng. Tổng thiệt hại trên 300 tỷ đồng.

Sáng ngày 30/10, tại nhiều huyện của tỉnh vẫn còn tình trạng mất điện trên diện rộng. Công ty Điện lực Thái Bình đã khôi phục và đóng điện cho 16/23 đường dây 35 kV, cấp điện cho các huyện: Thái Thụy, Quỳnh Phụ, Hưng Hà, Đông Hưng, Vũ Thư và Thành phố; đóng điện cho 13/80 đường dây 10 kV, cấp điện cho Thành phố và các thị trấn. Còn 2 thị trấn (Kiến Xương, Tiền Hải) chưa khôi phục được.

 

*Ngành Công nghiệp

 

Tuy cơn bão số 8 không gây thiệt hại về người cho các doanh nghiệp và cơ sở SX- KD nhưng thiệt hại về tài sản là khá nặng nề.

Trên địa bàn Thành phố, Công ty cổ phần Tập đoàn Hương Sen đã bị bão quật đổ 2 ống khói nồi hơi, làm bay mái tôn và sập tường bao khu hầm chạy máy phát điện khiến sản xuất bị ngừng trệ hoàn toàn; Công ty TNHH Thiên Thảo (CNN Phong Phú) bị đổ toàn bộ diện tích nhà xưởng; các doanh nghiệp tại KCN Đài Tín đều bị tốc mái nặng.

 

Tại KCN Tiền Hải, đa số doanh nghiệp bị tốc mái tôn, đổ tường bao; một số doanh nghiệp bị tốc mái toàn bộ khu nhà xưởng như Công ty Xuân Sinh, Công ty TNHH sứ Tây Sơn; do tốc mái nên nhiều sản phẩm hàng hoá bị vỡ, nguyên liệu và bao bì trong kho bị ướt.

 

Tại Đông Hưng, Công ty cổ phần sợi Damsan bị tốc mái tôn, nước mưa tràn vào kho chứa nguyên liệu và khăn thành phẩm, thiệt hại ước tính gần 10 tỷ đồng; Công ty Neon Neo bị tốc mái nhà sản xuất, nhà để xe bị đổ và tốc mái hoàn toàn. Tại CNN Đông La, các doanh nghiệp bị tốc khoảng 1.600m2 mái tôn; ướt 300 tấn thóc gạo. Công ty TNHH Hưng Cúc bị thiệt hại khoảng 8 tỷ đồng do bão làm đổ gần 12.000m2 nhà xưởng kết cấu thép, ướt 200 tấn thóc. Tại CNN Đông Phong, Công ty CP gạch Sông Diêm bị tốc 7.000m2 mái nhà phơi gạch, ướt 2 triệu viên gạch mộc, ước thiệt hại khoảng 3 tỷ đồng. Ngoài ra, tại Công ty CP gạch Đống Năm cũng bị bão làm tốc 10.000m2 mái nhà phơi gạch, nhà ủ đất và ướt 3 triệu viên gạch mộc, thiệt hại ước tính 4 tỷ đồng; Công ty CP may Đại Đồng bị tốc 300m2 nhà xưởng, 400m2 nhà để xe, ướt 10.000 sản phẩm áo và 30.000m2 vải, tổng thiệt hại ước khoảng 2,5 tỷ đồng.

 

Tại huyện Thái Thuỵ, bão số 8 tràn qua đã làm 2 tàu của Công ty CP tàu thuỷ Diêm Điền đứt neo xô đổ 3 nhịp giữa cầu Diêm Điền cũ, tốc 1.000m2 nhà xưởng; Công ty Rich Beautyfoods bị tốc 500m2 nhà xưởng, hỏng 2.000m2 trần nhựa, vì kèo bị biến dạng; Công ty Đạt Doan bị tốc 300m2 mái tôn, 200m2 mái nhà để xe, ướt 50 tấn hoa hoè.

 

Riêng các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Hưng Hà và Quỳnh Phụ thiệt hại không đáng kể; Hưng Hà thiệt hại khoảng 3,5 tỷ đồng (các doanh nghiệp VLXD tốc 7.600m2 sân phơi, ướt 1,5 triệu viên gạch mộc; các doanh nghiệp khác bị tốc 670m2 mái, ướt 3 tấn khăn); huyện Quỳnh Phụ duy chỉ có Công ty CP gạch Hoa Cương thiệt hại nặng nhất, khoảng 1,5 tỷ đồng do tốc mái 2.200m2 nhà xưởng, 2.500m2 nhà phơi gạch và ướt 0,6 triệu viên gạch mộc, các doanh nghiệp tại KCN Cầu Nghìn và CNN thị trấn Quỳnh Côi cơ bản không có thiệt hại lớn…

 

* Ngành Y tế

 

Ngay trước, trong và sau khi cơn bão số 8 ảnh hưởng trực tiếp đến Thái Bình, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị từ tuyến tỉnh, huyện tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát việc phòng, chống và khắc phục hậu quả sau bão tại 8/8 huyện, thành phố.

Đến hết ngày 29/10, các đơn vị y tế từ tuyến tỉnh đến xã đã thu dung 61 bệnh nhân bị tai nạn, thương tích trong bão, phần lớn các bệnh nhân bị tai nạn nhẹ, đã được cấp cứu điều trị kịp thời. Tại nhiều bệnh viện và trạm y tế xã xảy ra tình trạng ngập úng, tốc mái nhà làm ảnh hưởng đến hoạt động tại đơn vị. Theo chỉ đạo của ngành, các đơn vị đã tập trung khẩn trương khắc phục hậu quả, tiến hành thu gom rác, phế thải, xử lý môi trường bằng cloramin. Đến chiều 29/10, hầu hết các đơn vị khám chữa bệnh, đã trở lại hoạt động bình thường.

 

Tại địa bàn khu dân cư, các đơn vị y tế từ tuyến xã đến huyện phối hợp với các ban, ngành tại địa phương tổ chức thu gom rác, phế thải, tiến hành đánh giá tình trạng ngập lụt. Tại các huyện trọng điểm như Tiền Hải, Thái Thuỵ, Kiến Xương đã tiến hành cấp trung bình 5-10 kg cloramin/xã để xử lý môi trường và nguồn nước sinh hoạt. Đặc biệt, ngành y tế yêu cầu các đơn vị cơ sở tăng cường tuyên truyền đến cộng đồng biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường, phòng, chống các bệnh truyền nhiễm sau úng lụt như tiêu chảy, đau mắt đỏ, các bệnh da liễu...

 

* Công an tỉnh

 

Ngay trong đêm 28/10, Công an tỉnh đã huy động trên 100 đầu xe các loại vận chuyển lương thực, trang thiết bị phục vụ chống bão bao gồm: mì tôm, nước uống, thuốc chữa bệnh, xuồng cứu hộ, áo phao, áo mưa, đèn pin… và 140 cán bộ chiến sĩ đại đội cơ động tăng cường cho công an các huyện Kiến Xương, Tiền Hải và Thái Thụy. Toàn tỉnh đã vận động, di dời gần 3000 lao động nuôi trồng thủy sản; trên 1600 hộ ven đê, 351 hộ gần 1900 khẩu ven sông, sống tại những ngôi nhà đảm bảo an toàn về nơi trú bão. Hai huyện Thái Thụy và Tiền Hải cũng đã hướng dẫn kêu gọi 1287 bằng 100% số tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn.

 

Ngay sau khi cơn bão tan, các lực lượng công an trong tỉnh đã phối hợp với cấp ủy chính quyền địa phương và các lực lượng khác giúp dân khắc phục hậu quả cơn bão, cấp cứu người bị thương, triển khai phương án giải tỏa giao thông và bảo vệ ANTT phòng chống bọn tội phạm lợi dụng bão gió hoạt động trộm cắp.

* Tại Thái Thụy

Mưa to, thuỷ triều dâng, sóng, gió lớn đã gây thiệt hại rất nghiêm trọng về cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện lực, thông tin liên lạc, tài sản, lúa, hoa màu, phương tiện đánh bắt và diện tích nuôi trồng thủy hải sản… ảnh hưởng lớn đối với đời sống dân sinh và kinh tế của huyện.

Một xưởng may ở Thái Hưng (Thái Thụy) bị bão quật đổ

Ngày 29/10/2012, đi dọc các xã từ nội đồng đến vùng ven biển, chứng kiến khung cảnh tan hoang, ngổn ngang sau khi cơn bão quét qua mới thấy sức tàn phá khủng khiếp của nó. Nhiều người dân địa phương cho biết: mấy chục năm nay mới có một trận bão lớn như vậy. Hai bên đường cây cối xác xơ, đổ gập, bật gốc vì bị bão quật, khiến việc lưu thông đi lại của người dân ở một số địa phương gặp khó khăn. Nhiều cột điện đổ, dây điện, cáp viễn thông đứt, một số cột thu phát sóng viễn thông bị đổ hoặc gẫy hoàn toàn chắn ngang đường gây mất điện và tê liệt hệ thống thông tin liên lạc trên địa bàn toàn huyện. 

Sơ bộ tính đến 17 giờ ngày 29/10/2012, bão số 8 đã làm 1 cháu nhỏ sinh năm 2004 ở xã Thụy Xuân chết do đổ tường mới xây của nhà bên cạnh, 6 người bị thương; thiệt hại 19.750 con gia súc, gia cầm và làm đắm 5 thuyền khoai; 110 nhà dân bị sập hoàn toàn; 3.498 nhà dân, 46 công trình trụ sở UBND xã, trạm y tế, trường học bị tốc mái và bị sập; 197 cột điện cao thế, hạ thế và viễn thông bị đổ; 1.200m đường giao thông và một số điểm, kè trên tuyến đê biển số 7, số 8 bị sạt lở. 4.000 ha diện tích cây màu, cây vụ đông ưa ấm mới trồng bị đổ gẫy, dập nát và ngập lụt có nguy cơ mất trắng hoàn toàn; 1.154 ha đầm nuôi trồng thủy sản nước lợ ngập trắng nước, 175 chòi ngao bị đổ sập....

 

Hiện trường vụ đổ tường gây chết người ở xã Thụy Xuân (Thái Thụy)

Đặc biệt, trong lúc bão đổ bộ, 2 tàu biển mỗi tàu có trọng tải khoảng 5.000 tấn đang neo đậu bị gió giật mạnh, cuốn trôi đâm chính giữa cầu Diêm Điền cũ đã làm gẫy sập hoàn toàn 3 nhịp cầu giữa. Rất may, sự cố không gây thiệt hại về người nhưng đã cản trở việc đi lại của người dân các xã khu Namon>. Ngay sau khi vụ sập cầu xảy ra, trong ngày 29/10/2012 các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, ngành Giao thông và huyện Thái Thụy đã đến hiện trường kiểm tra chỉ đạo khắc phục sự cố; cắt cử lực lượng gác 2 bên cầu, rào chắn barie, thông báo phân luồng, hướng dẫn nhân dân tham gia giao thông bảo đảm an toàn.

Bí thư Huyện uỷ Ngô Thị Mịn cho biết: ngay sau khi bão tan, Ban chỉ huy PCLB huyện đã gửi Công điện khẩn số 12 yêu cầu Ban chỉ huy PCLB các xã, thị trấn, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tập trung thống kê những thiệt hại ở cơ sở và chủ động chỉ đạo xử lý, khắc phục hậu quả do bão gây ra. Do hệ thống thông tin liên lạc trên địa bàn huyện bị tê liệt hoàn toàn nên huyện đã trưng dụng toàn bộ lực lượng đoàn viên thanh niên khối cơ quan văn phòng Huyện uỷ, UBND huyện trực tiếp chuyển công văn hoả tốc đến các xã, thị trấn, các cơ quan đơn vị đồng thời trực tiếp nắm tình hình, tổng hợp thiệt hại, báo về cơ quan thường trực.

Huyện cũng đã phân công nhiệm vụ cho 3 đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện cùng các thành viên trực tiếp xuống các địa phương giải quyết, xử lý những trường hợp bị tai nạn, chết, nhà bị sập. Chủ động khắc phục những thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, thủy sản và  các công trình thuỷ lợi, đặc biệt là các biện pháp tiêu úng cho cây trồng vụ đông. Phối hợp tích cực với lực lượng Công an huyện, ngành giao thông, bưu chính-viễn thông, điện lực nhanh chóng kiểm tra, tu sửa các tuyến đường bộ, giải phóng các chướng ngại vật, đồng thời khắc phục các sự cố bảo đảm giao thông, thông tin liên lạc, hệ thống lưới điện được thông suốt trong thời gian sớm nhất phục vụ đời sống dân sinh.  Huyện đã trích kinh phí hỗ trợ 2 triệu đồng cho gia đình có người bị chết, 5 triệu đồng cho hộ gia đình chính sách có nhà bị sập hoàn toàn, 2 triệu đồng cho hộ không là đối tượng chính sách có nhà bị sập hoàn toàn. Hỗ trợ toàn bộ tiền điện, tiền dầu bơm tiêu úng cho cây vụ đông.

Sau 1 ngày cơn bão quét qua, hầu hết các cây xanh trên các tuyến đường ở Thái Thụy bị đổ, gẫy đã được thu dọn, phục vụ giao thông đi lại thuận tiện. Các hộ dân cũng đã tập trung thu dọn, khắc phục nhà ở và các công trình phụ trợ bị hư hỏng. Hệ thống điện và mạng viễn thông một số nơi bước đầu được khắc phục.

* Tại Vũ Thư

 

Do ảnh hưởng của bão số 8, huyện Vũ Thư đã có 1 người bị thương phải đưa đi cấp cứu do bị mảnh kính vỡ rơi vào. Trên 90% nhà và công trình phụ lợp mái tôn, mái ngói bị tốc mái hoặc bị đổ (khoảng 20.000 nhà). Một số trường học, bệnh viện bị tốc mái, sập đổ công trình phụ như: Trường mầm non xã Vũ Vân bị tốc mái 8 phòng học rộng 400m2; Trường Chu Văn An (Tự Tân) bị tốc 1.500m2 mái; Trường tiểu học Bách Thuận I bị tốc 500m2 mái; Trường tiểu học thị trấn bị đổ 1 phòng học rộng 60m2… Toàn bộ hệ thống điện và một phần mạng viễn thông bị tê liệt.

 

Bão kèm theo mưa lớn kéo dài làm mực nước dâng rất nhanh. Lượng mưa đêm 28/10 tại Thẫm là 160mm; mực nước sông Kiên Giang cao 1,7m. Mưa lớn đã làm toàn bộ diện tích cây vụ đông ưa ấm và một số diện tích cây ưa lạnh bị dập nát, chủ yếu là ngô (1.400ha), đậu tương (850ha), bí xanh (150ha), khoai tây (200ha), khoai lang (300ha), rau màu các loại (1.100ha)… Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn khoảng 300ha lúa mùa chưa gặt bị ngập đổ chìm trong nước; hàng trăm héc- ta mặt nước nuôi thả thuỷ sản bị ngập lụt, mất trắng hoàn toàn.

 

Hiện huyện Vũ Thư đã thành lập các đoàn công tác kiểm tra thiệt hại và chỉ đạo các biện pháp khắc phục hậu quả mưa bão. Ưu tiên giải toả các tuyến giao thông, khôi phục hệ thống điện, sửa chữa các công trình công cộng và chuẩn bị các điều kiện khôi phục sản xuất nông nghiệp.

 

*Tại Đông Hưng

 

Sau khi cơn bão số 8 đổ bộ vào địa bàn, tới chiều ngày 29/10 toàn huyện có 5 người bị thương nhẹ và gây hậu quả hết sức nặng nề về tài sản. Toàn huyện có 4.476 nhà, 13 trụ sở UBND xã, 99 trường với trên 130 phòng học bị tốc mái, 7 trạm y tế bị thiệt hại nặng, 235 cột điện bị đổ, hư hỏng, 3 trạm biến áp hư hỏng nặng, trên 200 cột loa phát thanh cơ sở gẫy không có khả năng tiếp sóng, khoảng 8.900 cây bị đổ. Trong lĩnh vực nông nghiệp còn 194,832 ha lúa bị ngập (chiếm gần 3%) và 1.097ha cây vụ đông bị ngập úng, trong đó chủ yếu là dưa, bí và cây đậu tương. Ở lĩnh vực chăn nuôi, có 19.724 con gia cầm bị chết, 109,5ha thủy sản bị thiệt hại, chủ yếu ở các vùng chuyển đổi và các ao hồ lớn. Toàn huyện có 28 doanh nghiệp bị tốc mái, dột nước gây thiệt hại về trang thiết bị, máy móc và sản phẩm...

 

Trước tình hình trên, huyện đã yêu cầu Phòng Nông nghiệp & PTNT kiểm tra diện tích cây vụ đông bị ngập úng để có kế hoạch ứng cứu, khơi thông dòng chảy kịp thời, hạn chế thiệt hại tối đa năng suất cho cây trồng. Thực hiện tốt cơ chế hỗ trợ hạt giống rau màu và cây vụ đông ưa lạnh, nhất là cây khoai tây cần mua giống bảo đảm về chất lượng cho bà con. Tiếp tục vận động nhân dân thu hoạch diện tích lúa còn lại. Đối với chăn nuôi, bảo vệ tổng đàn bằng cách thực hiện phòng chống dịch bệnh, duy trì phát triển đàn còn lại. Trong lĩnh vực giáo dục, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn khẩn trương huy động mọi nguồn lực tu sửa các phòng học, các trạm y tế một cách nhanh nhất, bảo đảm công tác dạy và học, khám và chữa bệnh. Đối với những xã không có đủ kinh phí để tu sửa các phòng học sẽ thực hiện xã hội hóa. Trung tâm y tế huyện chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc để xử lý nếu có dịch bệnh bệnh xảy ra.

 

Các địa phương rà soát lại những thiệt hại về nhà ở, nhất là đối tượng gia đình chính sách để có biện pháp khắc phục hỗ trợ giúp nhân dân ổn định lại cuộc sống. Đài Truyền thanh huyện nhanh chóng sửa chữa hệ thống phát thanh cơ sở để tiếp tục tuyên truyền nhân dân nắm bắt được những thiệt hại do cơn bão gây ra, thực hiện công tác vệ sinh môi trường và để toàn dân chung tay khắc phục hậu quả cơn bão một cách nhanh nhất...

 

*Tại Tiền Hải

 

Tàu đánh cá bị bão đẩy lên cạn húc đổ lều trông coi đầm.

 

Đến 10h ngày 29/10, bão số 8 làm 3 người mất tích (trong đó có 1 người Thanh Hóa), 23 người bị thương, trong đó có một trường hợp bị thương nặng trong khi làm nhiệm vụ PCLB. 11 nhà dân bị đổ sập hoàn toàn, 2.000 ngôi nhà bị tốc mái (các công trình phụ lợp mái tôn và prôxi măng bị hỏng hoàn toàn). Trụ sở UBND của 30 xã và nhiều cơ quan, đơn vị trong huyện hư hỏng mái tôn, vỡ cửa kính. Khu công nghiệp Tiền Hải, cụm công nghiệp bến Cá cửa Lân bị hư hỏng nặng, sập 4 nhà xưởng của các doanh nghiệp Xuân Sinh, Mikado, Hà Thái và Minh Thanh. Hệ thống bưu chính viễn thông và điện lực bị tê liệt hoàn toàn, trong đó cột điện đổ 113 cột, gãy 32 cột và đổ 4 cột phát sóng viễn thông.

 

Về nông nghiệp: 3.500 ha lúa chưa gặt bị thiệt hại trên 50% năng suất, mất trắng 2.500 ha cây vụ đông; ngập úng 3.000 ha nuôi trồng thủy sản, có 1.000 ha bị tràn và vỡ bờ; các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm bị thiệt hại nặng, một số con vật nuôi bị chết do ngập nước.

 

*Tại Hưng Hà

 

Bão số 8 đã gây thiệt hại nghiêm trọng: 8.028 ha vụ đông bị đổ, dập nát, trong đó 3.200 ha bị mất trắng, 3000 ha thiệt hại nặng; sạt mái kè Việt Yên dài 50 m, sau mỏ kè số 6 thuộc xã Tân Lễ sạt bờ 450 m; 63 trường học bị tốc mái, 6 trạm y tế xã, thị trấn thiệt hại khoảng 60 triệu đồng, 5/25 trạm phát sóng viễn thông bị mất liện lạc, hàng nghìn ngôi nhà bị tốc mái….

 

 

Nông dân xã Điệp Nông vớt rạ và tháo nước cứu diện tích cây đậu tương vụ đông trồng trên đất hai lúa.

 

Ông Nguyễn Hồng Chuyên, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Các xã, thị trấn đang tập trung cao công tác chỉ đạo, khẩn trương khắc phục thiệt hại tại các công sở, trụ sở UBND, trường học, trạm y tế, các doanh nghiệp; đồng thời tăng cường lực lượng giúp đỡ các gia đình bị tốc mái, sập nhà, ưu tiên giúp đỡ trước các gia đình liệt sỹ, thương binh, gia đình chính sách, già cả neo đơn không nơi nương tựa; các HTX DVNN huy động tối đa lực lượng, phương tiện bơm chống úng cho diện tích vụ đông bị ngập. Bên cạnh đó tổ chức kiểm tra bảo đảm an toàn tuyệt đối mạng lưới điện sinh hoạt tới từng hộ gia đình; chuẩn bị giống cây vụ đông ưa lạnh thay thế cây trồng bị thiệt hại; tổ chức cho nhân dân dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ xóm…

 

*Tại Kiến Xương

 

Do cường độ bão quá mạnh đã làm 1 người chết (là người dân ở Hải Hậu, Nam Định bị đắm thuyền ở Cồn Nhất, Hồng Tiến); 5 người bị thương phải đi cấp cứu do mảng tôn và cành cây văng vào khi chống bão ở gia đình ở các xã Bình Thanh, An Bồi, Bình Minh, Trà Giang và Quang Bình, trong đó có 1 nữ và 4 nam.

 

Về tài sản, toàn huyện có 9 nhà cấp 4 bị đổ sập trên 1.500 nhà dân, trụ sở các cơ quan, đơn vị, trường học bị tốc mái. Trong sản xuất nông nghiệp, toàn huyện có trên 10 ha lúa mùa chưa thu hoạch và 3.200 ha cây màu vụ đông, 300 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập úng. Nhiều công trình PCLB bị hư hỏng như: sạt lở 200 m kè Bình Trật và 50 m kè Đò Gồ, tụt đá 12 m2 và lún nứt khung dầm kè Đồng Xâm tại Km6+600 do tàu của Nam Định xô vào, cống Ngũ Thôn (Hồng Thái) bị sạt mái lát bê tông phía ngoài sông với tổng chiều dài 8m, đoạn đê thuộc địa phận xã Trà Giang bị sạt lở 400 m. Toàn huyện có 300 cột điện trung thế, 800 cột điện hạ thế, 9 cột thu phát sóng điện thoại ở các xã Quang Hưng, Quang Minh, Quang Bình, Bình Minh, Quốc Tuấn và Bình Định bị gãy đổ.

 

Ngay sau khi cơn bão số 8 đi qua, Kiến Xương yêu cầu ngành điện khẩn trương khắc phục sự cố, nhanh chóng cấp điện trở lại để ổn định sản xuất và sinh hoạt. Đối với ngành Nông nghiệp, tập trung chỉ đạo nông dân khẩn trương thu hoạch diện tích lúa mùa, đồng thời ưu tiên tiêu úng nhanh cho diện tích cây vụ đông. Riêng với cây khoai tây, bảo quản các giống đã trồng để đưa ra gieo trồng lại khi nước rút. Để bảo đảm diện tích cây vụ đông đã đề ra, Kiến Xương cũng chỉ đạo các địa phương tiếp tục thay thế bằng các loại cây khác phù hợp với khung thời vụ cho phép. Ngày 30/10, đại đa số các cơ quan, trường học trên địa bàn huyện đã trở lại ổn định, đi vào hoạt động bình thường.

 

 

*Tại Quỳnh Phụ

 

Đến sáng ngày 29/10, trên địa bàn huyện không có thiệt hại về người, toàn bộ hệ thống đê điều, các điểm xung yếu được bảo vệ an toàn; có 4 ngôi nhà bị đổ; 950 ngôi nhà bị tốc mái; hàng trăm cột điện, cột viễn thông bị đổ và gẫy; trên 10.000 con gia súc, gia cầm bị chết; 17 phòng học đổ sập, 139 phòng bị tốc mái, gần 13.000 m2 tường bao của trường học và nhà dân bị đổ; 100% diện tích cây vụ đông (6.300 ha) bị đổ và ngập nặng.

 

Ngay sau khi bão tan, UBND huyện chỉ đạo lực lượng Công an, Quân đội, phòng Công thương và UBND các xã, thị trấn tổ chức giải phóng cây cối gẫy, đổ bảo đảm giao thông. Điện lực huyện, Viễn thông huyện đã dựng lại các cột bị đổ, gẫy, đồng thời sửa chữa đường dây trong thời gian sớm nhất để cấp điện và viễn thông cho nhân dân sử dụng. Ngành Giáo dục khắc phục kịp thời những thiệt hại về cơ sở vật chất tại các nhà trường, đảm bảo cho việc dạy và học của giáo viên, học sinh diễn ra bình thường.

 

Các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại về tài sản của nhân dân, nhà nước. Khẩn trương khắc phục hậu quả của do bão gây ra để sớm ổn định cuộc sống cho nhân dân, đặc biệt là đối với các hộ dân có nhà bị đổ, bị tốc mái, các gia đình chính sách, hộ nghèo; đồng thời chỉ đạo quyết liệt việc tiêu úng cho diện tích cây trồng vụ đông bị ngập. Khuyến cáo nông dân dựng lại toàn bộ diện tích ngô, ớt, dưa, bí, hoa màu bị đổ. Đối với diện tích cây vụ đông đã trồng bị chết, không còn thời vụ gieo trồng lại, như: ớt, đậu tương, ngô, dưa bí cần tập trung tuyên truyền, vận động bà con nông dân chuẩn bị các giống cây rau màu ưa lạnh, như: khoai tây, su hào, bắp cải, cà chua… để gieo trồng thay thế, bảo đảm diện tích vụ đông theo kế hoạch.

 

* Bão số 8 xóa sổ một trang trại chăn nuôi

 

Tại Công ty TNHH Cường Thịnh ở Nam Thịnh (Tiền Hải), trên diện tích 5 ha, toàn bộ 5 khu chuồng đổ gục, không thể phục hồi được. Nhà ở của công nhân, khu văn phòng và kho chứa thức ăn đổ sập hoặc tốc mái….

 

Theo Giám đốc Đặng Duy Thịnh : Tổng đầu tư xây dựng trang trại từ năm 2009 là 15 tỷ 449 triệu 676 nghìn đồng, giờ coi như xóa sổ, thiệt hại khoảng 80%. Số lợn có trong chuồng ở thời điểm này là 1200 con nái và 2000 lợn thịt; mấy chục tấn cám vừa chuyển về bị hư hỏng. Hàng trăm con lợn bị sắt, thép, đá, gạch đè chết. Hàng nghìn cây chuối đang trổ buồng đổ, gẫy hoàn toàn. Công ty “mẹ” đang cho lực lượng về chuyển số lợn còn sống đi trang trại khác. Ước tính thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Điều quan trọng là phải mất thời gian dài mới phục hồi được.

 

Tổ Phóng viên

 

  • Từ khóa