Thứ 6, 15/11/2024, 05:09[GMT+7]

Ngày làm việc thứ 11, kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII Cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng

Thứ 2, 05/11/2012 | 07:31:41
900 lượt xem
Ngày 2-11, ngày làm việc thứ 11, kỳ họp thứ tư, Quốc hội (QH) khóa XIII. Buổi sáng, các đại biểu làm việc tại hội trường, tiếp tục thảo luận về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; về công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC), Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) và về công tác thi hành án, công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012. Buổi chiều, QH làm việc ở tổ, thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Đại biểu QH TP Hải Phòng phát biểu ý kiến tại hội trường.

Quan tâm giáo dục nhân cách con người

Tiếp tục thảo luận về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác của Viện trưởng VKSNDTC, Chánh án TANDTC và về công tác thi hành án, công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012, nhiều ý kiến phát biểu đồng tình với đánh giá trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của QH về các báo cáo nói trên. Còn đối với báo cáo của Chính phủ, báo cáo công tác của các ngành tòa án, kiểm sát, có ý kiến nhận xét rằng, chủ yếu là nêu thành tích đạt được, ít đề cập những yếu kém, hạn chế, chưa ngang tầm, chưa đúng mức, sự phối hợp của ba ngành tư pháp chưa chặt chẽ, chưa đồng bộ, còn sơ hở (Nguyễn Sỹ Hội - Nghệ An); đại biểu này đề nghị QH cần ban hành Nghị quyết riêng về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, đề nghị các ngành tư pháp cần đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án.

Theo đại biểu Lê Thanh Vân (Hải Phòng), ngành tòa án cần quan tâm hơn công tác xét xử các vụ án hành chính. Thời gian qua, việc xét xử loại án này, chủ yếu chính quyền thắng kiện, người dân thua kiện. Ðề nghị ngành kiểm sát nâng cao khả năng tranh tụng tại các phiên tòa. Một số đại biểu quan tâm tình hình tội phạm do vị thành niên gây ra, nhưng khác một số ý kiến phát biểu trước đề nghị là phải tăng mức hình phạt đối với đối tượng này, thì đại biểu Ngô Thùy Minh cho rằng, chúng ta không thể không thực hiện những công ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam đã ký kết. Sau khi phân tích các nguyên nhân gia tăng loại tội phạm này, đại biểu Ngô Thùy Minh đề nghị cần tăng cường giáo dục đạo đức trong gia đình, trong nhà trường và cả ngoài nhà trường. Theo đại biểu Lê Thanh Vân, nguyên nhân chính gia tăng tội phạm vị thành niên trong thời gian qua là do giáo dục nhân cách con người chưa được quan tâm đúng mức mà chủ yếu là tập trung vào dạy chữ. Vì vậy, cần thiết phải quan tâm giáo dục nhân cách cho đối tượng vị thành niên.

Trong buổi thảo luận một số ý kiến đề nghị thành lập cơ quan đặc biệt về phòng, chống tham nhũng, đề cao trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống tham nhũng. Có ý kiến cho rằng, tội phạm tham nhũng là do người có chức vụ, quyền hạn gây ra, do đó, cần sửa đổi pháp luật để đấu tranh với loại tội phạm này. Một số ý kiến đề cập công tác thi hành án dân sự. Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đã phát biểu ý kiến, làm rõ thêm những vấn đề về công tác thi hành án dân sự mà các đại biểu QH nêu lên từ phiên thảo luận trước và xin tiếp thu các ý kiến đại biểu QH để hoàn thiện báo cáo của Chính phủ về công tác này. Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình và Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cũng phát biểu ý kiến làm rõ thêm một số vấn đề các đại biểu QH quan tâm về công tác của ngành tòa án và công tác phòng, chống tham nhũng.

Cần tổng kết kỹ việc thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng những năm qua để sửa đổi phù hợp thực tế

Thảo luận ở tổ về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), đa số ý kiến các đại biểu nhất trí cho rằng, cần sớm ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) (sửa đổi). Qua sáu năm thực hiện, công tác PCTN đã có những chuyển biến tích cực trên các phương diện hoàn thiện thể chế, tổ chức thực hiện pháp luật và nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong công tác này. Tuy nhiên, Luật PCTN đã bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc, bất cập làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác PCTN. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là một số biện pháp phòng ngừa, phát hiện tham nhũng chưa có cơ chế vận  hành cụ thể, gây khó khăn, lúng túng cho việc tổ chức thực hiện. Nhiều ý kiến kiến nghị sửa đổi Luật PCTN cần dựa trên cơ sở tổng kết, đánh giá một cách kỹ lưỡng, sâu sắc việc thi hành Luật PCTN trong sáu năm qua.

Nhìn nhận một số nội dung của dự thảo luật, một số đại biểu cho rằng, vẫn còn thiếu quy định cụ thể về các biện pháp bảo đảm thực hiện như về trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch trong một số lĩnh vực, hoạt động, xử lý tài sản tham nhũng, kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, xác định trách nhiệm của người đứng đầu... Các nội dung của dự án luật sửa đổi lần này cần bám sát vào những khó khăn, bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành luật; bảo đảm các quy định phù hợp thực tiễn, đầy đủ và cụ thể thì mới tạo điều kiện cho công tác tổ chức thực hiện. Các đại biểu đã đóng góp ý kiến chung quanh nhiều nội dung được quy định trong dự thảo Luật PCTN (sửa đổi). Về đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập (Ðiều 48), nhiều ý kiến cho rằng, việc xác định phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập phải trên cơ sở và phù hợp thực tiễn, năng lực quản lý, kiểm soát hiện nay của Nhà nước ta.

Trong điều kiện hiện nay, Nhà nước chưa có khả năng kiểm soát tốt được tài sản, thu nhập của mọi đối tượng trong xã hội, do vậy, các đại biểu cho rằng, để việc kê khai minh bạch tài sản, thu nhập thật sự trở thành một biện pháp phòng ngừa tham nhũng, trong dự án luật sửa đổi đã quy định cụ thể hơn những nội dung liên quan đến lĩnh vực này, tạo cơ chế pháp lý cụ thể và đầy đủ cho việc kê khai, minh bạch, nhất là xác minh tài sản. Việc kê khai, minh bạch tài sản nên mở rộng diện kê khai như tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 của Ðảng. Tuy nhiên, mức độ công khai tài sản thì nên cân nhắc, vừa bảo đảm để nhân dân giám sát, nhưng không xảy ra hiện tượng "quá tả", hoặc phát sinh tiêu cực, trù úm, bôi  nhọ vì mục đích cá nhân.

Về nội dung liên quan trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có chức vụ, quyền hạn (Ðiều 5), một số đại biểu đề nghị dự thảo luật cần làm rõ các hành vi tham nhũng; Quy định chế tài đối với các hành vi cấm. Vi phạm thì phải xử lý hình sự trong những trường hợp như trù dập người tố cáo; quy định người đứng đầu phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng, trong đó quy định biểu dương, khen thưởng nếu đơn vị, cá nhân tự giác phát hiện tham nhũng tại cơ quan và sẽ bị xử lý hình sự nếu xảy ra việc bao che vụ việc tham nhũng nghiêm trọng hay trù dập người tố cáo.

Có ý kiến đề nghị phải nâng cao tính độc lập của cơ quan PCTN để có thể truy tố được những kẻ tham nhũng "cổ cồn trắng" trong hệ thống cơ quan Nhà nước. Hơn nữa, cần phải có một cơ quan điều tra chống tham nhũng độc lập, có thể giao cho VKSNDTC, đứng đầu là một thành viên Bộ Chính trị.

Nhiều ý kiến đề cập vai trò và trách nhiệm của báo chí trong công tác PCTN. Ðiều 99, quy định cơ quan báo chí, phóng viên đưa tin về hành vi tham nhũng có trách nhiệm cung cấp nội dung thông tin, tài liệu theo yêu cầu của Viện trưởng Viện KSND hoặc Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên để phục vụ cho việc xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng. Một số đại biểu đề nghị vẫn giữ nội dung quy định như Luật Báo chí hiện hành, và dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) cần có sự điều chỉnh theo hướng tránh xung đột với Luật Báo chí. Về nội dung sửa đổi quy định về chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức (Ðiều 47), theo một số đại biểu, bên cạnh việc mở rộng phạm vi những đối tượng cần chuyển đổi, dự thảo luật cần xác định cho phù hợp và quy định rõ, cụ thể hơn về vị trí, điều kiện, thời hạn, cách thức chuyển đổi đối với từng vị trí và việc kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử lý đối với việc thực hiện các quy định về chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức.

Theo nhandan

  • Từ khóa