Thứ 6, 15/11/2024, 05:22[GMT+7]

Ngày làm việc thứ 12, kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII Thảo luận ba dự án luật: Luật Thủ đô; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật Hòa giải cơ sở

Thứ 3, 06/11/2012 | 07:33:07
829 lượt xem
Hôm qua, Kỳ họp thứ tư, QH khóa XIII sang ngày làm việc thứ 12. Buổi sáng, các đại biểu QH làm việc tại hội trường, thảo luận về dự án Luật Thủ đô. Buổi chiều, các đại biểu QH thảo luận tại tổ, cho ý kiến vào hai dự án luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật Hòa giải cơ sở.

Ðại biểu QH tỉnh Cà Mau thảo luận tại hội trường.

Tạo cơ chế, chính sách đặc thù để Thủ đô phát triển

Thảo luận về dự án Luật Thủ đô, phần lớn các đại biểu phát biểu ý kiến bày tỏ nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô và cơ bản đồng tình với những tiếp thu, sửa đổi, chỉnh lý của Ban soạn thảo đối với dự án luật này. Nhiều đại biểu đề nghị QH thông qua Luật Thủ đô trong kỳ họp này để tạo nền tảng, điều kiện quan trọng giúp Thủ đô phát triển mạnh và toàn diện.

Một trong những điều kiện quan trọng để xây dựng, phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại là cần có cơ chế, chính sách tài chính phù hợp. Vì vậy, dự thảo luật đưa ra một số cơ chế, chính sách để đáp ứng các yêu cầu này. Cụ thể, quy định mức phân bổ chi ngân sách cao hơn cho Thủ đô; cho phép Thủ đô được sử dụng các khoản thu ngân sách trung ương vượt dự toán; ưu tiên bố trí nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn thực hiện các chương trình, dự án, nguồn tín dụng nhà nước cho Thủ đô để đầu tư các công trình, dự án quan trọng về xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và môi trường. Về vấn đề này, phần lớn đại biểu đồng tình với việc dành cho Thủ đô những cơ chế, chính sách đặc thù nhưng đề nghị dự thảo luật cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn để làm rõ tính "đặc thù" và tạo thuận lợi cho Thủ đô trong quá trình thực thi luật.

Ðiều 19 của dự thảo luật quy định về việc quản lý dân cư được nhiều đại biểu QH quan tâm phát biểu ý kiến đóng góp. Theo Tờ trình của Chính phủ, tình trạng tăng dân số cơ học quá nhanh ở nội thành trong những năm gần đây là một trong những vấn đề nan giải nhất của Hà Nội do cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội hiện nay không thể đáp ứng được. Nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn này, dự thảo Luật Thủ đô đưa ra một số quy định chặt chẽ hơn so với Luật Cư trú hiện hành. Về vấn đề này, các đại biểu QH có ý kiến khác nhau. Ðại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương), Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, các quy định về quản lý dân cư như Ðiều 19 là chưa thuyết phục, cần nghiên cứu kỹ để tránh không đồng bộ với Luật Cư trú. Việc hạn chế quyền tự do cư trú của công dân là điều không hợp lý và nếu quy định như dự thảo luật thì có thể coi là một bước lùi trong công tác quản lý dân cư và xây dựng luật. Chia sẻ với việc Thủ đô đang rơi vào tình trạng "quá tải" người nhập cư gây ảnh hưởng không nhỏ quá trình phát triển kinh tế - xã hội, các đại biểu Nguyễn Ðức Chung (Hà Nội), Lê Nam (Thanh Hóa), Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) đồng ý với Ðiều 19 của dự thảo luật và cho rằng, quy định như vậy là hợp lý, không trái với Luật Cư trú hiện hành. Cần làm cho người dân hiểu rằng, Thủ đô là trung tâm kinh tế của đất nước chứ không phải là trung tâm "sinh kế", vì vậy việc quản lý dân cư tốt, tránh tình trạng quá tải tại Thủ đô là chủ trương hợp lý.

Về biểu tượng của Thủ đô, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu), Lê Thị Hương (Thanh Hóa) cùng một số đại biểu khác nhất trí với dự thảo luật khi chọn Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, với  ba lý do  xác đáng như giải trình của Chính phủ.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cần nghiên cứu, xem xét kỹ về việc chọn Khuê Văn Các làm biểu tượng của Thủ đô bởi còn nhiều di tích lịch sử, văn hóa khác cần chú trọng như hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long...

Ðề nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế

Buổi chiều, các đại biểu QH thảo luận ở tổ về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân; Dự án Luật Hòa giải cơ sở.

Thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội), Nguyễn Xuân Trường (Hải Phòng), Nguyễn Minh Phương (Cần Thơ) cùng một số đại biểu bày tỏ sự đồng tình với nội dung sửa đổi, bổ sung như Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH. Ðồng thời nêu rõ, sau hơn ba năm đi vào hoạt động, cùng với quá trình vận hành, biến động của tình hình kinh tế - xã hội, nhất là thời gian qua, giá cả thị trường biến động theo hướng tăng cao, nhất là các chi phí về giáo dục, y tế, cùng chi phí sinh hoạt khác, như: xăng, dầu, lương thực, thực phẩm... cho nên việc sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập cá nhân là cần thiết và cấp bách. Chính phủ trình QH cho phép điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) cho bản thân người nộp thuế  từ mức bốn triệu đồng/tháng lên chín triệu đồng/tháng; mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng lên 3,6 triệu đồng/tháng là phù hợp. Tuy nhiên, có đại biểu cho rằng, việc điều chỉnh thuế cần căn cứ vào mức lương tối thiểu của người lao động để GTGC sẽ phù hợp hơn. Tuy nhiên, đại biểu Lê Thanh Vân (Hải Phòng) cho rằng, thuế TNCN ra đời vừa qua chưa sát tình hình thực tế, khi thuế TNCN ban hành, ngay sau đó đã lạc hậu, dẫn tới Chính phủ cố gắng điều chỉnh bằng cách quy định GTGC, gia hạn, rồi nâng mức GTGC... Nhà nước nên bỏ thuế TNCN thay bằng thuế thu nhập cao để phù hợp nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn hiện nay. Ðến khi nào kinh tế đất nước hồi phục, phát triển, đời sống nhân dân ổn định thì nên thực hiện Luật Thuế TNCN.

Không nên hành chính hóa các nội dung của Luật Hòa giải cơ sở

Thảo luận về Luật Hòa giải cơ sở, phần lớn ý kiến đồng tình với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo của Hội đồng thẩm định của Bộ Tư pháp về luật này và khẳng định sự cần thiết phải ban hành luật. Ðại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ), Chu Sơn Hà (Hà Nội) và một số đại biểu cho rằng: Ðể việc hòa giải ở cơ sở đạt kết quả tốt, không nên hành chính hóa các nội dung trong luật, việc gì để người dân giải quyết được thì để cho dân giải quyết, nên đơn giản hóa các thủ tục, xã hội hóa việc hòa giải ở cơ sở. Trong đó, cần chọn người tham gia hòa giải có phẩm chất đạo đức tốt, hiểu biết pháp luật và có uy tín trong cộng đồng nhân dân ở thôn, bản và có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân.

Ðối với việc lựa chọn bầu hòa giải viên ở cơ sở, có ý kiến đề nghị để MTTQ, hoặc các tổ chức chính trị ở thôn, bản giới thiệu nhân sự hòa giải viên, sau đó chính quyền cấp xã, phường, thị trấn ra quyết định lựa chọn. Nên thành lập Ban hòa giải ở cấp xã, phường, thị trấn như trước đây, để giải quyết kịp thời các vướng mắc, mâu thuẫn trong dân, giảm áp lực cho chính quyền và cơ quan pháp luật. Ðồng thời, luật cũng cần giải thích rõ hơn về hòa giải viên độc lập; quy định khen thưởng những hòa giải viên ở cơ sở có thành tích tốt, đồng thời có hình thức kỷ luật đối với những hòa giải viên vi phạm pháp luật.

Theo nhandan

  • Từ khóa