Chủ nhật, 24/11/2024, 02:02[GMT+7]

Ngày làm việc thứ 16, kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII Thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng

Thứ 7, 10/11/2012 | 08:29:59
1,214 lượt xem
Ngày 9-11, ngày làm việc thứ 16, Kỳ họp thứ tư, Quốc hội (QH) khóa XIII, các đại biểu thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Ðại biểu QH thành phố Hải Phòng phát biểu ý kiến tại hội trường.

Cân nhắc phạm vi điều chỉnh của luật

Thảo luận về dự án luật nêu trên, nhiều ý kiến phát biểu cho rằng, tuy đạt được kết quả tích cực, nhưng nhìn chung công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng. Tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc, bất bình trong xã hội; tiếp tục là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Ðảng, sự quản lý của Nhà nước. Do vậy, việc sửa đổi Luật PCTN là cần thiết, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác PCTN.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, đến nay, sau 5 năm triển khai thực hiện Luật PCTN, chúng ta chưa tiến hành tổng kết, từ đó phân tích đầy đủ, toàn diện những nguyên nhân, hạn chế trong công tác PCTN, làm căn cứ để sửa đổi toàn diện Luật PCTN. Do vậy, cần cân nhắc kỹ lưỡng phạm vi sửa đổi, phù hợp với yêu cầu thực tế. Ðại biểu Dương Trung Quốc (Ðồng Nai) cho rằng, phạm vi sửa đổi luật lần này chỉ nên tập trung sửa đổi một số điều đang gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, nhất là về tổ chức bộ máy, cơ chế vận hành và phối hợp trong hoạt động PCTN. Ðồng tình quan điểm nêu trên, đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị, chỉ nên sửa đổi, bổ sung những nội dung liên quan đến công tác kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức và kiện toàn Cơ quan PCTN ở T.Ư. Vì đây là những hạn chế lớn, khiến công tác PCTN thời gian qua đạt hiệu quả chưa cao.

Kiện toàn cơ quan PCTN và thực hiện nghiêm việc kê khai, công khai tài sản, thu nhập

Thảo luận việc thành lập cơ quan độc lập về PCTN, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến khác nhau. Ðại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) cho rằng, việc thành lập thêm cơ quan PCTN thuộc QH là không cần thiết, vì dễ gây chồng chéo trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan. Chúng ta đã có Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN thuộc Chính phủ và các đơn vị chuyên trách từ T.Ư đến địa phương. Do vậy, cần kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nêu trên, nhằm thực hiện tốt công tác PCTN. Tuy nhiên, theo ý kiến nhiều đại biểu, kinh nghiệm của một số nước cho thấy, không nên để cơ quan PCTN thuộc cơ quan hành pháp mà nên để ở cơ quan lập pháp hoặc tư pháp.

Các đại biểu Mã Ðiền Cư (Quảng Ngãi), Phạm Xuân Thường (Thái Bình) cho rằng, bên cạnh Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN, cần thành lập cơ quan độc lập về PCTN thuộc QH hoặc thuộc Văn phòng Chủ tịch nước. Cơ quan này có quyền điều tra tất cả các hành vi tham nhũng ở mọi cấp, mọi ngành, nhằm nâng cao hiệu quả PCTN. Ðề cập vấn đề này, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Ðồng) và một số đại biểu khác cho rằng, chúng ta có nhiều quy định liên quan công tác PCTN, nhưng chưa được thực hiện tốt, một phần do chưa có Ban Chỉ đạo PCTN độc lập. Ðại biểu này đề nghị, trước mắt chưa cần thành lập thêm một cơ quan PCTN độc lập ở T.Ư mà nên chuyển Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN sang trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban, để công tác PCTN thực hiện hiệu quả hơn. Ðiều này phù hợp với Kết luận Hội nghị T.Ư 5 (khóa XI) của Ðảng về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Thảo luận việc mở rộng đối tượng kê khai tài sản, thu nhập quy định trong dự án luật, nhiều đại biểu cho rằng, điều này là cần thiết. Ðại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Ðồng) cho rằng, đây là kênh quan trọng, qua đó phát hiện dấu hiệu hành vi tham nhũng. Cùng với việc kê khai, cần công khai tài sản, thu nhập tại cơ quan và nơi cư trú để nhân dân giám sát, điều này phù hợp các quy định pháp luật hiện hành. Ðại biểu Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng) đề nghị, cần kê khai tài sản, thu nhập đối với cả vợ, con của cán bộ, công chức, tránh tình trạng để vợ, con đứng tên sở hữu tài sản, nhằm che giấu tài sản, thu nhập. Ðối với tài sản không kê khai, khi bị phát hiện sẽ tịch thu, sung công.

Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, không nên mở rộng đối tượng kê khai tài sản, thu nhập vì thực tế hiện nay việc thực hiện kê khai tài sản, thu nhập đối với các đối tượng được quy định trong luật hiện hành vẫn chưa thực hiện hiệu quả, mang tính hình thức, đối phó. Do vậy, trước mắt cần thực hiện tốt kê khai, công khai tài sản, thu nhập đối với các đối tượng đã và đang thực hiện và có chế tài xử lý nghiêm khắc những người không thực hiện, thực hiện không nghiêm túc, kê khai không trung thực. Một số đại biểu đề nghị, nên đưa những người là đảng viên nhưng không giữ chức vụ, cán bộ đã về hưu ra khỏi diện kê khai tài sản, thu nhập.

Nhiều ý kiến đề nghị, đối với người đứng đầu cơ quan để xảy ra tham nhũng phải được xử lý và chuyển đổi vị trí công tác. Ðại biểu Phạm Ðức Châu (Quảng Trị) cho rằng, hầu hết các vụ việc tham nhũng bị phát hiện đều liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến người đứng đầu. Do vậy, cần có chế tài xử lý người đứng đầu tại các đơn vị để xảy ra tham nhũng dù liên quan trực tiếp hay gián tiếp. Ðồng tình quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, vai trò của người đứng đầu trong công tác PCTN rất quan trọng. Nếu người đứng đầu thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật, có thái độ liêm khiết trong công tác, thì cấp dưới không dám tham nhũng. Trái lại, nếu người đứng đầu có hành vi tham nhũng, vô hình trung khuyến khích cấp dưới tham nhũng theo.

Tuy nhiên, theo đại biểu Phạm Văn Hổ (Phú Yên), việc xử lý người đứng đầu cơ quan đơn vị để xảy ra tham nhũng là cần thiết, nhưng cũng cần có sự tuyên dương, khen thưởng những người đứng đầu cơ quan, đơn vị tự phát hiện tham nhũng tại đơn vị mình, nhằm khuyến khích các đơn vị nâng cao tinh thần tự phát hiện đối với hành vi tham nhũng. Về việc chuyển đổi vị trí công tác, nhiều ý kiến cho rằng, đây là việc làm cần thiết, nhưng nếu không được thực hiện nghiêm túc sẽ gây tác dụng không tốt. Theo đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu), đối với những người có hành vi tham nhũng nhưng không bị phát hiện, khi chuyển đổi công tác với những người này, có thể là điều kiện tốt để họ tiếp tục tham nhũng tại vị trí công tác mới.

Xử lý nghiêm minh tội phạm tham nhũng

Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến công tác PCTN thời gian qua đạt hiệu quả chưa cao là do chưa xác định cụ thể các hành vi tham nhũng và công tác xử lý đối với tội phạm tham nhũng còn nhiều bất cập. Theo đại biểu Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng), việc liệt kê 12 hành vi tham nhũng như trong dự thảo luật là chưa đầy đủ. Thực tế cho thấy, tham nhũng diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi, xảy ra ở nhiều nơi, trong khi các quy định của pháp luật thời gian qua chỉ chạy theo diễn biến hành vi phạm tội. Do vậy, Ban soạn thảo cần nghiên cứu để đưa ra quy định đầy đủ, phù hợp và mang tính bao quát cao. Ðồng tình với ý kiến nêu trên, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Ðà Nẵng) cho rằng, tham nhũng đã và đang xảy ra ở nhiều cấp, ngành, thậm chí ở cả những ngành trước đây rất ít nảy sinh tham nhũng như lĩnh vực giáo dục, văn hóa, hoạt động từ thiện. Do vậy, cùng với việc xác định hành vi tham nhũng, dự thảo luật cần đưa ra các biện pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả.

Ðại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) thẳng thắn nêu, thời gian qua việc xử lý tội phạm tham nhũng chưa nghiêm minh, chưa đáp ứng yêu cầu của nhân dân, việc chuyển tội danh từ tham nhũng sang các tội nhẹ hơn và việc áp dụng án treo đối với tội phạm tham nhũng còn nhiều. Với diễn biến hiện nay của tội phạm tham nhũng, chúng ta phải coi tội phạm tham nhũng là tội phản quốc, đi ngược lại lợi ích của Tổ quốc, lợi ích của nhân dân, từ đó đưa ra chế tài xử lý thích đáng. Ðại biểu này cho rằng, một trong  những biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCTN là phải giải quyết triệt để lợi ích nhóm, việc bố trí cán bộ sai vị trí, ban hành và tham mưu ban hành những văn bản pháp luật nhằm mục đích vụ lợi. Ðồng tình với quan điểm nêu trên, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Ðồng) cho rằng, cần có sự tuyên chiến thật sự của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân với tệ tham nhũng. Tội phạm tham nhũng không được cho hưởng án treo, không giảm án.

Các đại biểu Vũ Xuân Trường (Nam Ðịnh), Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) đề nghị, cùng với việc sửa đổi Luật PCTN, các ngành chức năng cần nghiên cứu sửa đổi các luật liên quan như Luật Tố tụng hình sự, Luật Ðất đai... nhằm tạo sự thống nhất trong các quy định của pháp luật liên quan công tác PCTN. Bên cạnh đó, cần có cơ chế hữu hiệu nhằm thu hồi tài sản tham nhũng, vì đây là một trong những hạn chế lớn trong công tác PCTN hiện nay, khi mà phần lớn tài sản tham nhũng không thu hồi lại được.

Phát huy vai trò của báo chí trong PCTN

Vai trò của các tổ chức đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp trong PCTN được nhiều đại biểu tham gia góp ý. Một số ý kiến cho rằng, cần nâng cao vai trò của công tác tuyên truyền, giáo dục về PCTN cũng như vai trò của các cơ quan báo chí trong việc phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng. Ðại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) cho rằng, vai trò của báo chí trong PCTN đã được khẳng định. Nhờ sự vào cuộc của các cơ quan báo chí, nhiều vụ việc tham nhũng đã bị phát hiện, xử lý. Tuy nhiên, vị trí, vai trò của các tổ chức, đoàn thể nêu trên chưa được đề cập một cách xứng đáng trong dự thảo luật.

Ðại biểu Dương Trung Quốc (Ðồng Nai) thẳng thắn nêu, mặc dù dự án luật đề cập vai trò, trách nhiệm báo chí trong PCTN, nhưng lại đòi hỏi cơ quan báo chí, phóng viên đưa tin về hành vi chống tham nhũng có trách nhiệm cung cấp nội dung thông tin tài liệu liên quan cho những người đứng đầu Viện kiểm sát và Tòa án ở địa phương để phục vụ cho việc xác minh làm rõ hành vi tham nhũng giống như đối xử với người dưới quyền của mình, trong khi không đưa ra biện pháp bảo vệ an toàn cho các nhà báo, cơ quan báo chí là điều không phù hợp. Do vậy, cần có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để các cơ quan báo chí tham gia vào công tác PCTN, đồng thời cần có quy định nhằm bảo vệ người tố cáo tham nhũng và những người tham gia đấu tranh PCTN, trong đó có các cơ quan báo chí. Ðại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) đề nghị, dự thảo luật cần bổ sung thêm điều khoản quy định về vai trò, vị trí, trách nhiệm xã hội của các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, trong đó có các cơ quan báo chí đối với công tác PCTN, cũng như nâng cao vai trò giám sát, phát hiện tham nhũng của các tổ chức, đoàn thể nêu trên, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác PCTN.

Theo nhandan

  • Từ khóa