Chủ nhật, 24/11/2024, 01:46[GMT+7]

Ngày làm việc thứ 21, kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII Thông qua hai nghị quyết và thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Thứ 6, 16/11/2012 | 07:44:20
1,001 lượt xem
Ngày 15-11, Kỳ họp thứ tư, Quốc hội (QH) khóa XIII sang ngày làm việc thứ 21. Các đại biểu QH làm việc tại Hội trường thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách T.Ư năm 2013 và Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2013, thảo luận Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Ðại biểu QH tỉnh Quảng Trị phát biểu ý kiến tại hội trường.

Thông qua hai nghị quyết

Ðầu giờ làm việc buổi sáng, QH nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu QH về phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2003. Báo cáo cho biết, Ủy ban Thường vụ QH đã tiếp thu và chỉnh lý các vấn đề đại biểu quan tâm: về bổ sung có mục tiêu từ ngân sách T.Ư sang ngân sách địa phương; việc chi cho các tập đoàn, tổng công ty và bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay vốn nước ngoài; các chương trình mục tiêu quốc gia...

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của QH, thành viên Ðoàn Thư ký kỳ họp Ðinh Văn Nhã trình bày dự thảo Nghị quyết phân bổ ngân sách T.Ư năm 2013. Theo đó, tổng số thu cân đối ngân sách T.Ư là 519.836 tỷ đồng. Tổng số thu cân đối ngân sách địa phương là 296.164 tỷ đồng. Tổng số chi cân đối ngân sách T.Ư là 681.836 tỷ đồng, bao gồm cả 193.595 tỷ đồng bổ sung cân đối, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách T.Ư cho ngân sách địa phương. Sau đó, QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách T.Ư năm 2013.

QH cũng nghe Chủ nhiệm Văn phòng QH, Trưởng Ðoàn Thư ký kỳ họp Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu QH và dự thảo Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2013 và biểu quyết thông qua nghị quyết nói trên.

Kiến nghị Chính phủ tiếp tục gia hạn việc miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân

Thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân, các đại biểu QH cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra dự án luật này của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của QH. Về các vấn đề, cụ thể, các đại biểu tập trung thảo luận ba nội dung chính trong dự thảo luật. Trước hết, về mức giảm trừ gia cảnh, đa số ý kiến đại biểu QH thống nhất với mức nâng từ bốn triệu đồng lên chín triệu đồng cho người nộp và mức giảm trừ gia cảnh cho mỗi người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng lên 3,6 triệu đồng. Tuy nhiên, vẫn có một số ý kiến cho rằng, việc nâng mức giảm trừ gia cảnh như trong dự thảo luật là chưa hợp lý và làm sai lệch bản chất của thuế thu nhập cá nhân và đưa thuế thu nhập cá nhân trở thành thuế thu nhập cao. Ðồng thời, thu hẹp lại diện người phải chịu thuế, ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách và không bảo đảm mục tiêu điều tiết và công bằng xã hội. Các đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình), Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn), Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) đề nghị cần giải trình rõ những cơ sở khoa học, những căn cứ thực tiễn để áp dụng mức giảm trừ gia cảnh như dự thảo luật và cần có đánh giá tác động về kinh tế - xã hội khi áp dụng luật.

Về quy định mức giảm trừ gia cảnh khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động, đa số ý kiến phát biểu tán thành như dự thảo. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị khi CPI tăng từ hơn 20% trở lên giao cho Chính phủ điều chỉnh, nhưng cũng có ý kiến đề nghị giao cho QH điều chỉnh. Một vấn đề được các đại biểu QH tán thành là quy định về thu nhập chịu thuế và các khoản thu nhập không chịu thuế lần này có sửa đổi, bổ sung và đề nghị cần rà soát  kỹ những khoản phụ cấp, trợ cấp nào không đưa vào diện chịu thuế. Ðề nghị bổ sung những quy định miễn, giảm thuế cho một số đối tượng.

Về khung thuế suất, một số đại biểu đề nghị bỏ bớt bậc 7 hoặc chỉ để lại năm bậc. Ðại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, nên cân nhắc bỏ bớt mức thuế bậc 7 (tức là 35%). Vì đối tượng thu ở mức này không nhiều, trong khi nếu bỏ bậc 7, Việt Nam sẽ nằm trong những quốc gia có cạnh tranh về thuế thu nhập ở mức dưới 30%, đây là yếu tố cạnh tranh quốc gia trong thu hút đầu tư. Ngoài ra, đa số những người làm công ăn lương có mức thu nhập cao là cán bộ khoa học kỹ thuật, chuyên gia giỏi, người làm quản lý, nếu thu thuế quá cao sẽ là rào cản, không có động lực để họ phấn đấu.

Về kỳ tính thuế và quyết toán thuế, về thời điểm hiệu lực thi hành,  đa số các đại biểu thống nhất nên áp dụng từ ngày 1-7-2013 nhằm bảo đảm thời gian cần thiết để Chính phủ triển khai xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành luật. Ðồng thời, nhằm thực hiện các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho cá nhân người lao động cũng như góp phần thực hiện chủ trương kích cầu. Nhiều đại biểu kiến nghị Chính phủ nên tiếp tục gia hạn việc miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân đến ngày luật này có hiệu lực thi hành.

Xây dựng Hiến pháp thật sự là đạo luật cơ bản, có tính ổn định, lâu dài

Thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, hầu hết ý kiến phát biểu đều khẳng định sự cần thiết của việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nhất trí với chín nội dung cơ bản cần tập trung sửa đổi, qua đó bảo đảm đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; xây dựng và bảo vệ đất nước; tích cực và chủ động hội nhập quốc tế. Dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, chất lượng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Dự thảo Hiến pháp sau khi sửa đổi, bổ sung có 11 chương, 126 điều. So với Hiến pháp năm 1992, Dự thảo Hiến pháp giảm một chương, 21 điều, 18 điều giữ nguyên, 95 điều sửa đổi và bổ sung 13 điều mới.

Trong phiên thảo luận chiều hôm qua, Chương II của Dự thảo Hiến pháp năm 1992 sửa đổi quy định về Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân là một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm phát biểu ý kiến đóng góp. Các đại biểu Triệu Là Pham (Hà Giang), Phạm Ðức Châu (Quảng Trị), Tô Văn Tám (Kon Tum) và một số đại biểu khác nêu rõ, việc Dự thảo dành chương II để quy định về quyền con người và quyền công dân đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Ðảng, Nhà nước đối với quyền của con người và công dân và đây là điểm ưu việt của dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Tuy nhiên, dự thảo cần có những khái niệm, định nghĩa cụ thể, rõ ràng về quyền con người và quyền công dân. Từ đó, sẽ đưa ra những chính sách bảo đảm thực hiện quyền con  người, quyền công dân phù hợp với thực tế cuộc sống của người dân. Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định  công dân được bảo đảm quyền có đất ở, đất sản xuất và nên quy định vấn đề này trong một điều riêng, rõ ràng. Ngoài ra, cũng cần có những quy định cụ thể để hạn chế việc không tôn trọng quyền con người từ phía các  cơ quan công quyền. Có đại biểu đề nghị, không nên quy định quyền con người và quyền công dân vào chung trong một điều khoản mà nên tách riêng để làm rõ đặc điểm của từng đối tượng.

Một số đại biểu phát biểu ý kiến đóng góp vào Ðiều 55 quy định về nền kinh tế Việt Nam và các thành phần kinh tế; Ðiều 117 về hai phương án về địa vị pháp lý của Hội đồng nhân dân.

Theo nhandan

  • Từ khóa