Chủ nhật, 24/11/2024, 01:41[GMT+7]

Ngày làm việc thứ 22, kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII Tiếp tục thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Thứ 2, 19/11/2012 | 07:29:03
1,075 lượt xem
Ngày 16-11, ngày làm việc thứ 22, kỳ họp thứ tư, Quốc hội (QH) khóa XIII. Các đại biểu tiếp tục thảo luận ở hội trường Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Ðại biểu QH tỉnh Thanh Hóa phát biểu ý kiến tại hội trường.

Trong phát biểu của mình, các đại biểu QH đều bày tỏ sự nhất trí cao với sự cần thiết sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình QH và dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Bên cạnh đó, các đại biểu QH cũng đóng góp ý kiến về nhiều nội dung quan trọng.

Khẳng định vị trí, vai trò lãnh đạo của Ðảng

Ý kiến phát biểu của các đại biểu  tập trung làm rõ nội dung của Hiến pháp liên quan đến vị trí lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam, được ghi trong Ðiều 4 của dự thảo Hiến pháp và cho rằng, việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nhằm tiếp tục khẳng định, làm rõ hơn vị trí, vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của Ðảng đối với Nhà nước và xã hội là cần thiết. Bản Dự thảo đã thiết kế có những nội dung đổi mới, thể hiện rõ bản chất mối quan hệ của Ðảng với nhân dân. Hơn nữa, khẳng định trách nhiệm của Ðảng trước nhân dân. Bên cạnh tổ chức của Ðảng, thì đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Ðại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng: Sau hàng chục năm kể từ ngày thống nhất đất nước đến nay, chưa bao giờ Ðảng ta đứng trước những khó khăn, thách thức trong sự nghiệp của mình và yêu cầu của nhân dân như hiện nay. Cũng chưa bao giờ các thế lực thù địch lại có các cách thức, tần suất, phương tiện tấn công vào sự lãnh đạo của Ðảng như ngày nay.

Theo đại biểu, tình hình đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có lúc do thiếu văn bản pháp luật và quy định về hoạt động của Ðảng, các tổ chức Ðảng và đảng viên. Các tổ chức của Ðảng và cán bộ, đảng viên hoạt động và thực hiện nhiệm vụ dưới sự lãnh đạo của Ðảng trên cơ sở Ðiều lệ Ðảng và các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên, nhưng lãnh đạo như thế nào, trách nhiệm của Ðảng trước nhân dân và pháp luật ra sao thì chưa rõ.

Vì vậy, một số đại biểu đề nghị, việc sửa đổi Hiến pháp phải quy định rõ ràng các chế định pháp lý về Ðảng Cộng sản Việt Nam và cần nghiên cứu để xây dựng một số điều quy định về bản chất của Ðảng, nội dung, phương thức lãnh đạo, trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn của Ðảng, của tổ chức Ðảng, đảng viên trước đất nước, trước nhân dân và trước  pháp luật. Quy định rõ và đầy đủ về Ðảng Cộng sản Việt Nam và vai trò lãnh đạo của Ðảng đối với Nhà nước và xã hội trong Hiến pháp sửa đổi nhằm làm rõ, khẳng định hơn vị thế, vị trí của Ðảng ta. Mặt khác, Hiến pháp là công cụ pháp lý rất quan trọng nhằm ngăn chặn sự suy thoái, tự diễn biến của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, không để tổ chức, cá nhân nào đứng trên, đứng ngoài Hiến pháp, pháp luật.

Ðề cập nội dung Ðiều 4 trong Dự thảo Hiến pháp năm 1992, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, Ðảng bao gồm ba chủ thể: Ðảng Cộng sản Việt Nam; các tổ chức của Ðảng và đảng viên. Khi thiết kế Ðiều 4, đã bỏ quên chủ thể quan trọng nhất là Ðảng, chỉ quy định các tổ chức của Ðảng và đảng viên hoạt động theo khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Vì thế, Ðiều 4 nên bổ sung là "Ðảng, các tổ chức của Ðảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật". Một số ý kiến đề nghị khẳng định Ðảng Cộng sản Việt Nam là Ðảng cầm quyền (đại biểu Nguyễn Bắc Việt, tỉnh Ninh Thuận).

Bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân

Nhiều đại biểu đề cập nội dung quyền lực nhân dân trong việc xây dựng, thực hiện Hiến pháp. Hiến pháp phải có cơ chế bảo vệ quyền con người, các quyền cơ bản của công dân. Ðó chính là bảo đảm tính kế thừa, bảo đảm chủ quyền của nhân dân trong việc xây dựng Hiến pháp. Tuy nhiên, một số đại biểu nêu ý kiến, điều quan trọng là việc thể hiện quyền lực của nhân dân dù tốt đến đâu, nhưng việc thực hiện và bảo vệ quyền đó như thế nào trên thực tế luôn mang tính quyết định. Thực tế  thi hành Hiến pháp năm 1992 cho thấy, có một số quyền trực tiếp của công dân như quyền được thông tin, quyền được tự do hội họp, quyền ngôn luận, biểu tình và các quyền dân chủ gián tiếp như quyền bãi nhiệm, bất tín nhiệm đã không được cụ thể hóa bằng các đạo luật cụ thể. Ðồng thời, thực tế cho thấy, nhiều văn bản của các bộ, ngành, các cấp ở địa phương ban hành đã có nhiều vi phạm đến quyền cơ bản của nhân dân, chưa hợp lòng dân. Nhân dân đã nhiều lần kiến nghị, phản ánh, nhưng việc bãi bỏ các quy định là rất khó khăn, do chưa có quy trình cụ thể.

Ðề cập một số nội dung tại Chương II về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) và một số đại biểu khác nhấn mạnh, việc quy định về quyền con người là chế định mới được đưa vào dự thảo, thể hiện tính nhất quán của Ðảng và Nhà nước ta về tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, đồng thời thể hiện cam kết quốc tế của nước ta về vấn đề này. Ðại biểu  này đồng tình với cách diễn đạt trong dự thảo, không thể tách bạch tuyệt đối giữa quyền con người và quyền công dân. Tuy nhiên, đề nghị sắp xếp các chương điều cho hợp lý hơn. Cũng có ý kiến đề nghị tách quyền con người và quyền công dân ra, vì quyền con người là quyền tự nhiên. Ðề cập một số nội dung được nêu tại Ðiều 31 của dự thảo, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) đề nghị có nội dung khẳng định công dân được quyền trưng cầu ý dân về những vấn đề hệ trọng quốc gia và về thay đổi Hiến pháp như Hiến pháp năm 1946.

Phân công nhiệm vụ, quyền hạn giữa QH, Chủ tịch nước và Chính phủ hợp lý, khoa học

Nhiều ý kiến phát biểu tập trung vào quy định quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp (Ðiều 2 dự thảo) và đề nghị cần được thể hiện trong dự thảo Hiến pháp lần này. Hơn nữa, làm rõ hơn vị trí của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, và QH là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan duy nhất do cử tri cả nước bầu ra và có quyền lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.  Ðể phát huy tốt hơn vai trò  của Chính phủ trong hoạch định chính sách và QH thật sự là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước, một số đại biểu nhất trí nội dung quy định tại Ðiều 76 của dự thảo, không quy định trong Hiến pháp việc QH quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh mà QH chỉ quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, một số đại biểu kiến nghị cân nhắc việc bổ sung một số quy định tại khoản 4, Ðiều 76 là QH quyết định nguyên tắc phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, quyết định mức giới hạn an toàn nợ quốc gia, nợ công, nợ Chính phủ trong dự thảo, vì đây là những vấn đề cụ thể, chi tiết, không nên quy định trong Hiến pháp.

Nhiều ý kiến thảo luận về chế định Chủ tịch nước (Ðiều 94). Ðại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, chế định Chủ tịch nước là một trong những chế định có thể tham gia vào việc điều tiết cân bằng và kiểm soát giữa các quyền. Do đó, đề nghị sửa quy định: Chủ tịch nước có quyền bãi bỏ văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ trái với lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, thành bãi bỏ văn bản Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ trái với Hiến pháp và pháp luật.

Tăng cường kiểm soát quyền lực

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu đề cập là cơ chế bảo hiến. Một số đại biểu cho rằng, nên giữ như quy định hiện hành giao nhiệm vụ này cho các cơ quan, tổ chức hiện nay. Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng, từ thực tiễn vừa qua, việc phân định các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp còn nhiều điểm chưa rõ ràng, có nhiều cách hiểu đa nghĩa, gây lúng túng trong việc thực thi sự phân công giữa các cơ quan có trách nhiệm; giữa Trung ương và địa phương, do đó đề nghị bổ sung vào Hiến pháp việc thành lập cơ quan bảo hiến, bên cạnh cơ quan bảo vệ Hiến pháp hiện hành. Thực hiện cơ chế bảo hiến phù hợp với tinh thần Nghị quyết Ðại hội XI của Ðảng đề ra. Một số đại biểu khác bày tỏ ủng hộ phương án thành lập Hội đồng Hiến pháp, qua đó có cơ chế phán quyết về những vi phạm Hiến pháp có thể xảy ra ngay trong hoạt động của các cơ quan nhà nước thuộc lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Trong khi đó, một số đại biểu lại cho rằng, trong tình hình hiện nay, nhà nước chưa cần thiết phải thành lập cơ quan bảo vệ Hiến pháp độc lập, cần tiếp tục củng cố tổ chức hoạt động của các cơ quan nhà nước để bảo đảm hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu của công tác này. Theo đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình), thực tế chức năng này đã được giao cho các cơ quan như QH, Chủ tịch nước, Chính phủ và các cơ quan chính quyền địa phương. Chính phủ đã có quy định cụ thể hóa các quy định về kiểm tra, rà soát và thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật trước khi ban hành.

Ðại biểu Trần Ðình Nhã (Thừa Thiên - Huế)  cho rằng, Nghị quyết Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XI  đã  nêu rõ quyền lực phải được kiểm soát, phải dùng quyền lực để kiểm soát quyền lực. Tuy nhiên, trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 nguyên lý trên chưa được triển khai mạnh mẽ. Ðể góp phần khắc phục bất cập này, đại biểu này và một số đại biểu khác đề nghị Hiến pháp cần tăng cường, bổ sung công cụ, thiết chế độc lập giúp QH thực hiện chức năng giám sát. Ðó là hệ thống cơ quan chuyên trách độc lập do QH  lập ra, báo cáo công tác trước QH. Ngoài  ra có thể quy định ngay trong Hiến pháp lần này các thiết chế như Hội đồng Hiến pháp, cơ quan chống tham nhũng độc lập. Ðề nghị QH nghiên cứu, sửa quy định của Hiến pháp về Viện KSND, trả lại cho Viện KSND chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật đối với các cơ quan hành pháp, tư pháp mà Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 đã ghi nhận.

Theo nhandan

  • Từ khóa