Thứ 7, 16/11/2024, 02:52[GMT+7]

Ngành LĐ-TB&XH Thái Bình: 65 năm - một chặng đường vẻ vang

Thứ 6, 27/08/2010 | 08:10:49
1,730 lượt xem
Năm 2010, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống (28/8/1945-28/8/2010) trong không khí toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang ra sức thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 65 năm cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9, hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng... Bài phát biểu của đồng chí: NGUYỄN HẠNH PHÚC, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đo

Đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thăm, tặng quà người khiếm thị nghèo xã Đông Vinh (Đông Hưng). Ảnh: Minh Sơn

Trong niềm vui chung đó, những người làm công tác Lao động, Thương binh và Xã hội Thái Bình tự hào vì đã có những đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn tỉnh, đồng thời xây dựng kế hoạch quyết tâm phấn đấu cao hơn để hoàn thành trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, góp phần thúc đẩy sự nghiệp đổi mới của quê hương, đất nước.

Ngày 28/8/1945, Tuyên cáo thành lập Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập Bộ Lao động và Cứu tế xã hội - cơ quan thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội của chính quyền cách mạng. Trải qua 65 năm xây dựng, phấn đấu và phát triển, với nhiều tên gọi khác nhau nhưng ngành Lao động, Thương binh và Xã hội luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện tốt các chính sách về lao động, việc làm, chăm sóc người và gia đình có công với cách mạng cũng như các lĩnh vực xã hội khác.

Cùng với sự ra đời, xây dựng và trưởng thành của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội cả nước, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội Thái Bình được Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh chăm lo ngay từ những ngày đầu thành lập, đã trải qua chặng đường dài nỗ lực phấn đấu, đạt được nhiều thành tích quan trọng. Xuất phát điểm từ 3 ngành: Lao động, Thương binh xã hội và Kinh tế mới, trải qua nhiều lần chia tách, sát nhập, thay đổi chức năng, nhiệm vụ cho phù hợp với tình hình nhưng đã cùng Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh có nhiều đóng góp trong các cuộc kháng chiến cứu nước cũng như trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Từ việc huy động sức người, sức của chi viện cho tiền tuyến đến việc quản lý lực lượng lao động cũng như việc thực hiện các chính sách xã hội, góp phần tích cực giữ vững ổn định chính trị – xã hội, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Trong thời kỳ kháng chiến, công tác lao động tập trung hoàn thành xuất sắc hai nhiệm vụ: Tổ chức động viên phong trào thi đua ái quốc và động viên nhân lực cho kháng chiến. Toàn tỉnh, có trên 61 vạn thanh niên lên đường chiến đấu và phục vụ chiến đấu, trên 3 vạn dân công hỏa tuyến, 20 vạn người tham gia bộ đội địa phương, huy động gần 120 triệu ngày công lao động tại chỗ và phục vụ chiến đấu, 3,5 vạn thanh niên xung phong, gần 4,5 vạn dân công quốc phòng, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đưa sự nghiệp cách mạng của đất nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Các cuộc chiến tranh để lại cho tỉnh hậu quả hết sức nặng nề; toàn tỉnh có hơn 5,1 vạn liệt sĩ, 3,2 vạn người là thương binh, bệnh binh, 2.178 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gần 20 nghìn người bị nhiễm chất độc màu  da cam...

Trong những năm qua, với đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình đã đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” bằng những việc làm thiết thực chăm sóc, giúp đỡ các gia đình, đối tượng chính sách, người có công với cách mạng. Đến nay, 98,3% gia đình, đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân địa phương. Toàn tỉnh có 280/286 xã, phường, thị trấn được công nhận danh hiệu: Đơn vị thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ.

Cùng với công tác thương binh, liệt sĩ, lĩnh vực lao động, việc làm và việc thực hiện các chính sách xã hội cũng được ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh nhà triển khai thực hiện nghiêm túc, toàn diện, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Giai đoạn 2006 – 2010, bình quân mỗi năm toàn tỉnh giải quyết việc làm cho gần 29.000 người, tổ chức dạy nghề cho trên 25.500 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo vượt 2%, qua đào tạo nghề vượt 4% so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra. Công tác giải quyết việc làm đạt kết quả tích cực, phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế – xã hội chung của tỉnh, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động của tỉnh theo hướng giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp, tăng tỷ trọng lao động trong lĩnh vực công nghiệp – dịch vụ – thương mại, giảm tỷ lệ hộ nghèo... Ngoài ra, việc thực hiện các chính sách đối với các đối tượng bảo trợ xã hội, công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em, công tác phòng, chống tệ nạn xã hội... cũng đã được ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực.

Trên chặng đường vẻ vang đã qua, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh nhà đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, được Đảng, Nhà nước ghi nhận, biểu dương, trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Tuy vậy, ngành vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, tồn tại cần rút kinh nghiệm và nhanh chóng khắc phục. Trong thời gian tới, để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh nhà cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là: Chấp hành nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Nâng cao toàn diện chất lượng công tác lao động, thương binh và xã hội, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của xã hội và tiến trình CNH-HĐH đất nước. Tích cực, chủ động nghiên cứu, xây dựng, đề xuất với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp với tình hình và điều kiện thực tiễn của tỉnh.

Hai là: Duy trì và nâng cao chất lượng các Trung tâm, cơ sở đào tạo việc làm cho người lao động. Thực hiện có hiệu quả Đề án giải quyết việc làm cho lao động nhất là lao động ở khu vực thu hồi nhiều đất nông nghiệp phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Hướng dẫn và định hướng người lao động lựa chọn ngành, nghề đào đạo phù  hợp với bản thân và xu hướng phát triển của xã hội.

Đẩy mạnh các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, huy động mọi nguồn lực để thực hiện tốt hơn nữa các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước đối với người và gia đình có công với cách mạng; quan tâm đến lĩnh vực xã hội, góp phần thực hiện tốt chính sách xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống người dân.

Ba là: Không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp và lề lồi làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức của ngành không chỉ đào tạo trong nước và trước mắt mà cần đào tạo tại nước ngoài và có chiến lược cán bộ lâu dài, bảo đảm đủ sức đáp ứng và hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tăng cường trang bị, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nhiệm vụ chuyên môn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tin học và cải cách hành chính để nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ.

Bốn là: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại đáp ứng nhu cầu thông tin và xử lý thông tin trong công tác. Cán bộ, công chức ngành Lao động Thương binh và Xã hội phải là người tiên phong, gương mẫu trong xử lý công việc được giao, không gây phiền hà, phức tạp trong thực hiện các thủ tục hành chính; không có các biểu hiện tiêu cực, quan liêu, nhũng nhiễu và vô cảm trước những bức xúc của nhân dân; kịp thời, tham mưu giải quyết những kiến nghị chính đáng của nhân dân, làm trọn nghĩa vụ công bộc của nhân dân.

Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đánh giá cao những kết quả mà ngành Lao động Thương binh và Xã hội Thái Bình đã đạt được trong những năm qua và  hoàn toàn tin tưởng toàn ngành sẽ tiếp tục vươn lên giành được nhiều thành tựu mới to lớn hơn nữa, góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, phát triển, giàu mạnh và văn minh, thực hiện thắng lợi các mục tiêu của sự nghiệp CNH – HĐH đất nước.

  • Từ khóa