Thứ 5, 14/11/2024, 23:46[GMT+7]

Bắt đầu lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Thứ 6, 04/01/2013 | 16:09:54
1,401 lượt xem
Ngày 28/12/2012, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã ký ban hành Nghị quyết số 38/2012/QH13 về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (Nghị quyết này đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ tư thông qua ngày 23/11/2012) từ ngày 2/1 đến hết ngày 31/3/2013.

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sẽ được lấy ý kiến nhân dân từ ngày 2/12 đến hết ngày 31/3

Theo Nghị quyết số 38/2012/QH13, đối tượng lấy ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là các tầng lớp nhân dân; Các cơ quan nhà nước, tổ chức ở Trung ương: Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Tòa án Nhân dân tối cao; Viện kiểm sát Nhân dân tối cao; Kiểm toán Nhà nước; các Ban của Đảng; Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước;  Các cơ quan nhà nước ở địa phương: Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Tòa án Nhân dân, Viện kiểm sát Nhân dân; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội-nghề nghiệp và các tổ chức xã hội khác; Các học viện, trường đại học, viện nghiên cứu; Các cơ quan thông tấn, báo chí.

Việc tổ chức thảo luận, lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992  phải được thực hiện với các hình thức thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân phải được tiến hành rộng rãi, dân chủ, khoa học, công khai; bảo đảm tiến độ, chất lượng, thiết thực và tiết kiệm. Ý kiến đóng góp của nhân dân phải được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác và nghiên cứu tiếp thu, giải trình nghiêm túc để hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Ông Phan Trung Lý, Trưởng ban Biên tập, Người phát ngôn của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, cho biết nội dung lấy ý kiến nhân dân là toàn bộ Dự thảo sửa đổi, bao gồm: Lời nói đầu; chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ Tổ quốc; bộ máy nhà nước; hiệu lực của Hiến pháp và quy trình sửa đổi Hiến pháp; kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp.

Lời nói đầu được sửa đổi theo hướng khái quát, cô đọng và súc tích hơn về truyền thống, lịch sử của đất nước, dân tộc, lịch sử lập hiến của nước ta; nhiệm vụ cách mạng giai đoạn  mới, mục tiêu xây dựng đất nước và thể hiện ý chí của nhân dân, chủ quyền của nhân dân trong ban hành và sửa đổi Hiến pháp.

Về chế độ chính trị, Dự thảo làm rõ, đầy đủ hơn vai trò, vị trí lãnh đạo của Đảng, tư tưởng đại đoàn kết dân tộc, quan điểm về chủ quyền nhân dân theo hướng nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, bổ sung và thực hiện nguyên tắc “quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.

Dự thảo đã làm rõ nội dung quyền con người, quyền công dân,trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người, đảm bảo thực hiện quyền công dân; bổ sung một số quyền mới là kết quả của quá trình đổi mới 25 năm qua ở nước ta, phù hợp với các điều ước quốc tế về quyền con người mà nước ta là thành viên.

Về kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, Dự thảo đã thể chế hoá các quan điểm của Đảng, làm rõ hơn tính chất, mô hình kinh tế, vai trò quản lý của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chế độ sở hữu và quyền tự do kinh doanh...

Đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, Dự thảo đã khẳng định và làm sâu sắc hơn vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, sự gắn kết giữa nhiệm vụ đối ngoại với quốc phòng, an ninh trong việc xây dựng đất nước, bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

Tiếp tục kế thừa bản chất và mô hình tổng thể của bộ máy Nhà nước trong Hiến pháp năm 1992 theo yêu cầu hoàn thiện Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, Dự thảo quy định nguyên tắc phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; xác định rõ hơn chức năng của cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và điều chỉnh lại một số nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan này; bổ sung một thiết chế hiến định độc lập.

Người phát ngôn của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cũng cho biết, cùng với dự thảo sửa đổi Hiến pháp, sẽ còn có một bản thuyết minh về những vấn đề cần phải sửa đổi (có bao nhiêu phương án và tại sao lại chọn phương án này...) để nhân dân nắm rõ và đưa ra ý kiến của mình.

Những góp ý của nhân dân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài sẽ là căn cứ để Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 củng cố chính kiến của mình để hoàn thiện dự thảo.

Trong năm nay, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sẽ được Quốc hội thông qua.

Theo chinhphu

  • Từ khóa