Mục tiêu, các trụ cột phát triển của Thái Bình giai đoạn mới
Phóng viên: Thưa đồng chí, để đạt mục tiêu đưa Thái Bình trở thành tỉnh phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, Tỉnh ủy đã có những chủ trương, giải pháp lớn gì?
Đồng chí Ngô Đông Hải: Xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng là mục tiêu cũng là quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân Thái Bình trong cả nhiệm kỳ và những năm tới. Để hiện thực hóa mục tiêu, khát vọng đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, cụ thể hóa bằng nhiều đề án, chương trình, kế hoạch tập trung vào các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, nhất là năm nhiệm vụ trọng tâm và ba đột phá phát triển.
Theo đó, Tỉnh ủy Thái Bình tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức làm việc của các cấp ủy, tổ chức đảng; chú trọng thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên.
Trong phát triển kinh tế, Tỉnh ủy Thái Bình tập trung chỉ đạo tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế và các ngành sản xuất gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, giá trị gia tăng lớn. Trong đó, cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa, tập trung theo chuỗi giá trị hiệu quả cao; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Tháng 10/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới với bảy nhiệm vụ và giải pháp cụ thể nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2030 có từ 40% số xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 20% số xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu có bốn huyện trở lên được công nhận huyện nông thôn mới nâng cao.
Cùng đó, tỉnh tập trung thực hiện có hiệu quả việc cơ cấu lại các ngành công nghiệp; khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, điện khí và điện gió theo quy hoạch; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, đổi mới công nghệ, cải thiện năng lực quản lý. Ưu tiên thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước có uy tín, có năng lực về tài chính, công nghệ vào đầu tư các dự án có quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, sản xuất các sản phẩm tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, thân thiện với môi trường.
Thái Bình xác định nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu trong cả nhiệm kỳ 2020-2025 và các nhiệm kỳ tiếp theo, đó là tập trung xây dựng, phát triển Khu kinh tế Thái Bình toàn diện về công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ, đô thị và kinh tế biển, trở thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của tỉnh, mà trước hết là tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng Khu kinh tế Thái Bình, khu công nghiệp phục vụ nông nghiệp, các khu công nghiệp trong khu kinh tế, cảng Diêm Điền, cảng Ba Lạt... tạo động lực thu hút đầu tư vào tỉnh. Cùng với đó là đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực, tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn, có tác động quan trọng, thúc đẩy sự phát triển của tỉnh. Tỉnh đang lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đặt ra. Trước hết cả hệ thống chính trị vào cuộc tập trung tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn, thúc đẩy cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh...
Hiện nay, Thái Bình đang tập trung cao độ để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm quy hoạch tỉnh sẽ là cơ sở và định hướng cho sự phát triển của tỉnh trong giai đoạn 10 năm tới. Tỉnh xác định phát triển kinh tế-xã hội bền vững trên cơ sở thực hiện có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, lao động, việc làm, an sinh xã hội, coi trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; thực hiện tốt chính sách đối với người và gia đình có công, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đồng thời, xây dựng con người Thái Bình phát triển toàn diện cả về đạo đức, nhân cách, trí tuệ, thể chất và năng lực. Phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng-an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, dành nguồn lực cho xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, bảo đảm sự bình yên và hạnh phúc của người dân.
Phóng viên: Xin đồng chí cho biết, để phát triển nhanh, bền vững, tỉnh chọn lĩnh vực kinh tế nào làm động lực? Những giải pháp đột phá, kết quả đạt được và những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ?
Đồng chí Ngô Đông Hải: Để đạt được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, bên cạnh tiếp tục tái cơ cấu và phát triển nông nghiệp, tỉnh chủ trương đi thẳng vào phát triển các ngành công nghiệp hiện đại, công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sản xuất ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao và có thị trường tiêu thụ bền vững. Đây sẽ chính là lĩnh vực tạo ra giá trị gia tăng, giá trị mới đóng góp vào nền kinh tế, tạo động lực mạnh mẽ để thúc đẩy phát triển bứt phá trong những năm tới đây. Để hướng tới mục tiêu này, tỉnh xác định các khâu đột phá trong những năm tới là tăng cường cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Tỉnh tiến hành rà soát, bãi bỏ các cơ chế, chính sách không còn phù hợp, tập trung xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách cho cả nhiệm kỳ để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Cùng với duy trì hiệu quả việc giải quyết thủ tục hành chính theo phương án "5 tại chỗ", các sở, ngành, địa phương nâng cao vai trò, trách nhiệm trong giải quyết thủ tục đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cao nhất cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn, các nhà đầu tư nước ngoài.
Tỉnh đã phê duyệt danh mục các dự án ưu tiên thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025 của tỉnh; ban hành và chỉ đạo thực hiện kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện các giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021. Chỉ đạo triển khai tích cực công tác quy hoạch Khu kinh tế Thái Bình và đẩy mạnh xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế. Tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư; tập trung rà soát, nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng để chủ động nắm bắt xu hướng dịch chuyển nguồn vốn FDI, đặc biệt là từ các nhà đầu tư, các tập đoàn đa quốc gia. Kết quả, 10 tháng đầu năm 2021, Thái Bình có thêm 68 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư với số vốn đăng ký hơn 16.700 tỷ đồng. Ngày 1/9/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư cho năm dự án với tổng vốn đăng ký gần 600 triệu USD; trong đó, ba dự án FDI quy mô lớn với tổng vốn đăng ký khoảng 420 triệu USD (cao hơn tổng số vốn FDI đã thu hút đầu tư cả giai đoạn 2016-2020)…
Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư vào Thái Bình hiện còn gặp nhiều khó khăn, trong đó ngoài ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thì việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển còn hạn chế. Tỉnh đã và đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, khơi thông các nguồn lực, tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Theo nhandan.vn
Tin cùng chuyên mục
- Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8: Quốc hội thảo luận về các dự án luật 23.10.2024 | 16:17 PM
- Khẩn trương đưa các nghị quyết của HĐND tỉnh vào cuộc sống 29.08.2024 | 20:06 PM
- Cử hành trọng thể Lễ truy điệu và an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng 26.07.2024 | 18:24 PM
- Kỳ họp thứ 7: Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án luật, nghị quyết 28.06.2024 | 16:09 PM
- Đồng chí Trần Thanh Mẫn được bầu làm Chủ tịch Quốc hội 20.05.2024 | 16:33 PM
- Ngày làm việc thứ nhất Hội nghị Trung ương 9 khóa XIII 16.05.2024 | 19:58 PM
- Kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra vào chiều 2/5 01.05.2024 | 13:48 PM
- Xã luậnViết tiếp trang sử vàng của Đảng 03.02.2024 | 07:38 AM
- Triển khai quyết định bổ nhiệm Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh 22.01.2024 | 12:00 PM
- Đồng chí Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và viếng các anh hùng liệt sĩ 01.12.2023 | 18:32 PM
Xem tin theo ngày
- Kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để giải quyết công việc phát sinh đột xuất
- Họp Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh
- Khai mạc hội diễn nghệ thuật quần chúng Hội tụ sông Hồng
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Trung, xã Đông Phương
- Kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2024
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025
- Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật đất đai